Tại sao người trẻ ám ảnh với tiết kiệm tiền?
“Thiếu cảm giác an toàn" là cách Đăng Ngân (26 tuổi, Hải Phòng) giải thích tại sao cô nàng bị ám ảnh với việc phải tiết kiệm tiền.
Khi còn nhỏ, Đặng Ngân sinh ra trong gia đình gặp nhiều khó khăn về tiền bạc. Cũng vì thế, cô cho rằng khi muốn mua đồ quá đắt tiền như xe máy, điện thoại mới… bản thân sẽ đắn đo nó có đáng hay không. Bên cạnh đó, Đặng Ngân dễ chi tiền hơn cho các nhu cầu như ăn uống, đầu tư kiến thức vì cô sợ bản thân sẽ bị ốm hay rơi vào cảnh sa thải, cắt giảm lương thì không kiếm được ra tiền.
Đặng Ngân nhớ lại: “Hồi cấp 3, mình sợ nhất lúc xin tiền đóng học phí. Khi còn nhỏ, bố mẹ mình từng nhiều lần cãi nhau vì tiền bạc. Mình không bị ăn đánh bao giờ và bố mẹ cũng thể hiện có lỗi nếu họ thảo luận về chủ đề tiền bạc trước mặt con cái, nhưng dù sao mình vẫn bị ám ảnh tiền bạc do ảnh hưởng của phụ huynh".
Ảnh minh hoạ
Được biết, cách đây 4 năm Đặng Ngân luôn trích 50 - 70% thu nhập hàng tháng vào tài khoản tiết kiệm sau khi nhận lương. Và cho đến 1 năm gần đây, do tiền lương tăng lên nên cô đã có thể để được 16 - 20 triệu đồng/tháng vào tài khoản tiết kiệm. Cô từng tìm hiểu đầu tư chứng khoán, nhưng số tiền bỏ ra cho khoản này chỉ khoảng 20% tổng thu nhập mỗi tháng.
“Có tiền trong tài khoản tiết kiệm lúc nào cũng khiến mình cảm thấy an toàn. Khi đó, dù mình không hơn ai nhưng cũng không bị lệ thuộc tài chính vào ai. Mình kiếm được nhưng cũng tiêu được. Tuy nhiên, mình luôn nghĩ khoản chi đó có xứng đáng hay không.
Tiền không chỉ để ăn uống, giải trí mà còn là lo cho sức khỏe bản thân, đầu tư vào giáo dục, mua đất, mua nhà, mua xe. Nếu biết chi tiêu một cách tính toán thì khi cần khoản tiền lớn bản thân sẽ khó xoay xở.
Ngày nay, mình thấy nhiều bạn trẻ sống khá thoải mái. Nhưng những người xung quanh mình chi tiêu hoang phí khi được hỏi về các dự định tương lai thường không rõ ràng. Hoặc vì đã có nền tảng tài chính tốt từ gia đình nên có thể không cần lo nghĩ. Nếu bố mẹ họ gặp biến cố sức khoẻ thì đã có tiền lương hưu hoặc tiết kiệm bù vào, còn gia đình mình thì không thể vì bố mẹ đều làm lao động chân tay ", Đặng Ngân cho hay.
Theo Đặng Ngân, không nên đánh đồng giữa khái niệm tiết kiệm và keo kiệt. Cô nói thêm: “Tiết kiệm là tốt, nhưng bạn nên hiểu cách quản lý dòng tiền hợp lý. Tiết kiệm cũng không hẳn là để đó, mà bạn phải dùng chúng với mục đích như nào để sinh ra tiền và có khoản để dành ngày càng tăng lên.
Hiện tại, khoản tiết kiệm của mình chưa có mục tiêu đầu tư tự do vì thấy năng lực cá nhân chưa đủ, cần bồi dưỡng thêm. Và nếu muốn đi du lịch, mình sẽ tích lũy dần từ tiền lương hoặc lấy một chút trong khoản tiết kiệm hiện có. Bởi với mình, đi du lịch là để thư giãn nên không cần quá đắn đo về tiền bạc, có ít đi gần, có nhiều đi xa và ăn uống thoải mái hơn".
Ảnh minh hoạ
Bí quyết tiết kiệm của người trẻ
Đến hiện tại, Đặng Ngân đã có khoản tích luỹ gửi ngân hàng với số tiền hơn 400 triệu đồng. Để có được khoản dành dụm này, cô nàng tuân thủ một vài nguyên tắc tiết kiệm sau:
- Hạn chế mua sắm quần áo, thường mua quần áo tối giản và có chất liệu tốt để có thể tái sử dụng nhiều lần.
- Mua những món đồ gia dụng cần thiết trên các sàn thương mại điện tử, để tận dụng các chương trình giảm giá hàng tháng và giá thành sản phẩm rẻ. Đặng Ngân cho hay, để hạn chế mua sắm bốc đồng, cô nàng luôn ghi lại trước các khoản cần mua, hạn chế tiêu tiền cho những món hàng không cần thiết.
- Hạn chế đi cafe và uống trà sữa ở quán. Trước kia, Đặng Ngân thường đi cafe 1-3 buổi/tuần, trung bình 1 buổi tốn khoảng 50 ngàn đồng. Giờ đây, cô đã tự học cách pha cafe và trà sữa ở nhà để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, Đặng Ngân cho hay giờ bản thân không còn hứng thú đi chụp ảnh sống ảo ở những quán cafe nên số tiền tiết kiệm được cũng tăng lên.
- Hầu hết đồ ăn hiện tại đều tự nấu tại nhà. Lúc đi mua thực phẩm, Đặng Ngân cố gắng đi ra siêu thị cách nhà hơn 500m, thay vì siêu thị ở ngay dưới chung cư. Bởi siêu thị tuy ở xa nhưng có bán đồ rẻ hơn từ 20 ngàn - 100 ngàn đồng/món.