Xông vào cấm địa
Báo Đô thị Hoa Tây (Trung Quốc) đưa tin, ngày 29/7, cảnh sát Tân Cương (Trung Quốc) thông báo, một đoàn xe đã tự ý đi vào Khu bảo tồn lạc đà hoang dã quốc gia Lop Nur mà không được cho phép khiến 4 thành viên trong đoàn thiệt mạng.
Theo những người trong đoàn kể lại, đoàn xe bị hỏng giữa đường. Khi trưởng nhóm Giả Ninh và 3 thành viên khác lái xe đi tìm xe đầu kéo thì bị mắc kẹt trong sa mạc dẫn đến sự cố đáng tiếc sau đó.
China News Weekly cho biết, khi lực lượng cứu hộ tới hiện trường, họ tìm thấy thi thể Giả Ninh cách lối ra gần nhất của Lop Nur khoảng 20 đến 30 km.
"Toàn thân sưng tấy, khuôn mặt cháy đen, căn bản không phân biệt được là ai", ông Lưu Kiệt, thành viên đội cứu hộ cho biết, họ chỉ nhận ra đó là Giả Ninh nhờ chiếc áo khoác chống nắng màu xanh da trời khoác ngoài.
Sau đó, họ đã tìm thấy chiếc xe bị mắc kẹt trong cát. Trên xe không có dụng cụ cứu hộ như xẻng, thiếu nước uống, dưới bánh xe có đào mấy hố.
Theo phân tích, các thành viên bị lạc do không có cách nào liên lạc với thế giới bên ngoài vì không mang theo điện thoại và không có công cụ nên họ chỉ có thể bất chấp nhiệt độ cao để cào cát bằng tay không nhưng chiếc xe vẫn không di chuyển.
"Có lẽ do xe không hoạt động cho nên họ mạo hiểm đi bộ đi ra ngoài", Lưu Kiệt suy đoán, do xe bị kẹt và thiếu nước nên Giả Ninh nỗ lực đi tìm cứu hộ nhưng do không chịu nổi sức nóng trên sa mạc nên anh bị say nắng. Sau đó, ba người ngồi trong xe đợi mãi không thấy tin tức của Giả Ninh nên phải xuống xe đi bộ và tai nạn liên tiếp xảy ra.
Hiện trường vụ tai nạn khiến 4 du khách thiệt mạng. Ảnh: China News Weekly
Cấm địa khắc nghiệt
Với những ai chưa biết thì Lop Nur vốn là một trong bốn cấm địa lớn, khắc nghiệt nhất ở Trung Quốc.
Lop Nur được mệnh danh là Biển Chết hay vùng đất cấm của sự sống, nằm ở phía đông của bồn địa Tarim ở Tân Cương và rìa phía đông của sa mạc Taklimakan, Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, vùng đất này được người Trung Quốc mô tả là "trên trời không chim, dưới đất không cỏ, trăm dặm không người, gió thổi đá bay".
Ông Hồ Hưng Quân, chuyên gia khảo cổ học, cho biết: "Khu vực sa mạc vào mùa hè thường rất nóng... Không có hoạt động nào diễn ra ở đó vào tháng 7 và tháng 8 cả. Vào thời điểm này, nhiệt độ trên nền sa mạc là trên 60 độ C, thậm chí gần 70 độ C, hoàn toàn không thể làm việc".
Không chỉ ban ngày nhiệt độ cao tới 70 độ C mà ngay cả ban đêm, nhiệt độ nóng nhất có thể lên tới trên dưới 40 độ C. "Nhiệt độ này không chỉ con người mà cả ô tô cũng không chịu nổi. Nếu vào Lop Nur vào tháng 7, ngay cả những chiếc xe tốt nhất cũng gặp vấn đề. Chẳng hạn động cơ có thể bị hỏng do nhiệt độ cao, hoặc có thể phát sinh những phản ứng dây chuyền khác".
Vì khu vực Lop Nur là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia dành cho lạc đà hoang dã nên Trung Quốc nghiêm cấm các phương tiện ra vào: "Giống như công việc nghiên cứu khảo cổ chuyên nghiệp của chúng tôi, chúng tôi cần phải trải qua nhiều bước phê duyệt trước khi vào...".
Ngay cả khi đã được phê duyệt thì các nhà khảo cổ cũng sẽ chọn đến sa mạc vào mùa thu, bởi vì thời tiết vào mùa thu sẽ không quá nóng và họ sẽ mang theo điện thoại cài định vị GPS, mang nhiều nước và các thiết bị cứu hộ chuyên nghiệp, v.v. ...
Đặc biệt, khi lái xe trên sa mạc, vấn đề phổ biến nhất là xe bị kẹt. Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết bằng xe tốt và kỹ năng lái xe tốt, điều quan trọng nhất khi lái xe trên sa mạc là kinh nghiệm.
Lương Ngọc Tường, một tay đua chuyên nghiệp, cho biết, lái xe trên sa mạc hoàn toàn khác với những con đường thông thường. Xe vào sa mạc nhất định phải xì hơi, nếu không sẽ không chạy được nhưng hầu hết mọi người không biết điểm này.
Anh nhớ lại, một lần bước xuống xe nhưng vì cát quá nóng nên đế giày của anh lập tức bị cát làm nóng chảy, điều này cho thấy sa mạc vào mùa hè đáng sợ như thế nào.