Thời gian gần đây, “call margin” là một từ khoá được khá nhiều người quan tâm trên thị trường chứng khoán. Khi cổ phiếu liên tục lao dốc, áp lực bán giải chấp không chỉ kích hoạt ở nhà đầu tư cá nhân mà còn ở nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.
Hàng trăm triệu cổ phiếu bất động sản chất sàn nhưng không ai mua cũng là nguồn cơn tạo nên hiệu ứng bán lan diện rộng trên toàn thị trường thời gian qua.
Ngay cả những “tài khoản lớn” của doanh nghiệp cũng không tránh khỏi cơn lốc “call margin” càn quét, thì rõ ràng nhà đầu tư nhỏ lẻ ưa đòn bẩy cũng thiệt hại khá nặng nề. Vậy kinh nghiệm nào rút ra sau những đợt bị buộc bán giải chấp cổ phiếu?
Cháy tài khoản vì “all in full margin”
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập FinPeace, người từng có 16 năm chinh chiến trên thị trường nhớ lại những câu chuyện “call margin” của mình trong quá khứ. Ông Tuấn Anh cũng là một trong những người đầu tiên bị bán giải chấp trên TTCK Việt Nam.
Thời điểm 2007, thị trường chứng khoán lên như “diều gặp gió” và cứ mua là thắng. Dù mới chập chững bước chân vào thị trường, song ông từng mạnh tay vay margin để mua lượng lớn cổ phiếu của một công ty chứng khoán và thành công chốt lời ở vùng đỉnh 300.000 đồng.
“Nếu chỉ dừng lại ở đó thì không có gì đáng nói. Sang đến năm 2008, khi cổ phiếu chứng khoán này liên tục trồi sụt xuống 50.000 nghìn, tôi lại ham hố “bắt đáy” bằng toàn bộ số vốn của mình. Tuy nhiên, cổ phiếu vẫn không ngừng đà rơi khi tiếp tục giảm giá xuống còn 25.000 đồng, tôi quyết định tất tay - “all in full margin” vào cổ phiếu chứng khoán này”, ông Nguyễn Tuấn Anh kể lại.
Kết quả, ông bị cháy tài khoản và mất toàn bộ tài sản khi đó có được, khoảng 1 triệu USD. Do từng trải qua nên ông Tuấn Anh hiểu cảm giác bị “call margin” là rất xót xa. Bởi dùng margin khi thị trường lên sẽ rất thích vì nó có thể giúp mình đi nhanh hơn, song lúc thị trường đi xuống thì quả thực là quá khốc liệt.
Nhiều năm sau, khi có nhiều trải nghiệm hơn, ông Tuấn Anh nhận thấy những ai đầu tư chứng khoán kiểu “all in full margin” thì về dài hạn gần như chắc chắn sẽ thua, bất kể trước đó họ đã thắng được bao nhiêu tiền.
Lý do vì sao? Đó là bởi thời gian không đứng về phía các nhà đầu tư như vậy. Chuyên gia cho rằng muốn đầu tư thành công thì trước hết thời gian phải đứng ở phía bạn.
Thế nào là thời gian không đứng về phía mình? Ông Tuấn Anh đặt ra giả thiết, nếu xác suất chỉ 1 trong những ngày tiếp theo cổ phiếu giảm là tài khoản của bạn bị cháy, điều đó có nghĩa là thời gian không đứng về phía bạn.
Thế nào là thời gian đứng về phía bạn? Đó là nếu xác suất thị trường tăng trong những ngày tiếp theo thì mình giàu lên, tài khoản tăng, còn thị trường không tăng hoặc giảm mình cũng không sao cả. Đấy mới là thời gian đứng về phía bạn, là công thức đúng của đầu tư.
Làm sao để tránh bị “call margin”?
Bàn về những cổ phiếu bất động sản bị “call margin” trong thời gian gần đây, dưới vai trò là nhà quản lý quỹ hoặc CTCK thì việc chất lệnh bán sàn là điều bắt buộc để bảo vệ quyền lợi cho công ty của mình. Dù có thể hiểu rõ chất lệnh bán ồ ạt cũng chưa chắc có người mua, song cũng không thể rút lệnh vì các CTCK khác có thể chồng lệnh bán ra.
Đứng dưới vai trò nhà đầu tư, ông Tuấn Anh cho rằng thời gian tới, khi các cổ phiếu bất động sản này được “giải cứu” và được vớt hết giá sàn, nhiều người sẽ có tâm lý FOMO lao vào bắt đáy khi nghĩ cổ phiếu có thể bật tăng trở lại sau thời gian chiết khấu mạnh. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng trường hợp này “cửa thua” vẫn là 50/50, bởi hết chất sàn không có nghĩa là cổ phiếu có thể bật tăng trở lại.
Margin là con dao hai lưỡi, nếu bạn làm đúng nó sẽ giúp bạn đi nhanh hơn. Tuy nhiên nếu bạn làm sai thì có thể mất tất cả. Do đó, để tránh tình trạng bị “call margin”, ông Tuấn Anh đưa ra bốn cách phổ biến.
Thứ nhất , giữ tiền phòng ngừa trong tài khoản margin, tránh full margin để khi thị trường diễn biến xấu có thể đưa tiền vào để đảm bảo ngưỡng an toàn cho danh mục.
Thứ hai , đa dạng hoá danh mục, có nghĩa không bỏ trứng vào một giỏ. Theo đó, danh mục đầu tư đúng cần có mục tiêu rõ ràng, dòng tiền ổn định và ngưỡng rủi ro phù hợp.
Thứ ba , cắt lỗ đúng lúc. Trên thực tế, những cổ phiếu như PDR, NVL trước khi có chuỗi giảm sàn liên tiếp, mất thanh khoản đã có những tín hiệu kỹ thuật khá xấu. Đơn cử khi quan sát trên đồ thị có thể thấy những mã này đã có tín hiệu phá vỡ đáy, vỡ đường trendline trên đỉnh và vỡ kênh giảm. Khi có ba tín hiệu này, nhà đầu tư cần thực hiện nguyên tắc cắt lỗ để tránh trường hợp cổ phiếu mất thanh khoản không bán được.
Thứ tư , tránh giao dịch cổ phiếu có biên độ thấp bằng margin tại những sàn có tính thanh khoản thấp như HNX, UPCOM để tránh việc cổ phiếu “sập sàn” nhưng không thể bán ra.