Tướng Vịnh nói về quân đội Việt Nam tham gia ở Liên hiệp quốc

Tá Lâm |

"Tôi có niềm tin quân đội Việt Nam đi là sẽ mang lại thành công phục vụ cho Tổ quốc, đồng thời đóng góp vào sự hòa bình ổn định của thế giới".

Sáng 29-9, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) đã giao nhiệm vụ cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại phái bộ LHQ ở Nam Sudan – một quốc gia ở Đông Phi.

Chỉ còn hai ngày nữa, các sĩ quan quân đội Việt Nam sẽ xuất quân thực hiện nhiệm vụ.

Bên lề buổi giao nhiệm vụ, báo chí đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về vấn đề này.

Thử thách lớn

Phóng viên: Mỗi cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là một sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Không chỉ là sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa, mà mỗi chiến sĩ còn là sứ giả về sức mạnh quân sự của Việt Nam – sức mạnh này có được từ truyền thống rất nhiều năm và được phát huy trong thời bình.

Trong quá trình huấn luyện thì từng cán bộ, chiến sĩ phải giỏi nghề, ngoại ngữ, thông thuộc luật pháp quốc tế và am hiểu chính trị... Tôi căn dặn anh em là luôn phải tự học tự rèn bản lĩnh, hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn chính là nơi rèn luyện tốt nhất.

Xin ông cho biết tình hình ở Nam Sudan hiện giờ như thế nào?

+ Một số nước châu Phi nói chung là đói nghèo, mất kiểm soát về chính quyền và xung đột giữa các bộ tộc, phe phái trong một quốc gia. Nhiệm vụ của Liên hợp quốc trước hết là đưa lực lượng đến ngăn chặn chiến tranh bùng phát, giúp nước chủ nhà tham gia tái thiết. Lực lượng của Việt Nam tham gia gìn gìn hòa bình Liên hợp quốc không tham gia tái thiết mà chỉ đảm bảo hòa bình và hòa giải.

Liên hợp quốc có qui định, các nước tham gia được lựa chọn nội dung công việc, địa bàn, trách nhiệm... Chúng ta tham gia trên cơ sở chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ hòa bình và quan hệ đối ngoại như không tham gia vào xung đột quân sự. Nói thế không có nghĩa là chúng ta né tránh mà đây là đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Xin ông cho biết thành công bước đầu của lực lượng quân đội Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình LHQ?

+ Chúng ta thành công bước đầu ở ba nội dung lớn: Hoàn thiện hệ thống pháp lý, đưa được 27 sĩ quan tham mưu giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc ở châu Phi và chuẩn bị tốt cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường làm nhiệm vụ.

Với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, tôi có niềm tin rằng, quân đội Việt Nam đi là sẽ mang lại thành công phục vụ cho Tổ quốc, đồng thời đóng góp vào sự hòa bình ổn định của thế giới. Nhưng việc thực hiện nhiệm vụ cũng không hề đơn giản, đây là nhiệm vụ và thử thách lớn đòi hỏi chúng ta phải rất nổ lực để hoàn thành. Mặc dù nhiều khó khăn và thử thách nhưng tôi khẳng định chúng ta sẽ lên đường và giành được thắng lợi.

10 bóng hồng quân đội đến Nam Sudan

Ý nghĩa của việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thế nào, thưa ông?

+ Chúng ta đã tham gia vào nhiệm vụ này được 5 năm với hình thức là sĩ quan tham mưu, sĩ quan liên lạc đóng góp rất tích cực cho việc gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhưng chỉ tham gia ở khía cạnh quan sát, tham mưu chứ chưa có hành động thực tế.

Lần này, chúng ta đưa các chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi là chuyển từ công tác tham mưu sang hành động thực tế và nó cũng sẽ đo năng lực sĩ quan chúng ta, kể cả về quân sự, quan hệ quốc tế và trình độ quân y.

Tướng Vịnh nói về quân đội Việt Nam tham gia ở Liên hiệp quốc - Ảnh 1.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chụp hình kỷ niệm với các sĩ quan quân y lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: TÁ LÂM

Tôi tin là Liên hợp quốc rất chờ đợi chuyến đi của chúng ta, để họ xem Việt Nam trong thời chiến tranh như vậy thì trong thời bình ra sao. 

Đây là một ý nghĩa to lớn để chúng ta chứng minh sự đóng góp của chúng ta đối với hòa bình thế giới, cũng như chứng minh cho thế giới thấy quân đội chúng ta trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc rất giỏi, nhưng bảo vệ hòa bình cũng rất giỏi và rất chủ động.

Một điểm nổi bật của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi lần này là có 10 nữ sĩ quan.

Đối với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nói riêng và Liên hợp quốc nói chung, tỷ lệ nữ thường là rất thấp, họ chỉ yêu cầu 10% nhưng chúng ta đi lần này là 17%. 

Đây là dấu ấn, Việt Nam vừa làm tốt nghĩa vụ gìn giữ hòa bình nhưng vừa làm tốt mục tiêu bình đẳng giới của Liên hợp quốc.

Tôi rất trông chờ vào 10 nữ sĩ quan của chúng ta ở châu Phi.

Phương hướng sắp tới của Bộ Quốc phòng để tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thưa ông?

+ Phương hướng chung là chúng ta tiếp tục nắm bắt thông tin, thường xuyên rút kinh nghiệm... để nghiên cứu hoàn thiện. Cụ thể là ngay sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi thì Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ được thành lập. 

Một năm sau, bệnh viện số 2 sẽ xuất quân gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và bệnh viện số 1 về nước. Khi về nước, bệnh viện này sẽ trở thành bệnh viện dã chiến cơ động của quân đội.

Một vấn đề nữa là chúng ta đang chuẩn bị đội công binh, cũng là một cam kết với Liên hợp quốc. Dự kiến cuối năm 2019, đầu năm 2020, chúng ta sẽ đặt vấn đề với Liên hợp quốc để đội công binh xuất quân.

Ngoài lực lượng công binh và quân y , sắp tới Bộ Quốc phòng còn đưa lực lượng nào nữa?

+ Liên hợp quốc đề nghị Việt Nam nhiều như họ đang muốn chúng ta tham gia vào không quân trực thăng vận tải bằng máy bay của Liên Xô cũ, rồi thông tin, bảo vệ và nhiều lực lượng khác...

Tuy nhiên, chúng ta chỉ tham gia vào những lĩnh vực phù hợp với đường lối đối ngoại của chúng ta, cũng như phù hợp với năng lực của chúng ta. Trong đó có hai yêu cầu: phải an toàn về lực lượng và hoàn thành nhiệm vụ.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại