Tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân có một không hai của Italia

CLHB |

Giuseppe Garibaldi là một tuần dương hạm hạng nhẹ thuộc lớp Duca degli Abruzzi từng phục vụ trong Hải quân phát xít Italia thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Giới thiệu chung về tuần dương hạm Giuseppe Garibaldi

Tuần dương hạm Giuseppe Garibaldi (tên người anh hùng dân tộc đã góp công lớn trong việc thống nhất Italia) chính là thế hệ mới nhất của lớp tàu tuần dương hạng nhẹ Condottieri, được khởi đóng năm 1933 và chính thức vào biên chế Quân đội phát xít Italia năm 1937.

Con tàu có lượng giãn nước khoảng 12.000 tấn, được trang bị lượng vũ khí đồ sộ với 12 pháo 155 mm, 8 pháo 100 mm, 6 ống phóng ngư lôi 533 mm cùng một lượng lớn súng, pháo phòng không các cỡ và bom chống ngầm. Giuseppe Garibaldi còn mang được 4 thủy phi cơ trinh sát IMAM Ro.43, các máy bay này được triển khai từ 2 ray phóng trên tàu.

Giuseppe Garibaldi có tốc độ di chuyển tối đa 30 hải lý/h nhờ động lực cung cấp từ 6 nồi hơi. Tầm hoạt động ở tốc độ kinh tế 18 hải lý/h vào khoảng 7.200 km.

Tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân có một không hai của Italia - Ảnh 1.

Tuần dương hạm Giuseppe Garibaldi thời điểm năm 1945

Lịch sử hoạt động của chiếc Giuseppe Garibaldi

Trong Thế chiến II, Giuseppe Garibaldi đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Hải quân phát xít Italia từ hộ tống, pháo kích bờ biển, cho đến tấn công các đoàn vận tải. Con tàu từng bị hư hại nặng sau khi trúng ngư lôi từ tàu ngầm Anh HMS Upholder.

Sau chiến tranh, chiếc tuần dương hạm này may mắn không bị phá hủy hay rơi vào tay bên thắng trận mà tiếp tục phục vụ trong Hải quân Italia, nó được hiện đại hóa với những thay đổi nhỏ trong hệ thống vũ khí cùng radar.

Giuseppe Garibaldi dừng hoạt động vào năm 1953 và bị tháo dỡ hết hệ thống vũ khí. Tuy nhiên một lần nữa nó lại gặp may khi Hải quân Italia quyết định giữ lại để chuyển đổi thành một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường cho nhiệm vụ phòng không hạm đội.

Công việc đại tu, nâng cấp hoàn thành vào năm 1961 với nhiều thay đổi lớn trong cấu trúc thượng tầng, trong khi vẫn giữ được kết cấu ban đầu. Giuseppe Garibaldi trở lại biển khơi, giữ vai trò kỳ hạm của Hải quân Italia thời kỳ đó, cũng như là tuần dương hạm mang tên lửa đầu tiên của châu Âu.

Tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân có một không hai của Italia - Ảnh 2.

Giuseppe Garibaldi ở New York năm 1962, 1 năm sau khi được nâng cấp

Vũ khí trang bị trên tàu được thay đổi hoàn toàn. Hai tháp pháo 152 mm phía sau bị loại bỏ để thay thế bằng bệ phóng tên lửa phòng không tầm trung RIM-2 Terrier có tầm bắn tối đa 32 km. Các hệ thống pháo trước đó được nâng cấp bằng 4 khẩu 135 mm/L45 bố trí trong các tháp đôi cùng 8 pháo OTO Melara 76 mm/L62 trong các tháp đơn. 

Tới năm 1968, pháo 135 mm/L45 lại bị dỡ bỏ để lắp đặt loại pháo cùng cỡ nhưng hiện đại hơn là 135 mm/L53, con tàu được bổ sung một số radar cùng hệ thống kiểm soát hỏa lực mới.

Tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân có một không hai của Italia - Ảnh 3.

Giuseppe Garibaldi phóng tên lửa RIM-2 Terrier

Yếu tố khiến Giuseppe Garibaldi đặc biệt hơn nhiều tàu chiến mặt nước khác là khả năng răn đe hạt nhân thông qua tên lửa đạn đạo chiến lược. 

Con tàu được sửa đổi để triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân nhiên liệu rắn UGM-27 Polaris của Mỹ (các tên lửa UGM-27 nguyên thủy được phóng từ tàu ngầm) với tầm bắn tối đa 4.600 km, bố trí trong 4 ống phóng cao 8 m ở đuôi tàu.

Tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân có một không hai của Italia - Ảnh 4.

Giuseppe Garibaldi phóng thử tên lửa mô phỏng UGM-27, có thể thấy vị trí 4 ống phóng ở đuôi tàu

Những thử nghiệm với tên lửa mô phỏng đã được thực hiện thành công, song vì một số lý do chính trị, Mỹ đã không chuyển giao UGM-27 cho Italia, dẫn tới phương án thay thế là tên lửa đạn đạo chiến lược Alfa do chính nước này phát triển, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ 1 MT cùng tầm bắn 1.600 km. 

Tên lửa Alfa đã thử nghiệm thành công song lại bị hủy bỏ vào năm 1975, khi Italia tham gia và trở thành thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân có một không hai của Italia - Ảnh 5.

Tên lửa UGM-27 Polaris (trái) và Alfa (phải)

Ngoài chiếc Giuseppe Garibaldi, Hải quân Italia còn 2 tàu tuần dương khác có khả năng phóng tên lửa đạn đạo UGM-27 hoặc Alfa là chiếc sửa đổi từ lớp tàu tuần dương mang trực thăng Andrea Doria, nhưng các tàu này chỉ mang được 2 quả, bằng một nửa Giuseppe Garibaldi.

Tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân có một không hai của Italia - Ảnh 6.

Giuseppe Garibaldi cùng 2 tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Italia, chiếc Caio Duilio và Andrea Doria

Kể từ khi được cải tạo nâng cấp, Giuseppe Garibaldi chỉ hoạt động hơn 1 thập kỷ. Nguyên nhân có lẽ nằm ở thất bại của dự án đưa tên lửa UGM-27 Polaris lên tàu chiến mặt nước. Giuseppe Garibaldi được rút khỏi biên chế ngày 20/2/1971 với dự định sẽ chuyển đổi thành bảo tàng nổi, nhưng vì lý do kinh tế mà nó đã bị tháo dỡ trong năm 1978. 

Tuần dương hạm mang tên lửa hạt nhân có một không hai của Italia - Ảnh 7.

Tàu sân bay hạng nhẹ Giuseppe Garibaldi

Phải đợi 24 năm sau, tên vị anh hùng dân tộc đặt cho con tàu mới xuất hiện trở lại trong Hải quân Italia, đó là tàu sân bay hạng nhẹ Giuseppe Garibaldi.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại