Thỏa thuận ngừng bắn Nga-Thổ ở Idlib đang gặp phải thách thức đầu tiên khi cuộc tuần tra chung của hai nước đã không thể hoàn thành do vấp phải sự khiêu khích của phiến quân Syria.
Trước khi các cuộc tuần tra bắt đầu, những kẻ khủng bố đã có các hành động phá hoại, cản trở các xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, đoàn tuần tra của Nga-Thổ chỉ đi được một đoạn dài 2 km về phía Tây Saraqib, khu vực do quân đội Syria kiểm soát.
Các chiến binh từ nhóm Ansar al-Islam được cho là nằm trong số các nhóm chặn đường. Diễn biến như một lời nhắc nhở rằng tình hình không đơn giản như Ankara mô tả trước đó.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, các chiến binh ở Idlib đã không tuân thủ lệnh ngừng bắn, có hành động phản công trong khu vực.
Trên thực tế, tuần tra là phần dễ nhất trong kế hoạch hành động chung giữa Nga-Thổ. Với sự phản ứng nói trên của phiến quân, đường cao tốc chiến lược M4 chưa thể mở lại một cách an toàn.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 5/3, Nga-Thổ đã nhất trí thiết lập một hành lang an toàn với ranh giới 6 km ở hai bên đường cao tốc M4 chiến lược, đồng thời cả hai sẽ cùng tuần tra chung tại đây để đảm bảo tránh leo thang quân sự.
Hai bên đã phân chia quyền kiểm soát hành lang, với Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm bình ổn phiến quân ở phần phía Bắc và phía Nga hậu thuẫn cho lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - phụ trách phần phía Nam.
Phía Nga cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị có thêm thời gian để bình ổn tình hình khu vực an ninh chung. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thêm thời gian liệu có giúp Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế phiến quân và tạo ra sự khác biệt mà không cần dùng vũ lực?
Tiến thoái lưỡng nan
Theo Al-Monitor, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với những khó khăn lớn mà chính nước này tự gây ra cho mình ở Idlib. Khó xử sẽ là cảm giác đầu tiên của Ankara khi phải từ bỏ các nhóm phiến quân mà nước này từng hậu thuẫn lâu năm.
Ban đầu, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tự tin cho rằng ông có thể sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các nhóm phiến quân khi thực hiện các thỏa thuận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong tiến trình Astana và tại các cuộc họp ở Sochi và Moscow. Nhưng mọi viễn tưởng đã không thành hiện thực.
Phiến quân Idlib và Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp tình huống khó xử.
Hiệp định Sochi tháng 9/2018 và thỏa thuận ngừng bắn mới nhất ở Moscow mang đến hai lựa chọn cho Thổ Nhĩ Kỳ: Thuyết phục các nhóm vũ trang tự nguyện buông súng hoặc dùng vũ lực để cưỡng ép.
Lựa chọn đầu tiên đã không mang lại kết quả trong quá khứ và với những hành động khiêu khích vừa qua, nó cũng cho thấy không hiệu quả ở thời điểm hiện tại.
Trong khi lựa chọn thứ hai lại mang đến nguy cơ rủi ro hơn khi khiến các nhóm phiến quân vũ trang cảm thấy bị phản bội và chuyển sự thù địch sang chính Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, nếu ngoan cố tiếp tục chuyển các nhóm này đến các khu vực khác lánh nạn, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vấp phải lời chỉ trích đang cố bảo vệ cho các nhóm khủng bố. Hơn nữa, bất kể có rút đi đâu, các nhóm này vẫn luôn là những mục tiêu nhất định phải bị loại bỏ.
Yếu tố đáng chú ý nhất là suy tính của các nhóm có ảnh hưởng lớn ở Idlib như Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Một mặt, các chiến binh của HTS ca ngợi sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc đụng độ trực tiếp với quân đội Syria vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Nhưng mặt khác, các chiến binh tin rằng, kể từ khi tham gia tiến trình Astana năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ lợi dụng các nhóm vũ trang chống chính quyền Damascus để thúc đẩy lợi ích của chính mình.
Các chiến binh ở Idlib sẽ tiếp tục núp bóng Thổ Nhĩ Kỳ càng lâu càng tốt, nhưng cũng sẽ không ngần ngại đối đầu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp xấu nhất.
Câu hỏi đặt ra là sự ký sinh mong manh giữa cả hai bên sẽ kéo dài được bao lâu?
Trong tình hình leo thang mới nhất ở Idlib, nhiều chiến binh vũ trang tại đây được cho là đã bỏ trốn và tìm cách đưa gia đình vượt qua biên giới. Nếu các nhóm vũ trang rút lui hoàn toàn, thành trì vững chắc mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Idlib cũng sẽ sớm sụp đổ.
Như đã lưu ý ở trên, thỏa thuận ngừng bắn Nga-Thổ ở Moscow gần đây không hề dừng lại mục tiêu loại bỏ các nhóm cực đoan. Do đó, viễn cảnh mà quân đội Syria và phiến quân vũ trang chung sống hòa bình với nhau như trong tưởng tượng của Tổng thống Erdogan là khó có thể thành hiện thực.
Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng bảo đảm và mở lại vùng phía Bắc của đường cao tốc M4, trong khi phía Nam phụ thuộc vào lực lượng Syria và Nga.
Ở phía Nam đường cao tốc, vượt ra ngoài ranh giới 6 km của khu vực an ninh về phía núi Zawiya, có một khu vực rộng lớn nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang.
Để tiếp tục mở đường, quân đội Syria buộc phải tiến công để chiếm giữ các khu vực đó.
Tóm lại, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các bên có thể thực hiện các cam kết của mình tại Idlib mà không cần sử dụng vũ lực.