"Bolero không phải là nhạc thời trang, qua đợt mốt thì lố bịch và khập khiễng"

Cao Thanh Hương |

"Bolero không phải nhạc thời trang. Những tác phẩm mới sáng tác sau này là nhạc thời trang và khi qua đợt mốt rồi thì nó trở nên lố bịch và khập khiễng...", Long Nhật nói.

Câu nói của Tùng Dương về nhạc Bolero đang là đề tài nóng trên các mặt báo những ngày qua và cũng là chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới showbiz Việt. Trong cuộc trò chuyện mới đây cùng ca sĩ Long Nhật, anh cũng thẳng thắn chia sẻ với phóng viên về đề tài nóng hổi này.

Bolero không phải nhạc thời trang

Tôi nghĩ tranh luận nhiều mệt lắm và cũng không cần phải tranh luận vì cái gì hay và thực sự có giá trị sẽ trường tồn với thời gian. Bằng chứng là không phải đến bây giờ Bolero mới được khán giả thích như thế. Bolero là dòng nhạc kinh điển, không bao giờ cũ vì nó có mới đâu mà cũ.

Những tác phẩm mới sáng tác sau này là nhạc thời trang, mà thời trang thì năm nay mốt này, mùa sau mốt khác. Và khi qua đợt rồi thì nó trở nên lố bịch và khập khiễng. Bolero không phải nhạc thời trang.

Bolero xuất thân từ vùng đất Nam Mỹ, du nhập qua Việt Nam theo dòng chảy của tân nhạc mà con đường ban sơ là từ hát thánh ca trong các nhà thờ. Ngày xưa, âm nhạc Việt Nam là ngũ cung chỉ có năm nốt đến tân nhạc mới bảy nốt.

Từ từ mình có nhạc tiền chiến (trước 1945) với Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Từ Công Phụng, Hoàng Hiệp, Trần Hoàn... rồi tân nhạc thấm đẫm vô đời sống người Việt và sau này trở thành tân nhạc Việt. Sang thì có dòng tình ca. Bình dân đại chúng, gần gũi thì có Bolero. Cứ như thế, Bolero biến thành giai điệu được già, trẻ, lớn, bé yêu thích từ hồi nào không hay.

Bolero không phải là nhạc thời trang, qua đợt mốt thì lố bịch và khập khiễng - Ảnh 1.

Ca sĩ Long Nhật.

Bằng chứng là gần như người Việt Nam nào cũng thuộc lòng: "Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp một chuyện tình cay đắng...". Thậm chí người già người trẻ đều nằm lòng: "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn...".

Từ thành phố cho đến nông thôn, nẻo đường nào cũng nghe người dân thuộc và mở những bài hát đó thì không thể nào nói đó là sự thụt lùi về âm nhạc được.

Còn những người nhận giải thưởng xếp hạng này, thứ hạng bài hát kia, toàn những danh xưng to lớn như nhạc sĩ sáng tác hay nhất, ca sĩ hát hay nhất nhưng thử hỏi bao nhiêu người nhớ tên, bao nhiêu người biết những ca khúc đấy?

Nhưng tại sao khi nhắc tới dòng nhạc trữ tình cách mạng thì khán giả nghĩ ngay tới "có một không gian nào..." hay "khung cửa sổ hai nhà cuối phố...".

Nhắc Bolero phải là "mình gặp nhau như lức mới quen ban đầu cớ sao anh ngập ngừng..." hoặc sang hơn thì có "trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng" hay "nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ...".

Những ca khúc đó, dòng nhạc đó là tâm hồn của người Việt thì tự nhiên người nghe sẽ nhớ. Cái nhớ và yêu thích ấy không ai ép được.

Tôi nhớ có một thời gian Bolero bị chửi dữ lắm. Họ bảo Bolero là sến, ít học nhưng người dân vẫn nhớ như nằm lòng và nó vẫn trường tồn với thời gian.

Vì Bolero đã thấm đẫm trong tâm hồn người Việt chỉ cần ca sĩ cất lên tiếng hát tự nhiên sẽ chạm vào trái tim người nghe và ở luôn trong họ. Bởi vì mỗi bài hát, mỗi lời ca, ai cũng thấy mình trong đó.

Bolero không phải là nhạc thời trang, qua đợt mốt thì lố bịch và khập khiễng - Ảnh 2.

Long Nhật nổi tiếng với nhiều ca khúc bolero ngọt ngào

Đàm Vĩnh Hưng nói một câu tôi rất thích "ở dưới này vui lắm"

Tất nhiên, tôi không nói những sáng tác mới sau này là hoàn toàn dở. Cũng có những bài hay nhưng chưa sánh bằng các tác phẩm kinh điển.

Còn những người tự phong mình là hàn lâm, bác học, hát pha tây pha tầu, làm đủ thứ gọi là "phiêu" nhưng không có nhiều người nghe thì cũng chẳng để làm gì.

Không có một ban giám khảo nào công tâm và chính xác bằng khán giả. Giải thưởng có bằng trời thì cũng thế. Quán quân có bằng trời mà khán giả thích nghe Á quân hát hơn thì cũng chẳng làm được gì.

Đàm Vĩnh Hưng có nói một câu mà tôi rất thích "ở dưới này vui lắm", sao lại phải ở trên lầu son gác tía một mình mà đau khổ, cô đơn rồi huyễn hoặc tự cho mình ngồi trên cao. Ngồi trên cao thì chơi một mình chứ không chơi được với ai.

Một số người nói Đàm Vĩnh Hưng phá nát Bolero nhưng tôi không nghĩ vậy. Có những người phá cách Bolero rất thành công, Hưng là một trong số đó. Cũng như Lệ Quyên hát lạ nhưng thành công và được công chúng đặt cho danh hiệu "nữ hoàng phòng trà".

Hưng hát Bolero thuần túy không hay. Hưng không thể hát nắn nót và luyến láy câu từ như chị Hương Lan, anh Tuấn Vũ, Chế Linh, Ngọc Sơn nhưng Hưng hát kiểu phá cách nghe lạ và có cái hay của Hưng. Ai muốn nghe kinh điển thì tìm Hương Lan, Tuấn Vũ, Chế Linh, ai muốn nghe mới thì tìm Đàm Vĩnh Hưng.

Tôi không phải ca sĩ chuyên hát một dòng nhạc để mà nổi tiếng, để nói với mọi người rằng tôi chuyên dòng nhạc đó và nhận mình có đẳng cấp rồi ngồi phán như bố tướng.

Bolero không phải là nhạc thời trang, qua đợt mốt thì lố bịch và khập khiễng - Ảnh 3.

Anh cũng là giám khảo khách mời của chương trình "Khúc tình ca" trên đài truyền hình Việt Nam.

Ngoài Bolero, tôi hát nhiều dòng nhạc khác như quê hương, trữ tình cách mạng nhưng rõ ràng Bolero là sở trường của tôi. Tôi hát Bolero dễ dàng như lấy đồ trong túi ra.

Hai album về Bolero "Nhạc vàng cho tình nhân" và "Bài ca kỷ niệm", tôi hát nguyên bản của kinh điển nhưng hòa âm mới hơn, luyến láy khúc triết, gẫy gọn hơn.

Tôi muốn thổi vào tác phẩm kinh điển những luồng gió mới, khoác lên nó chiếc áo của thời đại vì xu hướng bây giờ là Bolero đang trẻ hóa khán giả. Và tôi chưa bao giờ bị khán giả chê vì đó là "đồ của tôi".

Nói chung, sến cũng được, sang cũng được, sôi động cũng được, phá cách cũng được, hàn lâm bác học cũng được... nhưng phải hay. Hay hẵng nói chuyện và đừng hạ thấp người khác để đẩy mình lên".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại