Tướng Mỹ: Trung Quốc mở rộng căn cứ ở nước ngoài, có thể đón các tàu sân bay

Anh Minh |

Căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc đã được mở rộng và hiện có khả năng hỗ trợ lực lượng tàu sân bay đang phát triển của nước này, một chỉ huy chiến đấu của Mỹ tiết lộ.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương năm 2018. Stringer/Reuters

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương năm 2018. Stringer/Reuters

"Căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của họ, căn cứ duy nhất của họ, là ở châu Phi, và họ vừa xây dựng bổ sung một bến tàu quan trọng thậm chí có thể hỗ trợ hàng không mẫu hạm của họ trong tương lai", tướng Stephen Townsend, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện, theo Stars and Stripes.

Trung Quốc đã mở một căn cứ ở Djibouti trên vùng Sừng châu Phi và bắt đầu triển khai quân đội ở đó từ năm 2017. Trước khi mở cửa căn cứ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng họ xây dựng căn cứ "nhằm mục đích thực hiện tốt hơn các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của mình và bảo vệ tốt hơn lợi ích hợp pháp của mình, thay vì tìm kiếm sự bành trướng quân sự".

Phát biểu với các nhà lập pháp hôm thứ Ba, tướng Townsend nói căn cứ này đang trở thành một "nền tảng để thể hiện sức mạnh trên khắp lục địa (châu Phi) và vùng biển của nó", nói thêm rằng "xung quanh lục địa này, họ đang tìm kiếm các cơ hội để mở thêm căn cứ khác".

Tạp chí Forbes đăng bài hồi tháng 5/2020 với hình ảnh vệ tinh về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng căn cứ Djibouti. Nhà phân tích quốc phòng H I Sutton cho biết vào thời điểm đó, một cầu tàu dài gần 300m có thể nhìn thấy trong các hình ảnh vệ tinh về căn cứ quân sự này "đủ dài để chứa các tàu sân bay mới, tàu đổ bộ tấn công hoặc các tàu chiến lớn khác của Trung Quốc”.

Tướng Mỹ: Trung Quốc mở rộng căn cứ ở nước ngoài, có thể đón các tàu sân bay - Ảnh 1.

Trung Quốc chính thức mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti vào tháng 8 năm 2017. YouTube / CGTN

Hải quân Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc có hai tàu sân bay. Tàu Liêu Ninh được phát triển từ phần thân chưa hoàn thiện của một tàu tuần dương chở máy bay hạng nặng của Liên Xô đã bị loại bỏ và chiếc Sơn Đông mới hơn là phiên bản cải tiến, được sản xuất trong nước của tàu Liêu Ninh.

Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thứ ba, dự kiến ​​sẽ là một tàu sân bay lớn hơn, hiện đại hơn với hệ thống phóng máy bay.

Trung Quốc cũng đang đóng mới các tàu tấn công đổ bộ Type 075. Chiếc đầu tiên đã được hạ thủy vào năm 2019 và các cuộc thử nghiệm trên biển đã được tiến hành vào mùa hè năm sau đó.

Vì từ Djibouti có thể tiếp cận các tuyến đường thủy chiến lược, nhiều quốc gia đã thiết lập các tiền đồn ở đó, bao gồm cả Mỹ. Căn cứ hải quân Trung Quốc chỉ cách căn cứ quân sự Mỹ, Trại Lemonnier, một vài dặm.

Vào năm 2017, người tiền nhiệm của Townsend, tướng Thomas Waldhauser, nói rằng việc căn cứ Mỹ gần căn cứ Trung Quốc gây ra "một số lo ngại về an ninh rất đáng kể".

"Chúng tôi chưa bao giờ có căn cứ đối thủ ngang hàng nào ở gần như thế. Vì vậy, có rất nhiều thứ đang diễn ra", vị tướng này nói với Breaking Defense vào thời điểm đó.

Là láng giềng ở Djibouti, Mỹ và Trung Quốc không phải lúc nào cũng hòa thuận. Ví dụ, vào năm 2018, The Wall Street Journal đưa tin rằng quân nhân Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các phi công quân sự Mỹ bay qua Djibouti bằng tia laser công suất cao.

Châu Phi là một trong nhiều khu vực cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Trung Quốc là mối quan tâm lớn. Họ thực sự có mặt ở khắp mọi nơi trên lục địa", tướng Townsend nói hôm thứ Ba. "Họ đang đặt cược rất nhiều. Họ đang tiêu rất nhiều tiền. Họ đã xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại