Tương lai tươi sáng khi Ả Rập Saudi - Iran bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm gián đoạn

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Bộ Ngoại giao các nước Ả Rập coi đây là một bước tích cực góp phần củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới, hướng tới sự ổn định và thịnh vượng tại khu vực Trung Đông.

Ngày 10/3/2023, tại Bắc Kinh, dưới sự trung gian hòa giải của Trung Quốc, Cố vấn An ninh Quốc gia Ả Rập Saudi, Musaed Al-Aiban và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gian Iran, Ali Shamkhani, đã ký thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao bị cắt đứt giữa hai nước từ năm 2016, khôi phục lại hiệp định hợp tác ký năm 1998 và mở lại đại sứ quán tại thủ đô Riyahd và Tehran trong vòng hai tháng tới.

Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, ông Faisal bin Farhan nói: "Việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa đất nước của ông và Iran xuất phát từ tầm nhìn của Vương quốc về việc giải quyết các bất đồng bằng ngoại giao và khẳng định mong muốn chung của hai bên trong việc giải quyết những khác biệt thông qua giao tiếp và đối thoại."

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cho rằng chính sách láng giềng hữu hảo mà chính phủ Tổng thống Iran Ibrahim Raisi theo đuổi đang đi đúng hướng. Chủ tịch Quốc hội Iran, ông Muhammad Baqer Qalibaf, coi đây là một bước quan trọng góp phần vào ổn định của khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Phản ứng quốc tế

Bộ Ngoại giao các nước Ả Rập gồm Ai Cập, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Algeria, Oman, Iraq, Jordan, Tunisia, Syria, Lebanon, Sudan, Syrria, Palestine... đều ra tuyên bố hoan nghênh việc bình thường hóa quan hệ giữa Riyahd và Tehran, coi đây là một bước tích cực góp phần củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới, hướng tới sự ổn định và thịnh vượng tại khu vực Trung Đông.

Các nước này đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong việc đưa Ả Rập Saudi và Iran xích lại gần nhau.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập (AL) Ahmed Abu Gheit, Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jassim Muhammad Al-Budaiwi, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Hussein Ibrahim Taha, Người phát ngôn phong trào Houthi ở Yemen, Muhammad Abdul Salam, Tổng thư ký tổ chức Hezbollah ở Lebanon, Hassan Nasrallah, Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas)... đều ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận này và coi đây là một bước quan trọng mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương giữa Riyahd và Tehran, khôi phục đoàn kết và góp phần vào ổn định trong toàn khu vực.

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hoan nghênh Saudi Arabia và Iran nhất trí nối lại quan hệ ngoại giao. Ông đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong việc tổ chức các cuộc đối thoại giữa hai nước.

Tương lai tươi sáng khi Ả Rập Saudi - Iran bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm gián đoạn - Ảnh 1.

Đại diện Trung Quốc, Iran Ả Rập Saudi tại Bắc Kinh vào ngày 10/3/2023. Ảnh: CNN

Nga chúc mừng Iran, Ả Rập Saudi và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Riyadh và Tehran. Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov nói, việc nối lại quan hệ giữa hai nước là phù hợp với các sáng kiến của Nga nhằm thiết lập một hệ thống an ninh ở vùng Vịnh có tầm quan trọng đặc biệt đối với kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói, Ả Rập Saudi đã thông báo cho Mỹ về các liên hệ của họ với Iran.

Ông nhấn mạnh, Washington quan tâm chấm dứt chiến tranh ở Yemen và ngừng các cuộc tấn công vào Ả Rập Saudi và Mỹ sẽ xem liệu Iran có thực hiện nghĩa vụ của mình sau khi ký kết thỏa thuận với Ả Rập Saudi hay không, và liệu điều này có ảnh hưởng đến Hiệp định Abraham hay không?

Israel tỏ lo ngại về việc nối lại quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran. Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại và An ninh tại Quốc hội (Knesset) Israel, Yuli Edelstein, nói: "Việc Iran và Ả Rập Saudi nối lại quan hệ là điều rất tồi tệ đối với Israel và toàn bộ thế giới tự do".

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz mô tả thỏa thuận này là một diễn biến đáng lo ngại và Israel sẽ phải đối phó với những thách thức an ninh nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Một quan chức cấp cao khác của Israel cho rằng, thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Riyadh và Tel Aviv.

Vì sao các cố gắng trung gian hòa giải của Trung Quốc thành công?

Các cuộc đàm phán giữa Ả Rập Saudi và Iran được bắt đầu tại Baghdad từ tháng 4/2021 dưới sự trung gian hòa giải của Iraq và Oman nhưng không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa được hai bên đến Bắc Kinh ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.

Thứ nhất, Trung Quốc là nước có lợi thế nhất do mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lớn, là đối tác thương mại chính của cả Ả Rập Saudi và Iran. Mặt khác, Bắc Kinh là người hòa giải khác với Iraq và Oman ở khả năng bảo lãnh thỏa thuận. Ngay cả Mỹ hoặc Nga cũng không thể đảm bảo được việc thực hiện thỏa thuận.

Trung Quốc có mối quan hệ hết sức tốt đẹp với Ả Rập Saudi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Ả Rập Saudi từ 7-9/12/2022. Hai bên ký kết 34 thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị lên tới 29,3 tỷ USD - trong đó quan trọng nhất là thỏa thuận nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm "Đối tác chiến lược toàn diện". Với thỏa thuận này, Ả Rập Saudi trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ năm của Trung Quốc sau Nga, Việt Nam, Indonesia và ASEAN.

Ả Rập Saudi hiện là nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 87,58 triệu tấn dầu thô của Ả Rập Saudi, tương đương 1,75 triệu thùng/ngày, chiếm 18% nhu cầu dầu thô của Trung Quốc.

Riyadh cam kết cung cấp ổn định, lâu dài dầu mỏ cho Bắc Kinh và đặc biệt là đồng ý thanh toán bằng đồng nhân dân tệ để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Ả Rập Saudi đạt 101 tỷ USD, trong đó Trung Quốc nhập dầu của Ả Rập Saudi 57 tỷ USD và Ả Rập Saudi nhập hàng hóa Trung Quốc 44 tỷ USD.

Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc với Iran gần đây cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ chưa từng có.

Tương lai tươi sáng khi Ả Rập Saudi - Iran bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm gián đoạn - Ảnh 2.

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong vòng đàm phán bình thường hóa giữa Saudi-Iran. Ảnh: Reuters

Năm 2020, Trung Quốc và Iran đã ký "Chương trình hợp tác toàn diện 25 năm", theo đó Trung Quốc sẽ đầu tư 400 tỷ USD vào Iran, trong đó dành 280 tỷ USD vào việc phát triển ngành dầu khí, hóa dầu và 120 tỷ USD khác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất của Iran.

Tháng 2/2023, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thăm Trung Quốc thỏa thuận nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới.

Đàm phán giữa hai bên về nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Iran chính thức gia nhập tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Iran là một trong những nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Tehran và Bắc Kinh đặt kế hoạch đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 600 tỷ USD trong vòng mười năm tới.

Thứ hai, Trung Quốc có lợi ích lớn trong việc chấm dứt xung đột giữa Ả Rập Saudi và Iran là hai nước mạnh nhất cả vế kinh tế lẫn quân sự. Vùng Vịnh, đặc biệt là Ả Rập

Saudi và Iran là hai quốc gia cung cấp hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc và kinh tế Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thiếu khu vực này. Mặt khác, Ả Rập Saudi và Iran khó có thể tìm được một người bạn chung mà cả hai đều có thể tin tưởng như Trung Quốc.

Bình thường hóa quan hệ đem lại nhiều lợi ích cho Ả Rập Saudi và Iran

Bình thường hóa quan hệ Ả Rập Saudi - Iran sẽ mở ra cánh cửa đối thoại giữa hai nước nhằm giải quyết nhiều cuộc xung đột trong khu vực, trước hết là cuộc xung đột Yemen, đưa các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp chấm dứt chiến tranh.

Tạp chí Times của Anh cho biết chi phí cho cuộc chiến tại Yemen lên tới 200 triệu USD/ngày, tức khoảng 72 tỷ USD/năm, phần lớn do Ả Rập Saudi gánh chịu.

Chấm dứt cuộc chiến Yemen, Ả Rập Saudi sẽ cắt giảm được khoản chi phí này để sử dụng đầu tư vào các dự án đầy tham vọng của Vương quốc, đặc biệt là các dự án "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Mohammed bin Salman, trong đó có kế hoạch xây dựng thành phố NEOM với số vốn 500 tỷ USD.

Ngoài ra, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Ả-rập Saudi và Iran có thể dẫn đến việc việc giảm bớt hoặc chấm dứt sự hiện diện quân sự của Iran ở Iraq và Syria.

Điều quan trọng nhất là hai bên thỏa thuận quay trở lại thực hiện hiệp định hợp tác năm 1998 trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, thể thao và thanh niên. Trước khi xảy ra căng thẳng leo thang, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã chạm mốc 500 triệu USD/năm.

Thỏa thuận giữa Saudi và Iran sẽ là cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, đầu tư chung nhằm khai thác các tiềm năng kinh tế to lớn, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của hai nước phục vụ cho công cuộc phát triển.

Bình thường hóa quan hệ Ả Rập Saudi - Iran là thách thức đối với Mỹ và Israel

Tờ The New York Times (NYT) viết, việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Saudi là một thách thức địa chính trị đối với Mỹ. Báo The Times of Israel trích lời một quan chức cấp cao của Israel nói, thỏa thuận này được coi là một dấu hiệu về sự yếu kém của Mỹ và Israel.

Tương lai tươi sáng khi Ả Rập Saudi - Iran bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm gián đoạn - Ảnh 3.

Bình thường hóa quan hệ đem lại nhiều lợi ích cho Ả Rập Saudi và Iran. Ảnh: SPA

Thỏa thuận Saudi-Iran làm nổi bật tầm quan trọng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông. Trung Quốc mong muốn sự ổn định trong khu vực vì vùng Vịnh cung cấp hơn một nửa lượng dầu thô nhập khẩu của Bắc Kinh.

Chính sách của Mỹ đã khiến Ả Rập Saudi và Iran xích lại gần nhau. Riyahd ngày càng tỏ ra nghi ngờ trong quan hệ với Mỹ.

Mối quan hệ này trở nên hết sức căng thẳng kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức đầu năm 2021 và Washington ngừng ủng hộ Ả Rập Saudi trong cuộc chiến Yemen. Mỹ cũng hoãn các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Ả Rập Saudi.

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Ngoài việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran, Washington còn thúc đẩy thành lập một liên minh mới, với sự tham gia của 6 thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Ai Cập và Jordan được gọi là "NATO Ả Rập", mục tiêu chủ yếu nhằm chống lại Iran.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống cuối năm 2020, ông Biden hứa khôi phục lại thỏa thuận JCPOA, nhưng đến nay thỏa thuận này không những vẫn không được khôi phục mà Washington còn áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Tehran.

Trung Quốc mong muốn Iran và Saudi nối lại quan hệ nhằm khai thác khoảng trống chiến lược do Mỹ thi hành chính sách "xoay trục sang châu Á", giảm bớt sự có mặt của mình tại Trung Đông.

Là cường quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, Trung Quốc tìm cách tăng cường vai trò địa - chính trị của mình ở khu vực thông qua việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với các nước Trung Đông, đặc biệt là các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh vốn là một yếu tố thiết yếu trong việc củng cố an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Trong hơn 20 năm qua, nhất là kể từ khi trở lại nắm quyền cuối năm 2022, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đặt ra mục tiêu là bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi, quốc gia Ả Rập hùng mạnh và giàu có nhất khu vực, đồng thời thành lập một liên minh với một số nước Ả Rập do Mỹ đứng đầu nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran, thậm chí một kế hoạch tấn công quân sự đã được vạch ra nhằm làm suy yếu Iran và phá hủy chương trình hạt nhân của nước này.

Việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa hai đối thủ mạnh nhất khu vực là Ả Rập Saudi và Iran được cho là khiến những dự định của Tel Aviv không còn thuận lợi.

Việc ký kết "Tuyên bố Bắc Kinh" nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù Ả Rập Saudi và Iran là bước đầu tích cực cho thấy các bất đồng dù phức tạp đến đâu cũng có thể giải quyết được bằng thương lượng hòa bình.

Tuy nhiên, như Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan nói: "Đây là một thỏa thuận tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ đạt được một giải pháp cho tất cả những vấn đề còn tồn tại và khác biệt giữa hai nước."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại