RIO Creative nằm trên tầng 5 của một khối nhà văn phòng, nơi đặt trụ sở của khá nhiều startup khác. Phía ngoài cánh cửa gian làm việc chính đặt một lọ hoa cúc họa mi, một lồng chim vẹt hai màu nhìn rất vui mắt và tấm biển gắn đèn led ghi dòng chữ: RIO - Happy Working.
Mới nhìn qua, "đại bản doanh" của RIO Creative khá giống với những công ty khác trong cùng tòa nhà: tường kính, hầu như không có vách ngăn giữa các khu vực làm việc, 50 nhân viên phần lớn đều còn rất trẻ. Thế nhưng bên trong không gian đó, RIO Creative lại một đối thủ mạnh trong ngành thiết kế sáng tạo, ghi tên mình trong danh sách những tên tuổi agency nổi bật thiết kế, với danh sách khách hàng đáng mơ ước chỉ sau 5 năm hoạt động: Từ Vingroup, Vietnam Airlines, LG, FPT đến World Bank, BIDV, Mobifone, Daikin, LG… cùng hàng trăm thương hiệu ở đa dạng nhiều lĩnh vực.
Trần Quang Tùng tự nhận mình là một người không phù hợp với việc học trường lớp. Suốt nhiều năm học phổ thông, Tùng luôn đứng trong nhóm học sinh có học lực bét bảng và thuộc thành phần cá biệt. Cậu nhóc 17 tuổi ngày ấy luôn phải đối mặt với tư tưởng tiêu cực: người khác học giỏi, tương lai sáng lạn; còn mình học dốt, tương lai mờ mịt.
Ở trường cấp 3, Tùng cũng trải qua khủng hoảng lớn trong đời: bị bắt nạt. Ông chủ của Rio Creative từng chọn game là người bạn thân nhất trong những năm tháng phổ thông.
"Tôi nghiện game. Lúc ấy, thế giới bên ngoài tôi không chơi được với ai, bản thân rất nhát, ngại giao tiếp, sợ đám đông; trong khi với game, tôi là một anh hùng, một cao thủ, bang chủ dẫn dắt hàng trăm người oanh tạc giang hồ".
Để thay đổi bản thân, năm cuối cấp, Tùng quyết định làm part-time cho một công ty nghiên cứu thị trường, với công việc chính là điều tra bằng bảng hỏi; sau đó dành ra hơn 2 năm cho những trải nghiệm du lịch một mình, khám phá nhiều tỉnh thành khắp cả nước và tham gia nhiều công việc chụp ảnh, thiết kế banner quảng cáo cho một tờ báo điện tử; mở quán bán thịt nướng, làm việc cho một khách sạn 3 sao khu phố cổ.
Quá trình này giúp ích cho Tùng trong việc mạnh dạn hơn khi giao tiếp với người lạ, nhận ra được niềm yêu thích thực sự với thiết kế đồ họa, và ươm mầm khát khao kinh doanh. Cuối năm 2009, Tùng vào học Arena bằng số tiền tích góp sau 2 năm.
Khi học tập ở Arena, Tùng tham gia nhiều cuộc thi trong ngành sáng tạo và startup sinh viên và đạt nhiều giải cao, nổi bật là giải ba cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia 2011 do VCCI tổ chức và khởi nghiệp cùng Kawai 2010, sau đó bắt tay mở công ty với những người bạn kết thân từ Arena. Stormie Brand ra đời năm 2010 với số tiền đầu tư huy động từ phía cha mẹ và bạn bè, hoạt động trong mảng thiết kế thương hiệu.
Thời gian đầu, dưới hào quang của các giải thưởng và uy tín cá nhân, nhóm của Tùng không khó để tìm kiếm được các hợp đồng. Nhưng mọi chuyện xấu đi trong vài tháng sau đó. Khách hàng mới không còn, lương gián đoạn, giải thưởng không còn là mục tiêu cao nhất , nội bộ mất khả năng đối mặt với những khó khăn và giải quyết mâu thuẫn. Nhân sự rũ áo ra đi dần, Stormie Brand kết thúc vào cuối năm 2011, chỉ 1 năm sau khi ra đời.
"Lúc đó tôi rơi vào trạng thái đơn độc, nghi ngờ bản thân, không định hướng tương lai và sợ thất bại. Nhưng giờ đây khi nhìn lại, tôi hiểu rằng thất bại đó là cần thiết, và nó đã xảy ra đúng thời điểm, vì nếu lui lại đến bây giờ, cái giá phải trả cho bài học ngày đó chắc chắn sẽ nặng nề gấp nhiều lần".
Để trả món nợ sau thất bại với Stormie Brand, suốt 8 tháng sau đó, Tùng Juno phải nhận nhiều dự án thiết kế cá nhân. Trong quá trình này, Tùng được mẹ cấp 40 triệu đồng để tham gia một khóa học về giám đốc quản trị thương hiệu cho các công ty. Cầm số tiền lớn trong tay, chàng trai 23 tuổi tự đặt câu hỏi về việc bản thân sẽ học được gì từ những lý thuyết chỉ được tiếp cận 2 buổi một tuần trong 5 tháng, trong khi nếu mở công ty sẽ học được mỗi ngày, trong ít nhất 6 tháng; thậm chí nếu thất bại vẫn được nhiều hơn mất?
Giấu cha mẹ, Tùng dấn thân lần nữa, thành lập RIO Creative Vietnam vào tháng 8/2012 với triết lý: "Thiết kế là giải pháp tối ưu hoạt động marketing cho mỗi doanh". 40 triệu khởi động cho dự án mới giống như "học phí" cho những bài học mà Tùng nhận được mỗi ngày. Sau 5 năm, Tùng khẳng định, mình chưa tiêu hết số tiền học phí đặc biệt này.
RIO Creative khởi động với 3 nhân sự, đặt trụ sở tại căn phòng thuê của một bạn trong nhóm. Sau đó, nhóm gom góp thuê chung một không gian với một công ty chuyên làm đồ handmade, và chuyển trụ sở tới một căn phòng rộng 12m2, trên đường Láng (Hà Nội).
Những hợp đồng thiết kế mà Tùng Juno nhận được ngày đó rất đặc biệt: Làm sticker, hình dán cho những xưởng cơ khí gia công, banner câu lạc bộ sinh viên, công ty siêu nhỏ, nhận diện thương hiệu cho các shop thời trang… Để tìm kiếm được nguồn khách, RIO hầu hết dựa vào uy tín cá nhân của các sáng lập viên, cạnh tranh bằng giá rẻ và sẵn sàng chỉ nhận tiền công sau khi hoàn thành hợp đồng.
Khởi nghiệp với tinh thần duy mỹ, bức tranh về văn phòng đẹp, nhiều nhân viên quyến rũ những người trẻ của RIO khi họ quyết định rời căn phòng 12m2 để chuyển tới một không gian to đẹp hơn ở trên phố Kim Mã. Sau 3 tháng, đúng lúc RIO tròn 1 tuổi, chi phí cố định lớn đã khiến công ty với 12 nhân viên này đối mặt với lần "xém chết" đầu tiên trên nền bài toán cũ: Hết tiền.
"Đứng trước ngân quỹ còn vỏn vẹn 20 triệu đồng, tôi phải tự hỏi mình: điều gì quan trọng hơn, công ty hay sĩ diện? Câu trả lời là công ty. Thế là đối mặt với mọi ê chề, nghi ngờ từ nhiều phía, tôi trả nhà, chia tay một nửa số nhân sự, chuyển công ty về phòng ngủ của mình (nơi còn tệ hơn văn phòng 12m2 kia) để lại được tiếp tục hành trình cùng 5 người bạn".
Các thành viên còn lại của RIO gắn bó với "trụ sở phòng ngủ" trong gần 1 năm, đạt được bước ngoặt nhờ quyết định hình thành RIO Class dựa trên chiến lược lấy ngắn nuôi dài. Đó là giai đoạn ‘lùi một bước để tiến nhiều bước" trong tư tưởng của Tùng Juno. Đi qua những duy mỹ của khởi nghiệp sinh viên, hiểu được giá trị của bài toán tồn tại.
RIO Class ra đời từ nhận định: những nhân viên truyền thông và giám đốc doanh nghiệp có nhu cầu hiểu biết về ngôn ngữ thiết kế để tháo gỡ rào cản khi trao đổi với các agency trong quá trình thực hiện chiến lược truyền thông. Quyết định khai phá thị trường, Tùng mở các lớp đào tạo ngắn hạn, dành riêng cho các marketer. Đến nay, RIO Class đã có hơn 140 lớp khai giảng, và con số học viên cũng đã chạm mốc 4.600 tại cả TPHCM và Hà Nội, đồng thời tạo lập một thị trường mới cho cộng đồng thiết kế: lớp học mỹ thuật ứng dụng cho dân "ngoại đạo".
Từ RIO Class, Tùng nhận về nhiều hợp đồng thiết kế sáng tạo hơn cho các agency thuộc RIO Creative nhờ việc các khách hàng là học viên của lớp đào tạo tin tưởng, thấu hiểu ngôn ngữ thiết kế quay lại để ký hợp đồng với công ty. Với việc tập trung vào phân khúc khách hàng riêng, mảng đào tạo RIO đã sống sót và phát triển qua năm 2016, thời điểm 80% công ty đào tạo cùng lĩnh vực khác "rớt đài".
Khủng hoảng thứ hai đến với nhóm của Tùng Juno liên quan tới bài toán đầu tư mở rộng vào năm 2015. Đầu tiên đó là quyết định đưa 2 founder chuyển vào Sài Gòn để điều hành đơn vị mới, hoat động trên 2 mảng chính là thiết kế và đào tạo. Ở Hà Nội, RIO thuê thêm mặt bằng, mở xưởng vẽ, nhằm tạo ra sân chơi giải trí cho giới công sở: họ đến, vẽ tranh và chia sẻ sản phẩm của mình.
Sau 7 tháng, hoạt động của hai đơn vị mới đi vào bế tắc, tiêu hết số tiền tích góp trong nhiều năm. RIO Creative đứng trước bài toán nan giải: Tết đến gần, nhưng không còn một xu để trả lương thưởng cho nhân sự.
Quyết định đóng cửa tất cả, thanh lý đồ, trả văn phòng, Tùng Juno đưa mọi nguồn lực về Hà Nội, bắt đầu 3 tháng chạy hộc tốc để chuẩn bị tài chính cho thời điểm cuối năm. Vượt qua những khó khăn cuối năm 2015, Trần Quang Tùng và các cộng sự nhận ra bài học mới: tránh đầu tư dàn trải, cắt giảm 20% nhân sự để tối ưu hiệu suất.
Thành quả của chiến lược phát triển mới dựa hoàn toàn vào chất lượng, tránh đầu tư dàn trải đã đến vào năm 2016, 2017. RIO Creative nhận được nhiều hợp đồng thiết kế lớn từ các đối tác quan trọng như LG, BIDV, Viettel, Vingroup, Bảo Việt, Vietnam Airlines… cùng hàng trăm thương hiệu đa dạng tại nhiều lĩnh vực, chỉnh thức trở thành thương hiệu Agency thiết kế thuộc top dẫn đầu tại thị trường Việt Nam với gần 70 nhân sự.
Lúc này, RIO Creative cũng bắt đầu mở rộng hệ sinh thái thông qua việc thành lập 2 công ty mới: GAM studio và RIO Retail. Công ty am tiến lần 02 với RIO Agency Sài Gòn, mở rộng các hoạt động về xuất bản thông qua việc cho ra đời tạp chí Marketing-Design GAM7 thường kỳ mỗi quý với 7 số đã ra mắt (đã xuất bản trên 60.000 cuốn), cùng 2 đầu sách chuyên ngành thiết kế ứng dụng trong marketing là RIO Book được tái bản.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của công ty duy trì rất ấn tượng: gần 300%/năm.
Sau những thành công ở mảng kinh doanh, Tùng và các cộng sự cho rằng để phát triển lâu dài, họ phải tập hợp được nguồn nhân sự tốt trong bối cảnh thiết kế là ngành đặc thù, nhân sự khó tuyển dụng, không có nhiều môi trường gắn kết, các giá trị, lợi ích và tiềm năng vẫn chưa được đánh giá đúng. Từ đây, Tùng và RIO Creative quyết định thực hiện chiến lược kép: Đổi mới hệ thống quản lý công ty và tạo ra sân chơi kết nối designer.
Trong nội bộ công ty, Tùng Juno và các cộng sự đang bắt đầu quá trình chuyển giao và đổi mới thế hệ lãnh đạo. Đến nay, ¾ công ty con đã có những giám đốc điều hành trực tiếp là những key member đã gắn bó và theo sát quá trình phát triển của RIO những năm qua.
"Kế hoạch chuyển giao quyền lực được thực hiện sớm nhằm tạo ra không gian cho những lớp sáng lập viên kế cận duy trì sức mạnh cốt lõi của RIO Creative: sức trẻ, sự sáng tạo. Ngay khi mới bắt đầu, chúng tôi hiểu mình rồi sẽ già đi, sẽ an toàn, sẽ ì trệ, trong khi công ty không thể bị giới hạn bởi ý chí của riêng ai.
Sự kế thừa ở RIO Creative nằm trong chính văn hóa công ty, còn chuyển giao sẽ tạo nên sức sống trường tồn, vì không nhất định phải giữ lại bài toán của những founder cũ cho một công ty sáng tạo trên một hành trình dài, với những hoàn cảnh mới, đối thủ mới, thị trường mới thay đổi mỗi ngày".
Ở phía ngoài, Tùng Juno thúc đẩy việc tạo nên một sân chơi cho cộng đồng thiết kế Việt Nam. Là đối tác của Behance – cộng đồng sáng tạo lớn nhất thế giới - RIO Creative hiện giữ vai trò đơn vị tổ chức Behance Portfolio Reviews tại Việt Nam. Đồng thời, Tùng Juno cũng sáng lập ra một festival dành riêng cho cộng đồng sáng tạo tại Việt Nam, lấy tên Vietnam Halography, tổ chức thường niên song song với Behance.
Trong 3 năm, từ 2015 -2017, những sự kiện này đã trở thành nơi quy tụ, gặp gỡ của 4.000 – 6.000 designer mỗi mùa, trở thành festival lớn nhất của cộng đồng thiết kế trong nước.
Nhận xét về bản thân, một người chuyên về thiết kế nhưng giờ đây lại làm việc như một doanh nhân trên thương trường, Trần Quang Tùng cho rằng công việc của mình là sáng tạo, nên tạo ra một sản phẩm trong thiết kế cũng là sáng tạo, và khởi tạo những một mô hình kinh doanh đổi mới cũng là sáng tạo. "Với tôi, dù là hình thức nào, chỉ cần được sáng tạo, tôi sẽ còn dấn thân."
Giờ đây, khi đã bước sang những năm cuối trong kế hoạch điều hành RIO Creative, Tùng Juno xác định mục tiêu tiếp theo là thực hiện các bài toán về vận động chính sách: tạo lập ra mô hình xuất khẩu sáng tạo có hỗ trợ từ Chính phủ.
Trong tương lai gần, chàng trai sắp bước đến ngưỡng tuổi 30 này mong muốn thành lập một Hiệp hội thiết kế ở tại Việt Nam, kết nối các doanh nghiệp trong ngành thiết kế cùng cộng đồng người làm sáng tạo, gia tăng tiếng nói, sức ảnh hưởng, đồng hành cùng các thương hiệu trong nước, nâng cao lợi thế tranh bằng giải pháp thiết kế tối ưu.
"Tôi nghĩ mình phù hợp với một vị trí của người khởi tạo, bắt đầu với RIO cũng thế, kết thúc với RIO cũng vậy".