Tương lai EU sẽ ra sao nếu vắng bóng Thủ tướng Đức Angela Merkel?

Thùy Linh |

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lo ngại quyền lực bị suy yếu của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ là nguy cơ lớn đối với khối này.

Khi nói về những nhà lãnh đạo chính trị có sức ảnh hưởng nhất ở châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn là nhân vật ở đầu danh sách. Rất nhiều quan chức EU khẳng định, chẳng có gì phải nghi ngờ về sự ổn định của chính phủ Đức. Nước Đức có một chính phủ ổn định và một Thủ tướng “có khả năng hành động”.

Tuy vậy, nhiều người ở EU phải thừa nhận, tuyên bố rút một phần khỏi các hoạt động chính trị của Thủ tướng Đức Merkel cũng chính là sự mất quyền lực một cách rõ ràng đối nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu. Kể từ khi có thông tin nhiệm kỳ Thủ tướng hiện nay của là nhiệm kỳ cuối cùng của bà Merkel, chính giới ở Brussels đã có thêm nhiều nếp nhăn.

Vì sao châu Âu cần Merkel?

Ngay cả những người chỉ trích nhiều nhất cũng đang lo ngại điều gì sẽ xảy ra nếu bà Merkel rời khỏi chính trường.

Việc bà Merkel không tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) nữa có thể dẫn tới các kịch bản như: bà Merkel sẽ phải sớm từ chức Thủ tướng, chính phủ sụp đổ, cần một liên minh mới, một chính phủ thiểu số hay các cuộc bầu cử mới. Cho dù điều gì sẽ đến thì làn sóng này cũng được cảm nhận cả ở bên ngoài biên giới nước Đức.

Sự ra đi của bà Merkel sẽ đánh dấu một biến cố đối với EU. Không có nhà lãnh đạo nào thống trị các vấn đề châu Âu như bà trong suốt 13 năm qua. Những người khác có thể đã xây dựng châu Âu, nhưng chính bà Merkel mới là người đảm nhận nhiệm vụ khó hơn nhiều: duy trì khối cùng nhau.

Cho dù sai lầm nào bà mắc phải trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đồng euro hay vấn đề người nhập cư, biệt danh “Nữ hoàng của châu Âu” dành cho bà Merkel không chỉ là lời nói đùa. Chắc chắn sự ra đi của bà sẽ tạo ra một khoảng trống, cho dù người kế nhiệm bà trong vai trò lãnh đạo nước Đức là ai.

Suốt nhiều năm, ở bất cứ cuộc họp nào của các nhà lãnh đạo châu Âu, mọi con mắt đều đổ dồn vào bà. Không gì được quyết định cho đến khi Thủ tướng Đức lên tiếng. Sẽ rất hợp lý khi cho rằng tầm ảnh hưởng đó đơn thuần chỉ vì quy mô và quyền lực của nước Đức. Thế nhưng, theo những người đồng nghiệp của bà, đó chỉ là một phần câu chuyện.

“Bà Merkel nhận được sự tôn trọng, thậm chí từ cả những người bất đồng quan điểm với bà”, một Thủ tướng kỳ cựu phe trung hữu, người đã quan sát bà Merkel trong vô số các cuộc họp thượng đỉnh suốt nhiều năm qua nhận xét. “Có một bầu không khí khác trong căn phòng khi bà không ở đó. Một khi bà rời đi, Thủ tướng Hungary Viktor Orban sẽ tiếp quản”. Người ta gọi đó là mặt “mềm” trong “quyền lực cứng” của Đức.

Điều đó có thể giải thích vì sao ngay cả những người thường chỉ trích bà Merkel cũng đang rất lo ngại về khả năng ra đi của bà trong những tháng tới.

“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là bà Merkel tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục làm Thủ tướng cho tới khi nhiệm kỳ của bà kết thúc”, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz nói. Đảng của ông Czaputowicz vốn chỉ trích mạnh mẽ chính sách nhập cư của bà Merkel. Tuy vậy, ông vẫn đánh giá bà Merkel có “vị trí quan trọng” trong lịch sử châu Âu.

Thủ tướng Séc Andrej Babiš, một người cũng chỉ trích chính sách nhập cư của bà Merkel, bày tỏ quan ngại tương tự: “Chúng tôi cần bà vẫn tại vị trong 3 năm tới. Đức là đối tác kinh tế quan trọng nhất và bà Merkel cũng là một người bạn đáng tin cậy của CH Séc”.

Tương lai EU vắng bóng Merkel?

Hầu hết các nước thành viên EU sẽ liên kết quyết định không tranh cử chủ tịch đảng CDU của bà Merkel với 3 câu hỏi chính: Sự suy giảm quyền lực đó có ý nghĩa gì với châu Âu? Điều gì sẽ xảy ra với các vấn đề của châu Âu nếu quyền lực của Thủ tướng Đức Merkel bị suy yếu? Và điều gì sẽ tiếp tục xảy ra nếu bà Merkel “biến mất” hoàn toàn khỏi chính trường châu Âu?

Hạn ngạch tị nạn

EU đang chật vật để đạt được sự thỏa hiệp về vấn đề phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư và tị nạn. Từ trước tới nay, vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được. Nhiều nước thành viên EU vẫn đang chỉ trích và “tị nạnh” nhau trong vấn đề này. Bà Merkel bị chỉ trích mạnh mẽ về chính sách nhập cư của mình, nhưng vào phút chót, chính bà đã thiết kế một thỏa thuận tị nạn với Thổ Nhĩ Kỳ để làm dịu tình hình. Cho đến nay, bà Merkel vẫn là người có vai trò lớn nhất về thỏa thuận này.

Cải cách euro và các kế hoạch khác

Pháp và Đức lên kế hoạch về một giải pháp nhằm bảo vệ đồng euro và chuẩn bị tốt hơn cho Eurozone trước các cuộc khủng hoảng. Tổng thống Pháp giờ có thể sẽ mất đi đối tác của mình cho những kế hoạch này. Ngay cả nếu Thủ tướng Đức không ủng hộ mong muốn của ông Emmanuel Macron về một ngân sách Eurozone, ông Macron vẫn cần bà Merkel ủng hộ ý tưởng về một liên minh ngân hàng toàn diện và bà cần phải ở một vị thế chính trị chắc chắn để biến điều đó thành hiện thực, trong đó có cả sự ủng hộ của phe bảo thủ trong Nghị viện Đức.

Tại cuộc họp thượng đỉnh EU sắp tới vào tháng 12/2018, một liên minh ngân hàng dự kiến sẽ được định hình. Ông Pierre Moscovici, Cao ủy EU phụ trách kinh tế và tài chính thuế quan, lo ngại rằng những bất đồng ngân sách có thể sẽ gia tăng nếu Đức không đứng ra làm trung gian dàn xếp.

Chủ nghĩa dân túy ở EU

Sẽ không phải tưởng tượng nhiều để hình dung ra sự bất đồng sẽ tới mức nào tại các hội nghị thượng đỉnh của EU nếu Đức không đứng ra điều phối. Nếu thiếu người đứng đầu chính phủ có tầm ảnh hưởng lớn ở Đức, chắc chắn, bất đồng sẽ càng gay gắt hơn trong bối cảnh các nhà lãnh đạo dân túy đang ngày càng nổi lên ở châu Âu hiện nay.

Günther Oettinger, Cao ủy EU về Ngân sách và các nguồn nhân lực, ủng hộ bà Merkel từ khi bà tuyên bố sẽ không tranh cử chủ tịch CDU. EU muốn thấy bà Merkel tiếp tục tại vị ở Berlin thêm 3 năm nữa, bởi bà Merkel chính là người mang lại sự ổn định cho khối trong những thời điểm rối ren. Còn nếu là một vị Thủ tướng “vịt què”, bà sẽ mất tầm ảnh hưởng ở châu Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại