Phụ nữ Trung Quốc thời phong kiến bị trói buộc bởi triết lý "Tam tòng tứ đức" (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử - Ở nhà phải theo cha, đi lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải nghe theo con trai - xuất phát từ các quan niệm cổ hủ của Nho giáo. Tứ đức gồm: Công, dung, ngôn, hạnh.
Công là việc nữ công, gia chánh phải khéo léo, với phụ nữ bình dân thời xưa chủ yếu là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, với người phụ nữ tài giỏi thì có thêm cầm, kỳ, thi, họa.
Dung là dáng người đàn bà phải hài hòa, gọn gàng, sạch sẽ. Ngôn là lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng. Hạnh là tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt.
Quy định tam tòng khiến người phụ nữ khi xuất giá lấy chồng thì hoàn cảnh tốt hay xấu thế nào cũng đã trở thành người nhà chồng, chứ không được nương nhờ ai nữa. Chính điều này đã đẩy người phụ nữ vào những hoàn cảnh vô cùng bi thảm, chẳng hạn như trở thành món đồ vật bị những người chồng hám tiền đem đi cầm cố, cho đàn ông khác thuê về làm vợ, sinh con đẻ cái cho họ trong khoảng thời gian dài.
Một cặp vợ chồng thời nhà Thanh
Một số triều đại phong kiến Trung Quốc đã cấm tục lệ này, nhưng nó vẫn âm thầm được duy trì trong dân gian để rồi nở rộ vào thời nhà Thanh.
Thuê vợ để sinh con đẻ giúp đàn ông nghèo hèn, không có tiền cưới vợ thời xưa duy trì nòi giống nhưng đây là kiểu hôn nhân dị dạng.
Theo ghi chép, tục thuê vợ xuất hiện từ thời nhà Hán, được gọi là "điển thê" còn cầm cố vợ được gọi là "cố thê”.
Thời hạn cho thuê hoặc cầm cố vợ thường là 2 hoặc 3 năm. Đến khi hết hạn, người chồng hợp pháp sẽ đón vợ về hoặc cho người khác thuê tiếp.
Sử sách ghi lại rằng, tục cho thuê vợ/cầm cố vợ xuất phát từ thời nhà Hán khi chiến sự xảy ra liên miên, nhà nhà, người người đều nghèo khó, những người đàn ông độc thân thì không có đủ tiền để cưới vợ, những người có vợ thì vì thiếu tiền mà bán hoặc đưa vợ mình cho người đàn ông khác thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Sau khi hai bên đạt được thỏa thuận, sẽ ký kết khế ước đầy đủ. Trong suốt thời gian làm vợ người ta trong khế ước, những người vợ thuê phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm như một người vợ thực sự. Họ phải sinh con cho người thuê mình, chăm sóc, lo liệu cho gia đình người thuê. Trong khoảng thời gian này, người vợ thuê không được phép về nhà. Cho dù họ đã có con cũng không được phép về thăm hoặc chăm sóc, trông nom con riêng của mình. Đến khi khế ước hết hiệu lực kết thúc thỏa thuận, họ mới được trở về nhà mình hoặc có thể tiếp tục bị chồng cấm cố, cho thuê tiếp.
Điều này khiến rất nhiều phụ nữ đau đớn, không vừa lòng, thế nhưng tại thời phong kiến, địa vị xã hội của phụ nữ rất thấp, sau khi kết hôn bị coi là vật sở hữu của chồng nên không thể phản kháng.
Khi bị đem đi cho thuê, bị người khác thuê, những người phụ nữ này cũng không thể nào phản kháng, chống đối được, đành phải cam chịu tủi hổ, cắn răng sống cho qua ngày đoạn tháng.