1. Không ít NHM Heerenveen đang đặt ra những câu hỏi, đơn giản vì họ cảm thấy khó hiểu. Tại sao lại có một CLB chấp nhận trả tiền chỉ để mang cầu thủ của mình đi cho mượn?
Một đội bóng cho mượn cầu thủ có thể để đẩy tạm cái tên không cần thiết ấy đi, giảm bớt gánh nặng cho quỹ lương đồng thời thu về một khoản phí; hoặc đẩy các tài năng trẻ tới CLB nhỏ hơn học hỏi kinh nghiệm khi họ chưa đủ tầm lên đội một tại đội chủ quản...
Trong trường hợp của Đoàn Văn Hậu, CLB Hà Lan rõ ràng nằm ở nền bóng đá cao hơn hẳn Việt Nam và dĩ nhiên cũng có đẳng cấp cao hơn hẳn Hà Nội FC.
Đến nơi đây, Văn Hậu có môi trường tốt hơn hẳn khi ở Việt Nam để phát triển bản thân. Khoản phí ban đầu Heerenveen mượn Văn Hậu có thể không quá đáng kể với Hà Nội FC. Nhưng khi Hậu thành tài, Heerenveen muốn mua đứt thì cái giá sẽ không còn "bèo" nữa. Khi đó, CLB Thủ đô sẽ thật sự thu về được một khoản tài chính đáng kể.
Tất nhiên đó chỉ là một "khả năng". Vẫn có rủi ro xảy ra nếu Văn Hậu không phát triển như kỳ vọng, không được đánh giá cao tại châu Âu, thậm chí không đi được đâu khác mà phải về nước.
Nhưng với một cầu thủ giàu tiềm năng như Văn Hậu, ở trường hợp tệ nhất đi nữa, tin rằng khi hồi hương cũng sẽ đạt một đẳng cấp nổi trội để giúp Hà Nội FC chinh chiến V.League hay các sân chơi châu Á.
2. Trước khi Hà Nội FC tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Heerenveen tiền để trả lương cho Văn Hậu, đã có một bên trung gian thay CLB Hà Lan ráo riết đi tìm kiếm tài trợ. Theo một vài nguồn tin, quyền lợi mà Heerenveen trả cho nhà tài trợ cũng không tồi chút nào, ví dụ như việc được quảng cáo trên sân đấu, trên áo đấu...
Chấp nhận mở hầu bao theo kiểu "hiếm thấy", khả năng lớn Hà Nội FC sẽ không buông tha các điều kiện kể trên. Ngoài ra, trong các hợp đồng bóng đá vốn có rất nhiều điều kiện ràng buộc về mặt tài chính, giờ đây Hà Nội FC sẽ có thế hơn để ra điều kiện về những điều khoản này.
Ví dụ trong trường hợp Heerenveen mua đứt Văn Hậu, rồi sau đó đào tạo thành tài, bán được với giá cao, sẽ phải trích bao nhiêu % cho Hà Nội FC chẳng hạn...
3. Những cái lợi kể trên về cơ bản vẫn chỉ là khả năng và chỉ phát sinh khi Heerenveen thật sự ký tiếp hợp đồng với Đoàn Văn Hậu. Nhưng ngay lúc này, khi tương lai Văn Hậu vẫn mông lung chưa định, Hà Nội FC đã ghi điểm, thu về những giá trị vô hình.
Văn Hậu mới đây thôi tỏ ra tuyệt vọng mà thốt lên trên mạng xã hội: "Tôi ước ai đó hiểu mong muốn của mình, đấy là giấc mơ bóng đá của tôi".
"Ai đó" đã trả lời khi lập tức chấp nhận trả tiền để Hậu ở lại Hà Lan. Đến bước này, nếu thương vụ có không thành và Hậu phải về nước, cầu thủ quê Thái Bình vẫn sẽ mang ơn Hà Nội FC, mang ơn bầu Hiển rất nhiều vì đã cố gắng hết sức để hỗ trợ anh.
Những ai yêu mến Văn Hậu, yêu mến bóng đá Việt Nam cũng sẽ dành thiện cảm lớn cho quyết định của Hà Nội FC, quyết định đặt tài chính sang một bên, quan tâm nhiều hơn tới lợi ích chuyên môn một cầu thủ sáng giá, cũng là quan tâm tới lợi ích của ĐTQG.
Đến đây phải lật lại vài câu chuyện. Bầu Hiển không có nghĩa vụ, nhưng ông đã chi tiền trả lương cho Văn Hậu thay Heerenveen khi cầu thủ này về thi đấu ở U22 Việt Nam tại SEA Games 2019. Tổng số tiền lương và các chi phí khác lên đến gần 1 tỷ đồng.
Xin nhắc lại, bầu Hiển không hề có trách nhiệm phải trả số tiền ấy, vì Văn Hậu về thi đấu cho đất nước chứ không phải cho Hà Nội FC. Nhưng ông vẫn làm một cách hết sức thoải mái.
Ngược về khi đàm phán cho mượn Văn Hậu đến Heerenveen, bầu Hiển được thầy Park và VFF nhờ vả vấn đề SEA Games. Khi đó, ông đã nói nếu CLB Hà Lan không chấp nhận cho Hậu về đá SEA Games thì sẽ không cho mượn, dù đối tác trả tiền nhiều tới đâu. Với bầu Hiển, lợi ích chung của bóng đá Việt Nam luôn được ông đặt rất cao.
Trong cuộc sống, chẳng ai cho không nhau cái gì. Hà Nội FC cho đi và cũng nhận lại nhiều thứ về mặt lợi ích. Nhưng tập thể của bầu Hiển đáng khen hơn vì đã đặt cái tình nặng hơn. Cái tình cho Văn Hậu, cho bóng đá Việt Nam. Và vì thế, họ xứng đáng nhận được cái tình ngược lại, từ Văn Hậu và từ NHM bóng đá nước nhà.