Chị Ngọc Trâm và con trai.
Trong quá trình nuôi dạy con cái, chắc hẳn ông bố bà mẹ nào cũng từng trải qua trạng thái cáu giận vì con nghịch ngợm, làm hỏng đồ đạc trong nhà, nói mãi không chịu nghe, thậm chí con hỏi quá nhiều. Hay khi học bài cùng con mà giảng mãi không hiểu cũng khiến bố mẹ "sôi máu".
Thời gian trước, chị Ngọc Trâm (TP.HCM) cũng vậy. Chị tự đánh giá mình là người hay nóng giận và cực kì dễ bực bội. Với cậu con trai cu Tin, chị cũng từng nhiều lần mất bình tĩnh
Một lần nọ, chị Trâm từng xịt nước vào mặt khi con nghịch nước, hay lần khác không kiềm chế được, chị Trâm còn đánh con liên tục mấy cái. Lần đó chị cũng bắt đầu có chút cảm nhận về cơn nóng giận bùng lên trong người như thế nào. Chị vẫn cảm nhận được không nên làm nhưng trong đầu vẫn nêu ra đủ lý do để được trút hết cơn thịnh nộ ra ngoài.
Tuy nhiên hiện tại, chị Trâm là một người mẹ có thể nuôi dạy con không đòn roi, không hình phạt. Theo chị, đó là một quá trình cố gắng không dễ dàng nhưng vô cùng xứng đáng, không phải vì lợi ích của người bên cạnh, mà hơn hết chính bản thân mình bình ổn từ bên trong.
"Mình không dám nói bản thân đã hoàn toàn bình thản trước mọi việc, nhưng ít nhất mình đã là một con người khác so với trước kia. Không còn cảm thấy nóng bừng đến mức nghẹt thở mỗi khi chuyện không như ý xảy ra. Và có nhiều chuyện không còn khả năng khiến mình nóng giận nữa", chị Trâm chia sẻ.
Đối với chị, cơn nóng giận đến chính là dấu hiệu cho mình tìm ra từng góc nhỏ không khỏe của tâm hồn. Nóng giận không phải là vấn đề, nguyên nhân sâu bên trong khiến mình phản ứng nóng giận mới là vấn đề. Vì vậy trút ra, điều hòa để nhẹ nhõm hay kiềm chế đều là uống thuốc giảm đau chứ không phải chữa trị.
Quan trọng là không nên chối bỏ cảm xúc mà nhìn ra và cắt hết những nguồn tiếp nguyên liệu để nó không lớn lên rồi điều chỉnh từ từ.
Chị Trâm đã làm thế nào để điều tiết cơn giận?
1. Cơn nóng giận thường ập đến rất nhanh nên bước đầu tiên phản ứng luôn phải là kiềm chế nếu không muốn trút nó vào người đối diện
Có người giải quyết cơn nóng giận bằng cách kiềm chế và không làm gì nữa. Giống như nhét rác vào một cái bao nhỏ hẹp, rồi bỏ đó. Đương nhiên sẽ có ngày túi rác bung tanh bành và bản thân bị đè bẹp. Còn chị Trâm kiềm chế để đi ra nơi khác, cách ly nguồn nạp "nguyên liệu" cho cơn tức giận của mình. Lúc này nếu không đi nơi khác thì đối phương làm gì cũng biến thành lý do bao biện để cơn nóng giận của mình trở nên "đúng".
Thực hành phương pháp chữa lành Hoʻoponopono bằng 4 câu: "I'm Sorry/Tôi xin lỗi; Please forgive me/Xin hãy tha thứ cho tôi; I love you/Tôi yêu bạn; Thank you/Cảm ơn" cũng là một cách theo chị Trâm là khá hiệu quả. Dùng hết chân thành để đọc cho đến khi cảm thấy từng câu chạm được cảm xúc trái tim mình - để nuôi dưỡng lại tiềm thức, buông bỏ oán trách, than vãn. Xin lỗi chính nội tâm mình và những người xung quanh đã bị ảnh hưởng.
2. Cắt bỏ nguồn nguyên liệu nuôi dưỡng cơn giận và quan sát cảm xúc để điều chỉnh phản ứng của tiềm thức
Cơn nóng giận có 2 giai đoạn giai đoạn đầu là bộc phát tự nhiên, giai đoạn sau là kéo dài mạnh mẽ hơn nếu được nuôi dưỡng.
Chị Trâm phát hiện ra khi nóng giận bản thân thường bắt đầu tìm ra được rất nhiều lý do đế cơn nóng giận trở nên hợp lý. Và tất cả đều hướng ra bên ngoài. Ví dụ: Vừa bị khách mắng mà nhìn con lôi hết đồ trong bếp xuống chơi là cơn nóng giận được dịp tuôn ra, trong khi bình thường thì có thể chị không giận chuyện đó.
"Nếu tiếp tục xét sâu hơn, khách mắng có phải là nguyên do khiến mình nóng giận không, có người bị mắng vẫn cười khì khì mà. Chính trong tâm mình nghĩ mình oan ức, thấy bị xúc phạm mới khiến mình nóng giận. Không phải do ngoại cảnh tác động mà do nội tâm mình xử lý tác động đó như thế nào.
Do đó, trong lúc nóng giận mình quay vào bên trong nội tâm, khi phát hiện mình bắt đầu tìm lý do thì kéo suy nghĩ quay trở lại, chỉ quan sát cảm xúc, tập trung vào cảm xúc. Nếu chưa quen hãy liên tục nhắc bản thân, cơn nóng giận này là do chính nội tâm mình chưa đủ lớn, không phải do ai cả. Nóng giận là do mình", chị nói.
Ngoài ra, một nguồn tiếp nguyên liệu quan trọng chính là nghĩ MÌNH ĐƯỢC PHÉP. Chồng chị Trâm chính là người góp công rất lớn để chị nhận ra điều này và quay vào bên trong xử lý cảm xúc của bản thân, chẳng hạn như việc anh đã không phản ứng khắc nghiệt trước những cơn giận vô lý của vợ.
3. Tìm hiểu nguyên nhân cơn giận, thực hành lòng biết ơn
Lúc thực sự bình tĩnh là khoảng thời gian tuyệt vời để suy nghĩ về nguyên nhân đã khiến mình nóng giận, có phải tất cả do mình bị mắc kẹt vào cái nhìn nào đó không? Tìm được và xử lý chỗ này mới là giải quyết rốt ráo vấn đề. Khi quen với việc quay vào bên trong nhìn rõ chính mình thì món quà "khuyến mãi" hấp dẫn chính là mình cũng thấu hiểu con hơn và thấu cảm đối với người khác.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng chị Trâm lưu ý đó là hãy thực hành lòng biết ơn. Lòng biết ơn càng lớn, mọi lỗi lầm của con trở nên càng nhỏ, nhỏ đến mức mọi thứ mẹ đều có thể nghĩ về mặt tích cực của nó. Khi trong lòng mình biết ơn vì con khỏe mạnh, mình sẽ không nổi nóng vì con chạy nhảy làm rơi đồ. Tháo lắp máy ép hư chốt, mẹ vui vẻ bỏ qua vì biết con đã rèn được tư duy logic. Con bày đồ khắp nhà mẹ thấy may mắn vì con năng động, thích khám phá. Lòng biết ơn giúp mình luôn cảm thấy may mắn. Người luôn may mắn sẽ thấy mình hạnh phúc và thư giãn hơn.
Có thể bắt đầu tạo thói quen mỗi tối viết ra 10 điều bản thân biết ơn, về con hoặc bất kì điều gì. Buổi sáng sau khi thức dậy hãy thực hiện Hoʻoponopono và đọc lại những điều may mắn đó một lần nữa.
Hiện tại chị Trâm không đánh, không phạt, rất hiếm khi la hét với con. Hỏi con thấy mẹ như thế nào? Nghe con bảo mẹ không hung dữ, mẹ dễ thương, con thương mẹ lắm, chị cảm thấy quá trình cố gắng của mình thật không uổng phí.