Từ Washington DC: Cuộc chiến "Slogan bom tấn" của các ứng cử viên Tổng thống

Hiệu Minh |

Ở Mỹ, bước vào Nhà Trắng thì phải nhớ thực hiện slogan khi tranh cử, bởi cử tri sẽ không quên. Khẩu hiệu không phải là thứ chỉ để nói suông.

Thế giới từng chứng kiến những slogan đem đến sức mạnh cho cả quốc gia. Đối với bầu cử tại Mỹ, slogan là một trong các yếu tố sống còn của mỗi ứng cử viên.

Những năm chiến tranh vệ quốc, khi Moscow bị đe dọa, những người lính Xô Viết đã có câu "Sau chúng ta là Moscow, không còn chỗ nào để rút". Và Moscow được bảo vệ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cụ Hồ có khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và đó là động lực cho cả một dân tộc. Cuối cùng Mỹ phải rút.

Trong trường phổ thông ở Mỹ có chuyện bầu lớp trưởng dù là lớp 1 hay lớp 12. Ứng viên phải có chương trình và slogan (khẩu hiệu) tranh cử với mục đích rõ ràng. Slogan phải đủ ý và đôi lúc buồn cười để gây sự chú ý.

Có cô bé đưa ra câu sau "Hãy bầu cho Katie. Ai có thể làm tốt hơn được? Có lẽ chỉ có Tổng thống Lincoln nhưng đây không phải là năm 1860." Một lời kêu gọi ủng hộ hết sức ấn tượng.

Vào năm 1840, ứng viên TT William Henry Harrison đưa ra slogan "Tippecanoe and Tyler Too - Tippecanoe và Tyler nhé".

Tippecanoe là chiến trường mà Harrison được phong là anh hùng, Tyler là tên của ứng viên phó tổng thống đứng liên danh, nhắc nhở ông từng nổi danh và đừng quên Tyler.

Bốn năm sau, James K. Polk dùng như một phép toán "54-40 or Fight. 54-40 hoặc phải chiến".

54-40 là tên vùng đất thuộc Oregon đang tranh chấp giữa thực dân Anh chiếm đóng và Mỹ. Ý của ứng viên là vùng này phải thuộc về Mỹ, nếu không phải chiến thôi.

Đó là những slogan đầu tiên trong tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Trải qua gần hai thế kỷ, có biết bao những khẩu hiệu trong mỗi lần tranh đua chiếc ghế trong Nhà Trắng.

Năm 1864, Abraham Lincoln với "Vote Yourself a Farm – hãy bầu cho đồng ruộng của mình" vì hồi đó đảng Cộng hòa đưa ra chính sách nông dân được chia đất ở miền tây nếu Lincoln được làm Tổng thống.

Năm 1896, ứng viên William McKinley dùng ba từ bắt đầu bằng chữ P "Patriotism, Protection, and Prosperity - Yêu nước, bảo vệ tổ quốc và sự phồn vinh" kêu gọi công dân hãy vì đất nước.

Năm 1976, Jimmy Carter có slogan "Not Just Peanuts - không chỉ biết trồng lạc" nhắc ông từng là nông dân rất giỏi trồng lạc mà còn biết nhiều việc khác trong Nhà Trắng.

Năm 1992, ứng viên trẻ Bill Clinton 47 tuổi đưa ra slogan "Don’t stop thinking about tomorrow -Đừng ngưng nghĩ về ngày mai" hay "Putting People First – Con người là số một" đưa ông vào Nhà Trắng.

Năm 2008, Obama có khẩu hiệu "The Change We Need – Chúng ta cần sự thay đổi" đánh động vào sự chán chường của cử tri với nhiệm kỳ Bush làm cho kinh tế thảm hại, sa lầy trong mấy cuộc chiến.

Sau 8 năm trong Nhà Trắng, Obama đã làm được nhiều. Ông thay đổi chính sách bảo hiểm y tế Obamacare giúp cho mấy chục triệu người nghèo có bảo hiểm y tế.

Ông rút quân khỏi Iraq như đã hứa vì sự thay đổi não trạng không muốn chiến tranh.

Suốt nhiệm kỳ của ông không có cuộc chiến nào mà Mỹ tham dự. Đó là mạnh hay yếu thì tuỳ thuộc vào người ta đang đứng ở đâu.

Hiện nay là cuộc đấu giữa hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton ở tuổi "thất thập cổ lai hy – xưa nay hiếm" nhưng slogan không kém phần mạnh mẽ và trẻ trung.

Trên poster hay cái mic trên bục cùa Hillary Clinton thường có slogan rất ngắn "Stronger together – Cùng mạnh mẽ lên" hay "I am with her - Tôi đồng ý với bà ấy" ý nói nên lựa chọn một phụ nữ làm tổng thống.

Trong khi ảnh Trump lại thêm dòng chữ "Make America great again - Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại", ám chỉ nước Mỹ đang đi xuống, cần phải làm gì đó để thay đổi.

Trong tất cả các cuộc tranh luận hai ứng viên này đều tập trung vào slogan đó. Nếu được chọn làm tổng thống sẽ làm gì để ý tưởng đi vào hiện thực.

"Make America great again" của Trump là bắt Mexico xây bức tường dọc theo biên giới và phải tự chi trả, giúp Hàn Quốc và Nhật sản xuất vũ khí hạt nhân, đuổi hết dân nhập cư bất hợp pháp, lấy lại việc làm từ tay các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam.

"Stronger together" của Clinton rất nữ tính nhưng không hề kém mạnh mẽ. Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn có lẽ hợp lý cho slogan này. Phụ nữ dựa vào nhau làm nên nửa thế giới chống lại cường quyền. Và người Mỹ chung sức thì khó ai có thể thắng.

Từ Washington DC: Cuộc chiến Slogan bom tấn của các ứng cử viên Tổng thống - Ảnh 1.

Con trai tác giả (áo số 40) trong trận bóng bầu dục. Ảnh: Hiệu Minh

Chiều qua, bớt jet lag (trái giờ), thấy cậu con trai lớn khoe có trận bóng bầu dục "American Football" của trường trung học Washington Lee mà cậu tham gia thi đấu với trường Yorktown, tôi mò đi xem.

Nếu không hiểu môn bóng này chỉ thấy các cầu thủ ăn mặc như ra chiến trận, mũ áo như phi công, lao đầu húc vào nhau, một trò chơi cần sức khỏe và bạo lực.

Tuy nhiên, xem lâu cũng mê như môn bóng đá truyền thống. Các pha bóng tấn công được thiết kế theo từng tình huống, cả đội hội ý chớp nhoáng bàn xem lần này dùng chiến thuật nào, ai nhận bóng, ai chạy giả vờ, và ai vọt lên phía trước.

Đây là môn bóng đòi hỏi làm việc nhóm ngoài sức khỏe và sự thông minh nhanh nhẹn. Trước và sau trận đấu đều có màn hô khẩu hiệu rất mạnh mẽ. Làm việc nhóm làm nên sức mạnh Mỹ.

Cũng như bóng bầu dục, trong tranh cử, ứng viên tổng thống phải biết tập trung quanh mình những lực lượng nòng cốt và làm việc nhóm hết sức nhịp nhàng mới mong lôi kéo cử tri ủng hộ.

Không hiểu bầu cử Mỹ sẽ giống như bóng đá Mỹ, chỉ thấy rối loạn và bạo lực. Nhưng khi hiểu kỹ rồi sẽ thấy họ có tổ chức và bài bản.

Từ Washington DC: Cuộc chiến Slogan bom tấn của các ứng cử viên Tổng thống - Ảnh 2.

Hai ứng viên 70 tuổi nhưng di chuyển 24/7, đi từ cuộc vận động bang này sang bang khác, suốt mấy năm liền. Chỉ có sức khỏe tốt, thần kinh thép và trí tuệ hơn người mới có thể đứng vững.

Ai vượt qua được sát hạch sẽ được cả quốc gia tôn trọng. Họ nhớ người thắng trận và người thua sẽ bị quên lãng.

Ở Mỹ, bước vào Nhà Trắng thì phải nhớ thực hiện slogan đó, bởi cử tri sẽ không quên. Khẩu hiệu không phải là thứ để nói hay, treo rợp trời trên phố, để rồi chẳng ai đọc, không ai nhớ.

Người Mỹ vốn thực tế. Họ có câu "Đừng nghe những gì người ta nói, hãy nhìn người ta làm".

Hay như châm ngôn của xứ Việt, kiểu người "Nói như rồng leo, làm như mèo mửa" không có chỗ ngồi ở chốn quan trường nói chi đến tầm lãnh đạo quốc gia.

HM. 6-11-2016

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại