Trong một lần lên mạng xã hội, tôi vô tình xem album ảnh các vận động viên nữ thi đấu môn thể hình. Nhìn những cô gái trẻ trung, cơ bắp cuồn cuộn, tạo dáng cứng cáp và mạnh mẽ, tôi có phần hơi dè chừng.
Bỗng nhiên tôi khựng lại khi thấy trong album ảnh có một vận động viên với vẻ ngoài nam tính, rất đàn ông. Đọc bình luận của cư dân mạng, đa số đều thắc mắc "là nam hay nữ", "là nam sao lại thi đấu ở nội dung dành cho nữ"… Sau khi tìm hiểu, được biết vận động viên tên Bùi Thị Giang (SN 1991, Hải Phòng)
Liên hệ với Giang, nữ vận động viên xúc động, trải lòng cho tôi nghe về quá khứ phải đi ăn xin, về những năm tháng phải bỏ nhà ra đi vì bị nghĩ là bệnh hoạn, về những khó khăn khi trở thành một vận động viên thể hình.
Những câu chuyện mà Giang kể khiến tôi tin rằng, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, thì những cố gắng và nỗ lực rồi cũng sẽ khiến cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.
Vận động viên Bùi Thị Giang trong một cuộc thi thể hình.
Tuổi thơ nghèo khó, phải đi ăn xin từng củ khoai sắn
Giang có một tuổi thơ không hề trọn vẹn, một quá khứ mà đến tận bây giờ nghĩ lại vẫn khiến cô rùng mình. Cô sống cùng mẹ và ba chị gái, gia cảnh lúc đó quá nghèo túng đến nỗi không có một mảnh ruộng để làm ăn.
"Mình còn nhớ rõ thời điểm đó nhà mình đắp bằng đất, mái bằng rơm rạ. Năm bão cấp 12, cả nhà phải chạy bão vì nhà sập đổ. Sang nhà hàng xóm trú bão mà nước mắt lưng tròng, cơm cũng không có mà ăn.
Mình vẫn nhớ mẹ phải đi mò từng con tôm con cá, đi đội than, đội cát thuê để nuôi bốn chị em. Cảnh mẹ cực khổ, lam lũ, mình sẽ không bao giờ quên được".
Thậm chí, vì quá nghèo túng nên hồi lên 5 – 6 tuổi, Giang được 2 chị dẫn đi ăn xin. Mặc dù mẹ không cho nhưng ba chị em vẫn trốn đi, đến từng nhà xin từng bát gạo, từng túi cơm thừa. Có người thương cảm thì cho tiền, có người cho gạo, người cho khoai sắn. Ba chị em cứ thế đi ăn xin gần 3 năm để vượt qua những năm tháng đói kém nhất cuộc đời.
"Ba chị lớn nhà mình học ít lắm, rồi các chị đi làm nên cuộc sống đỡ đi phần nào. Xã cũng cho nhà mình mấy sào ruộng nữa nên mình ở nhà phụ mẹ làm ruộng", Giang tâm sự.
Cô có 1 quá khứ nghèo túng, thậm chí phải đi ăn xin.
Ngoài cuộc sống bần hàn, Giang còn gặp những rắc rối về tâm sinh lý. Từ bé cô đã thích chơi cùng con trai, càng lớn lại càng thấy bản thân thay đổi không như những đứa bạn cùng xóm. Cuối cùng, Giang nhận ra rằng, cô thích con gái.
"Có lần, sở thể thao thành phố về trường mình tìm các bạn trẻ cho đi tập cử tạ. Nhưng mình còn bé, mẹ cũng không cho đi nên đành thôi mặc dù mình rất thích.
Đến năm mình học lớp 11, có một thầy thể hình về chiêu sinh. Mình tìm hiểu thì thấy hứng thú (vì bề ngoài mình là con gái nhưng tâm tính mình là con trai) nên đã đăng kí đi tập.
Mình tập được hơn 1 năm thì có quen một bạn gái. Và đó cũng chính là thời điểm mà gia đình biết được giới tính thật của mình. Mẹ không cho phép còn những người thân, họ hàng của mình thì nghĩ mình bệnh hoạn. Mẹ mắng, chị mắng, mọi người nói ghê tởm mình.
Mình đã bỏ nhà, bỏ tập đi lang thang phiêu bạt và làm rất nhiều công việc để sống còn".
Giang chia sẻ, cô đi trông coi quán Internet được 500.000đ/tháng, sau đó đi làm bưng bê, bồi bàn…nhưng tiền kiếm được cũng không nhiều, chỉ đủ sống qua ngày. Mỗi ngày Giang đều làm từ 5 giờ sáng đến 1 – 2 giờ sáng ngày hôm sau mới xong việc, chỉ chợp mắt được khoảng 3 tiếng đồng hồ rồi lại tiếp tục công việc của ngày mới.
"Đã thế mình luôn bị nhiều người soi mói, rằng tại sao giấy tờ con gái mà bề ngoài lại là con trai. Lời nói ra, lời nói vào, ánh mắt dò xét, khinh bỉ khiến mình đau đớn lắm.
Gia đình thì ghê tởm mình vì thích con gái nên cũng không nhờ cậy được gì cả. Mình phải tự thân vận động bươn chải cuộc sống. Buồn tủi, nhớ gia đình cũng không dám về. Đêm nào mình cũng nằm khóc, than trời trách phận sinh ra đã không được đầy đủ bố mẹ, số phận lại bi thương, thân xác con gái nhưng tâm hồn con trai.
Mẹ mình dần dần nhớ thương con, khóc nhiều rồi sinh bệnh, phải đi bệnh viện rất nhiều lần. Rồi chị ba cưới chồng, mình có về dự. Mẹ nói với mình rằng "con hãy về với mẹ, mẹ chỉ cần con thôi còn con như thế nào cũng là con mẹ".
Lúc đó mình vỡ oà, khóc như đứa trẻ nhưng mình biết trong lòng mẹ vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận mình. Thế nên mình tự nhủ sẽ phải sống thật tốt, thật giỏi giang để mẹ chấp nhận và tự hào về mình", Giang chia sẻ trong nước mắt.
Cuộc sống ngoài xã hội quá khó khăn, khiên cô gái trẻ tưởng chừng gục ngã.
Đau đớn vì bị dị nghị với vẻ ngoài giống con trai
Sau hơn một năm bỏ tập, Giang quay lại với bộ môn thể hình. Từ đó cô tập rất chăm chỉ. Cơ thể thay đổi theo thời gian, chấn thương cũng nhiều.
Với Giang, cuộc sống của một vận động viên thực sự khó khăn. Lương cũng không đủ chi trả ăn uống vì phải ăn uống đầy đủ đạm, cộng thêm các thực phẩm bổ sung thì mới có được cơ bắp như mong muốn. Vậy nhưng mỗi lần giảm cân để phù hợp với hạng cân thi đấu cũng rất khắc nghiệt, có lần cô giảm được tới gần 20kg.
Các vận động viên thể hình như Giang lúc nào cũng nằm lòng câu khẩu hiệu mồ hôi trên sân tập, vinh quang trên sàn đấu. Thế nhưng ngoài việc đổ mồ hôi trên sàn tập thì Giang cũng như các vận động viên thể hình khác còn phải hy sinh rất nhiều thứ như sắc vóc và cả những định kiến từ phía gia đình, xã hội.
"Có những lúc mình đã muốn từ bỏ, phần cũng bị áp lực rất nhiều, phần vì với số lương trả rất ít mà mình muốn lo phụ thêm cho mẹ. Cái bỏ ra thì nhiều nhưng nhận lại chỉ là cái danh, nếu tính kinh tế thì lỗ chứ không có lãi. Rồi mình đi làm thêm cho các phòng tập, thu nhập cũng ổn hơn chút.
Mà đi làm cũng có chỗ nọ chỗ kia, có người tôn trọng con người mình, có người thì không. Nhưng mình không vì đó mà từ bỏ gì hết, bởi cái mình cần làm thì sẽ làm".
Giang quay trở lại tập thể hình với sự kiên trì và chăm chỉ hết mình.
Một rào cản lớn của Giang trong cuộc sống và khi tham gia các cuộc thi thể hình chính là ngoại hình nam tính của cô khiến nhiều người nghi ngờ. Giang tâm sự, có rất nhiều ánh mắt dò xét cơ thể xem cô là con trai hay con gái, rồi xầm xì bán tán sau lưng nghe rất khó chịu.
"Có lúc đi thi đấu ở tỉnh khác hay phải đi máy bay, mình đều bị giữ lại đển kiểm tra giấy tờ và kiểm tra người. Mỗi lần như vậy mình phát điên.
Ánh mắt người ta đầy nghi ngờ. Có người tỏ ra vui vẻ, có người tỏ ra tò mò, có người tỏ ra khinh bỉ. Khi kiểm tra xong thì họ cho đi nhưng vẫn còn lăn tăn lắm".
Với Giang, lúc tham gia thi đấu thể hình cũng rơi vào tình huống tương tự khi các đôi thủ, khán giả hoài nghi, tỏ rõ sự thắc mắc "là nam hay nữ", "tại sao nam lại thi đấu cùng nữ". Nhiều khi khán giả quá khích, la ó, chỉ trích mình vì không công bằng, vì cho nam vào thi đấu cùng các vấn động viên nữ.
Hoặc như khi hình ảnh của Giang xuất hiện trong album cùng các vận động viên thể hình nữ, mọi người cũng thường xuyên bình luận thắc mắc, tò mò thậm chỉ giễu cợt cô. Lúc đó Giang buồn lắm, nhưng dần dần cũng quen.
Thế nhưng ngoại hình quá nam tính cũng khiến Giang gặp nhiều rắc rối
"Đến bây giờ, mình đã có thể tự tin nói lên "mình là con gái và mình thích con gái", khẳng định được cái tôi của bản thân. Rất nhiều người khinh miệt về giới tính của mình nhưng sinh ra như vậy đâu phải là cái tội.
Ai tôn trọng cũng được, ai coi khinh cũng được, còn đâu mình làm được mình ăn, mình phụ giúp mẹ. Mình không xin ai gì cả, nên không cần nhìn mặt người đời mà sống", Giang thẳng thắn chia sẻ quan điểm.
Giang vui vẻ cho biết năm nào cô cũng giành được giải cao tại các cuộc thi lớn nhỏ. Năm 2016, cô giành được huy chương Vàng giải vô định các Câu lạc bộ thể dục thể hình toàn quốc. Từ năm 2008 đến năm 2015, cô giành được huy chương Bạc và huy chương Đồng giải vô địch thể dục thể hình toàn quốc.
Giang cũng nhận được huy chương Vàng cá nhân, huy chương Bạc đôi nam nữ giải vô địch cúp các câu lạc bộ thể dục thể hình toàn quốc năm 2016.
Giang giành được huy chương Vàng giải vô định các Câu lạc bộ thể dục thể hình toàn quốc
Vinh quang nào thì cũng phải đánh đổi bởi những giọt mồ hôi trên sàn tập, thế nhưng đối với nữ vận động viên thể hình thì cái giá phải trả còn lớn hơn rất nhiều. Trong đó có cả những sự hy sinh thầm lặng mà không phải ai cũng biết, giống như câu chuyện của Giang vậy.
Vì thế chúng ta đừng vội cười khi nhìn thấy cơ thể cuồn cuộn, lực lưỡng của một nữ vận động viên thể hình, thay vào đó họ xứng đáng nhận được sự khâm phục và tôn trọng cho những nỗ lực, ý chí của mình.