"Tôi bất ngờ theo chiều hướng tích cực"
Ông có bình luận gì về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi nêu rõ hai lãnh đạo cao nhất thành phố Đà Nẵng là Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đều có vi phạm nghiêm trọng, phải thi hành kỷ luật?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sau Đại hội Đảng lần thứ 12, nhất là từ khi triển khai kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hàng loạt vụ việc được xử lý.
Trong vụ Trịnh Xuân Thanh, hàng chục cán bộ cao cấp bị xử lý, vụ Formosa, vụ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vụ Tập đoàn dầu khí với ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị... Đó là những tín hiệu rất lành mạnh, thể hiện quyết tâm chính trị.
Có điều, nhiều đảng viên, nhân dân vẫn phân vân, cho rằng các vụ việc được kết luận, xử lý hầu hết là cán bộ đã về hưu.
Nhưng lần này, nghe tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Đà Nẵng và Chủ tịch UBND Thành phố đương chức thì tôi bất ngờ theo chiều hướng tích cực. Bởi không chỉ những người về hưu mà ngay đương chức cũng bị xử lý.
Hơn nữa, đối với ông Nguyễn Xuân Anh, cũng là con của một cán bộ lãnh đạo cao cấp trước đây nên càng cho thấy sự quyết tâm, minh bạch, rõ ràng và người dân đang chờ vào điều này.
Trước đây, ông Đinh La Thăng tuy đang là Ủy viên BCT, nhưng bị xử lý vì vi phạm cũ khi còn ở tập đoàn Dầu khí, còn ông Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ bị xử lý vi phạm ngay hiện tại, khi đang điều hành.
Về trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, là Bí thư cấp thành phố trẻ nhất hiện nay và qua các phát ngôn, một số hành động từng rất được kỳ vọng, nhưng kết luận của UBKT TƯ đã chỉ ra hàng hoạt vi phạm nghiêm trọng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, ông suy nghĩ gì về điều này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi nhớ ông Trịnh Xuân Thanh khi ứng cử đại biểu Quốc hội đã đứng trình bày trước cử tri và nói sẽ nguyện hết sức phục vụ Đảng, nhân dân, không có lợi ích nhóm, thân hữu... nhưng rồi thực tế thế nào thì ai cũng biết.
Đối với ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng, cũng có nhiều phát ngôn "có cánh", ví như ai phát hiện ra tôi có suất đất nào ngoài ngôi nhà đang ở thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm... hay một số hành động tích cực nhưng rồi thực tế ra sao thì như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận.
Ở đây, điều lệ Đảng đã nói đảng viên là những người ưu tú, gương mẫu, tiên phong nhất trong công nhân, nông dân, trí thức nhưng với kết luận vừa qua thì ông đã có việc làm vi phạm điều lệ Đảng, không trung thực, thật thà, thậm chí lừa dối tổ chức, cấp trên.
Do đó, các cơ quan cao nhất của Đảng cần xử lý những vi phạm này một cách nghiêm túc nhất và qua đây cho thấy nguyên lý của triết học cho rằng, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý chứ không phải lời nói rất chính xác.
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: T.N.
Nên xin lỗi đảng viên, nhân dân
Nếu được đưa ra lời khuyên cho Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng về những điều cần làm sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông sẽ khuyên điều gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu ông Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ nhận thức về tự trọng, văn hóa người đảng viên, cán bộ thì sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo tôi nên lên truyền hình Đà Nẵng hoặc tổ chức họp công khai xin lỗi toàn thể đảng viên, cán bộ, nhân dân Đà Nẵng.
Nội dung của ông Nguyễn Xuân Anh là Bí thư Thành ủy sẽ nói rõ về các sai phạm và việc nhân dân, cán bộ, đảng viên đã giao trách nhiệm cho nhưng không hoàn thành.
Đồng thời, những sai phạm đó đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Thành ủy Đà Nẵng, người đứng đầu, nên có thể ông không xin được tha thứ nhưng mong xin lỗi.
Ngoài ra, những tài sản mà các doanh nghiệp đã tặng như ôtô, 2 nhà mà ông Anh còn đang sử dụng sẽ trả lại ngay.
Đối với ông Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng cần công khai xin lỗi về các vi phạm của mình.
Việc công khai xin lỗi chắc chắn sẽ giúp đảng viên, nhân dân chia sẻ hơn.
Các vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ trong thời gian tới cần bị xử lý như thế nào và chúng ta cũng nên rút ra những bài học gì trong công tác cán bộ, thưa ông?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đối với việc xử lý vi phạm thì kỷ luật chỉ là sự răn đe, nhắc nhở cán bộ còn cái chính ở cán bộ. Kỷ luật nặng bao nhiêu nhưng cán bộ không nhận thức ra vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa thì không có giá trị.
Trong vụ việc của ông Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ là các cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nên hình thức kỷ luật cụ thể sẽ do các cơ quan cao nhất của Đảng quyết định, thực hiện.
Là đảng viên tôi nghĩ, ông Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ nên viết thư gửi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và với ông Thơ gửi thêm đến Thủ tướng nêu rõ khuyết điểm của mình, đồng thời, tự nhận hình thức kỷ luật phù hợp, nghiêm minh nhất với bản thân.
Nếu có thể tự làm được như vậy, thì các ông có thể thanh thản và vớt vát lại chút uy tín của mình trong đảng, nhân dân.
Còn bài học chính là công tác cán bộ từ quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm đến kiểm tra giám sát đều cần phải chặt chẽ và như Tổng Bí thư đã nói cần phải sớm xây dựng được một cái lồng để nhốt quyền lực vào.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!