Mới đây, người phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Gary Ross cho biết, Lầu Năm Góc đang ủng hộ đề xuất chi 7,5 tỷ USD trong Kế hoạch ổn định châu Á - Thái Bình Dương để tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này trong vòng 5 năm tới.
Theo ông Ross , cơ quan quốc phòng Mỹ vẫn luôn coi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực quan trọng, ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, số ngân sách trên sẽ được dùng để nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự, triển khai thêm nhân lực và tàu thuyền nhằm nâng cao sức mạnh quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trả lời Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, Thiếu tướng hải quân Doãn Trác cho rằng, việc Mỹ đầu tư 7,5 tỷ USD căn bản không thể thay đổi tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương nhưng có thể tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ cũng như tạo sự khích lệ cho các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực này.
Doãn Trác nhận định, với số ngân sách dự trù trên, Washington có thể tăng cường sự hiện diện của nhóm tàu sân bay, bao gồm việc thay đổi tình trạng tàu sân bay Mỹ không có ở vùng biển Đông Á trong vòng 4 tháng hàng năm.
Mỹ cũng có thể triển khai thêm tàu ngầm tấn công hạt nhân, đảm bảo ít nhất có hai tàu ngầm hạt nhân hộ tống nhóm tàu sân bay của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hoặc triển khai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình thay cho tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, duy trì ít nhất một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình hoạt động tại khu vực này.
Ngoài ra, có thể tăng cường triển khai tàu đổ bộ, tàu vận tải và tàu tiếp tế nhanh tại khu vực để nâng cao khả năng điều động lực lượng từ các căn cứ quân sự ở Australia, đảo Guam và Hawaii tới Đông Á.
Thiếu tướng Trung Quốc cho rằng, so với ngân sách quân sự phân tán tới nhiều khu vực dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama thì toàn bộ 7.5 tỷ USD này sẽ trực tiếp cấp cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương với chiến lược rõ ràng, nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có thể nổ ra trong tương lai.
Phương thức "chu cấp tập trung" này sẽ đạt hiệu suất cao hơn, là "viên thuốc an thần" cho quân đội Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là sự khích lệ đối với các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực này, Doãn Trác nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đằng Kiến Quần, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nước Mỹ thuộc Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, sự thay đổi đối trọng Trung-Mỹ đã giúp quan hệ song phương phát triển tích cực hóa và khẳng định, hai bên sẽ tăng cường mở rộng hợp tác.