Tùng Dương là một nghệ sĩ cá tính và có tâm với nghề. Bản lĩnh nghệ thuật lớn và niềm kiêu hãnh về những giá trị trân quý trong nghề đôi khi khiến anh trở nên bộc trực với những phát ngôn thẳng thắn.
Chính vì thế, Tùng Dương thường bị hiểu lầm là kẻ ngông nghênh, khinh thị và hay gặp phải những sự cố không đáng có. Trải qua nhiều ồn ã trên truyền thông, Tùng Dương dường như có chút e dè hơn với báo chí.
Bởi vậy, tôi đã phải mất nhiều ngày tháng tiếp cận và khơi gợi, mới khiến nam ca sĩ thoải mái trải lòng về khoảng lặng sâu kín trong anh.
Gặp Tùng Dương vào một chiều cuối thu, khi nắng vàng hanh khô đang bạc dần trước gió lạnh đầu mùa, tôi đã có được buổi trò chuyện sâu với anh và chứng kiến những ưu phiền, suy tư của anh về chuyện đời, chuyện nghề.
Hát là để thể hiện văn hóa
Thời gian qua có hiện tượng một số ca sĩ lạm dụng việc cover những bài hit đã cũ, gắn liền với kí ức của khán giả để kéo khách. Anh nghĩ sao về hiện tượng này?
Tôi thấy đó là điều hết sức tự nhiên. Có thể do những bài hit hiện nay đang dần bão hòa do mất chất. Điều này dẫn tới việc các bạn trẻ sẽ quay lại những bài hit đã cũ, chẳng hạn như thời Làn Sóng Xanh. Có rất nhiều bài hát hay ở thời kì này.
Tôi nghĩ, đây cũng là xu hướng tốt cho các bạn trẻ thôi. Nó giúp họ có góc nhìn về những cái đã qua trong quá khứ.
Tuy nhiên, đó chỉ là trào lưu nhất thời, không mang nhiều tính sáng tạo. Rất nhiều bài hát các bạn ấy lựa chọn tuy là hit một thời nhưng lại ít được ghi nhận về sự đột phá trong nghệ thuật.
Có thể, những bài hit đấy phù hợp với tâm lí của giới trẻ, nó có chút lãng mạn, bồng bột, catchy, nên nó được lựa chọn. Vì vậy, tôi nghĩ đây là việc làm thuận theo tự nhiên.
Bản thân Tùng Dương cũng thường hát lại những ca khúc bất hủ, cả trong và ngoài nước. Anh đã phải làm như thế nào để phần thể hiện của mình trở nên hấp dẫn, không bị lệ thuộc vào cái bóng của người đi trước?
Tôi nhìn nhận một tác phẩm ở góc độ đa chiều. Việc nghe lại những nghệ sĩ đi trước chỉ là phần nhỏ thôi, còn tôi vẫn phải nhìn tác phẩm đó theo cái nhìn của riêng mình.
Tôi may mắn vì được làm bạn, chia sẻ và thấu hiểu các nhạc sĩ lớn. Bởi vậy, tôi sẽ có cách khai thác tác phẩm cũ theo góc nhìn của mình, không bị lẫn và đi lại những gì người khác đã đi.
Tuy nhiên, tôi luôn phải nhìn vào người nhạc sĩ để nói lên được tính chất âm nhạc, màu sắc riêng của họ trong tác phẩm, mà vẫn giữ được cá tính của mình. Chính vì thế, việc hát lại những ca khúc bất hủ không quá gây khó khăn cho tôi.
Bản năng của tôi luôn muốn tìm tòi và thử sức những cái khó để hướng đến nấc thang mới.
Theo anh, việc cover lại nhạc cũ có cần đến sự tư duy, sáng tạo và thẩm mỹ âm nhạc tốt, hay chỉ cần có giọng hát rồi cất giọng lên là đủ?
Đối với tôi, điều này tùy thuộc vào yêu cầu, đòi hỏi của chính ca sĩ và lượng khán giả của họ.
Ca sĩ nào thì fan nấy. Khán giả không phải thước đo duy nhất để quyết định chất lượng nghệ thuật. Đôi khi, cái nhìn của giới chuyên môn khác với số đông. Những gì được số đông yêu thích chưa chắc đã có chất lượng.
Bởi vậy, việc cover nhạc cũ như thế nào phụ thuộc vào sự cao thấp của chính ca sĩ. Nếu ca sĩ đó dễ dãi, họ cũng sẽ chọn những tác phẩm dễ dãi. Không phải bài hit đã qua nào cũng có ca từ đẹp, giai điệu hay. Cũng có nhiều bài cũ mang ca từ dễ dãi.
Tóm lại, việc cover nhạc gì, cover như thế nào thể hiện văn hóa, thẩm mỹ của ca sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Cường từng nói rất hay rằng:
"Tôi không cần biết bạn được triệu triệu người hâm mộ hay như thế nào. Chỉ cần bạn nói tên tác giả bạn thích, ca khúc bạn hát là tôi biết văn hóa của bạn nằm ở đâu". Tôi đồng ý với quan điểm này, hát là thể hiện văn hóa.
Anh nghĩ sao nếu một nền âm nhạc chỉ có cover và một ca sĩ chỉ lấy việc cover nhạc cũ để tồn tại, chứ không cần sáng tạo cái mới?
Như đã nói, việc hát lại nhạc cũ đa phần chỉ mang tính trào lưu. Nó không đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc. Chúng ta đứng ở hiện tại thì phải nhìn vào tương lai nhiều hơn.
Tất nhiên, giá trị cũ vẫn xứng đáng được tôn vinh. Ở góc nhìn của tôi, tôi vẫn chọn những bài hát chân thực, mang triết lí sống và khơi dậy tinh thần cho chúng ta.
Còn với những bài hát đã thành hit trong quá khứ nhưng phần giai điệu, ca từ dễ dãi, tôi vẫn sẽ không bao giờ chọn. Ca sĩ khác đã làm rồi thì cứ để họ làm, vì nó phù hợp với họ.
Tôi luôn tự làm khó mình. Tôi muốn ca khúc mình hát phải có chiều sâu, tính lịch sử. Và tôi sẽ phải làm sao để khai thác thêm được những góc khuất ẩn giấu trong nó nhiều hơn nữa.
Chẳng hạn, tôi sẽ không bao giờ chọn những bài hát như Vợ người ta để cover, vì nó không phù hợp với tôi.
Có người còn hỏi tôi sao không hát Ngắm hoa lệ rơi. Tôi nói thật, nếu buộc tôi phải chọn sống hoặc chết thì tôi mới hát. Không thể bắt tôi hát những bài đang hot được.
Cover nhạc cũ đơn thuần chỉ là sự bế tắc
Trên thế giới, nghệ sĩ thường dung hòa được tính đại chúng và nghệ thuật. Dù nổi tiếng tới đâu, họ vẫn giữ được chất lượng nghệ thuật trong các sản phẩm âm nhạc của mình. Nhưng ở Việt Nam thời gian gần đây, điều này lại ít xảy ra. Anh cho rằng, hệ quả này do nghệ sĩ của chúng ta chưa đủ tầm hay thị hiếu công chúng chưa tới?
Do cả hai. Chúng ta cần nhìn nhận cả mặt tích cực lẫn tiêu cực và yếu kém ở đâu thì phải biết.
Có những người đủ tầm, đủ sức vóc nhưng lại lười không làm, hoặc không nuôi được đam mê đó đến tận cùng.
Hơn nữa, gu của số đông bao giờ cũng là Pop, dễ nghe, dễ bắt tai. Ở đất nước nào cũng vậy thôi. Đâu đâu cũng chia rõ thị trường âm nhạc, phù hợp với từng đối tượng. Đó là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, ở Việt Nam có bộ phận nghệ sĩ và khán giả đang rất dễ dãi. Họ dễ dàng thỏa hiệp với những thứ chỉ mang tính trendy, chớp nhoáng mà quên rằng, trong cuộc sống vẫn còn nhiều lớp lang ý nghĩa.
Rất nhiều bạn trẻ ngày nay tiếp nhận mọi thứ chưa có tính chọn lọc, mà chỉ a dua theo số đông thôi. Bởi vậy mới xuất hiện những hiện tượng mạng và thảm họa âm nhạc, dẫn tới tranh cãi không hồi kết, và càng tranh cãi lại càng nổi.
Điều này làm đảo lộn giá trị, khiến sự thiêng liêng của nghệ thuật mất đi. Về phía tôi, tôi muốn tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu, gắn liền với lịch sử và sống mãi trong âm nhạc.
Là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi ngày nay dung hòa được tính nghệ thuật và đại chúng. Anh đã phải làm như thế nào để có được điều này?
Tính đại chúng của tôi cũng chỉ có mức độ thôi, không phổ cập như các tên tuổi khác. Đây là con đường tôi xác định rồi, có muốn phổ cập hơn nữa cũng rất khó.
Tôi không phải ca sĩ Pop nhưng vẫn cần phải có những góc dễ tiếp cận hơn với khán giả. Không phải lúc nào mình cũng đưa ra thông điệp, triết lí quá rộng lớn, mang tính cá nhân như Độc đạo, Li ti, Trời và Đất.
Tôi vẫn hát những thứ dễ tiếp cận như tình ca, nhạc cách mạng. Nhưng trong đó vẫn phải có dấu ấn của tôi, chứ không dập khuôn lại.
Nếu chỉ quanh quẩn cover đơn thuần thì thực sự là bế tắc, đi vào ngõ cụt.
Theo anh thì một nghệ sĩ có đạo đức và tử tế với âm nhạc là một nghệ sĩ như thế nào? Và các ca sĩ ngày nay cần phải làm gì để trở thành nghệ sĩ có tư cách, phẩm chất?
Nghệ sĩ tử tế phải là người có lòng tự trọng với nghệ thuật, và sự kiêu hãnh của họ là rất lớn. Họ khắt khe với chính bản thân mình, không dễ dãi thỏa hiệp theo danh xưng công chúng đặt cho như "Nữ hoàng", "Ông hoàng"… này nọ.
Chẳng hạn, nếu mọi người có gọi tôi là Divo thì đó cũng chỉ là hình ảnh để tôi phấn đấu hướng tới thôi, chứ tôi vẫn là một nghệ sĩ, với lòng vững tin độc hành của mình.
Cái gì độc hành cũng sẽ cô độc. Tôi chấp nhận cái cô độc của mình. Đối với những người độc hành, họ luôn có cái cực đoan của riêng họ. Đó là sự tử tế, không chấp nhận thỏa hiệp để đánh mất cá tính.
Tôi không dùng phát ngôn của mình để chà đạp lên người khác
Anh có bao giờ thấy buồn khi lượng khán giả của mình không nhiều và trẻ bằng các ca sĩ cùng thời như Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn… không?
Tôi có muốn cũng không được, vì nó nằm ở định hướng riêng của tôi rồi. Ai cũng muốn được đông người yêu thích nhưng không phải ai cũng làm được. Người yêu kẻ ghét là chuyện bình thường.
Tôi vốn là người thẳng thắn, không ngại nói những gì mình nghĩ nên hay thể hiện sự cực đoan trong phát ngôn của mình.
Tôi biết, như thế sẽ làm tôi mất đi lượng khán giả thích được chiều chuộng bằng những gì dễ nghe, êm tai. Nhưng tôi không thể nói khác những gì mình nghĩ để lấy lòng người khác được. Dù đúng hay sai thì đó cũng là quan điểm, suy nghĩ của tôi.
Tự âm nhạc của tôi đã quyết định số lượng khán giả rồi. Đó là điều tôi chọn. Hơn nữa, tôi chỉ dùng phát ngôn để nói lên điều mình nghĩ, chứ không chà đạp lên người khác như cách một số người đang làm với tôi. Tôi luôn tôn trọng tất cả.
Vậy theo anh, bao nhiêu phần trăm trong lớp ca sĩ ngày nay có đạo đức?
Tôi không dại gì nhận xét để những người không thích tôi lại ném đá tôi. Tôi chỉ muốn nói, hình ảnh của nghệ sĩ quyết định rất nhiều thứ, đạo đức, lương tâm làm nghệ thuật.
Sự sáng tạo của nghệ sĩ trong nghệ thuật ở mức độ nào sẽ quyết định sự tử tế của họ. Không ai hiểu nghệ sĩ hơn chính họ. Chỉ có họ mới vẽ nên chân dung của chính họ bằng âm nhạc.
Nếu nghệ sĩ chộp giật theo trào lưu thì sẽ sớm lộ ra nhân cách của họ ở đâu. Người khán giả tinh tế sẽ nhận ra tất cả.
Hát phải để người ta thấy tầm vóc của mình, chứ không chỉ phụ thuộc vào cái bẩm sinh mà tổ nghề cho mình. Bạn đắt show, bạn có catse cao ngất ngưởng cũng không chứng minh được điều gì. Nó chỉ nói rằng bạn đang đi theo trào lưu, có đông khán giả thôi.