Tương quan lực lượng giữa NATO và Nga qua các con số

PHƯƠNG LINH |

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có khả năng quân sự vượt trội so với Nga, nhưng sự phô trương quân sự của Moscow là đáng lo ngại.

Các số liệu phân tích đã được các chuyên gia quân sự NATO đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm của liên minh này diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 11 và 12-7 vừa qua đã cho thấy như vậy.

*Về lực lượng quân đội: NATO có 3,2 triệu binh lính, trong đó Mỹ có 1,9 triệu quân, Pháp có 100.000 quân. Trong khi đó, Nga có 831.000 quân.

*Về vũ khí:

+ Đầu đạn hạt nhân: NATO có 7.065 đầu đạn hạt nhân, trong đó Mỹ sở hữu phần lớn. Về phần Nga, Moscow sở hữu 6.850 đầu đạn hạt nhân.

+ Tàu ngầm hạt nhân được trang bị bệ phóng: NATO có 22 chiếc, còn Nga có 13 chiếc.

+ Máy bay ném bom tầm xa: Liên minh quân sự có 157 chiếc. Điều đáng nói là toàn bộ số máy bay trên đều là của Mỹ. Số lượng máy bay của NATO nhiều hơn Nga 18 chiếc.

+ Xe tăng tấn công: NATO sở hữu 9.857 chiếc, gấp Nga 3,34 lần (Nga có 2.950 chiếc).

+ Xe thiết giáp: Moscow có 5.900 xe, trong khi NATO sở hữu 29.275 chiếc.

+ Máy bay chiến đấu: 5.277 là số máy bay chiến đấu của NATO đang hoạt động, còn 1.065 là số máy bay chiến đấu trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga.

+ Tàu sân bay: NATO có 13 chiếc, trong đó 10 chiếc của Mỹ, còn Nga chỉ có duy nhất 1 chiếc.

+ Tàu chiến, tàu khu trục: NATO có 252 chiếc, Nga có 32 chiếc.

Tương quan lực lượng giữa NATO và Nga qua các con số - Ảnh 1.

Tiêm kích-bom Su-24 - lực lượng chủ lực trong các cuộc không kích ở Syria của không quân Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

*Về ngân sách quốc phòng năm 2017:

Trong năm 2017, NATO chi 954 tỷ USD, tương đương 2,43% GDP của liên minh này dành cho chi tiêu quốc phòng. Trong khi đó, Nga chi 66,3 tỷ USD, tương đương 4,3% GDP của Nga.

Năm 2014, các nước thành viên NATO cam kết, trong 10 năm, sẽ chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, năm 2017, chỉ có 6/29 nước hoàn thành cam kết. Trong đó, Mỹ đóng góp nhiều nhất là 3,14% GDP cho chi tiêu quốc phòng, Ba Lan 2,01%, còn Pháp là 1,79%.

*Ba thế đối đầu giữa NATO và Nga:

Thứ nhất: Về vấn đề Crimea: Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea tháng 12-2014, ủng hộ lực lượng quân sự ở miền Đông Ukraine đã khiến mối quan hệ Đông-Tây vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” kể từ sau khi Liên Xô tan rã năm 1989, lại càng trở nên căng thẳng.

Đáp trả lại, NATO đã hủy bỏ các cuộc họp tham vấn của Hội đồng Nga-NATO, một cơ chế để hai bên bày tỏ quan điểm, thảo luận cùng đưa ra quyết định chung về an ninh, được hình thành từ năm 2002. Động thái này đã làm “đóng băng” hợp tác giữa hai bên từ tháng 6-2014.

Thứ hai: Về tình hình Syria: 7 năm kể từ khi cuộc chiến nổ ra tại Syria, Điện Kremlin luôn ủng hộ chế độ cầm quyền của Tổng thống Bachar Al Assad. Về mặt chính thức, Nga hỗ trợ Damascus trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, nhưng trên thực tế, Moscow đang cứu chế độ của ông Bachar Al Assad.

Hiện nay, Nga có hai căn cứ quân sự tại Syria, gồm cảng Tartus, là nơi neo đậu duy nhất của Nga hướng ra Địa Trung Hải và cũng là cửa ngõ duy nhất dẫn ra các vùng “biển nóng” và căn cứ không quân Latakia là cũng là lối vào khu vực Trung Đông của Nga.

“Khi can thiệp vào Syria, Nga cũng muốn buộc phương Tây phải đối thoại với mình. Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi vì phương Tây vẫn không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và vẫn chưa quên hồ sơ Ukraina”, tờ Le Monde bình luận.

Thứ ba: Căng thẳng trên vịnh Baltic: Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tăng cường hiện diện ở sườn phía Đông của Nga. Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Warsaw (Ba Lan) năm 2016 đã thông qua quyết định triển khai luân phiên các tiểu đoàn đa quốc gia tại Ba Lan và 3 nước Baltic là Latvia, Litva, Estonia.

Bước đi này là nhằm tăng cường an ninh cho các quốc gia đồng minh ở phía Đông và chống lại “mối nguy cơ từ Nga”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại