Từ Washington DC: Nước Mỹ vài tiếng trước giờ G, Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho mất mát?

Hiệu Minh (Từ Washington DC) |

Kể từ năm 1934, trong 21 lần bầu cử giữa kỳ chỉ có hai lần đảng của Tổng thống Mỹ cầm quyền giành thêm ghế trong cả hai viện.

Từ Washington DC: Nước Mỹ vài tiếng trước giờ G, Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho mất mát? - Ảnh 1.

Ngày 5/11, một ngày trước bầu cử, vùng Washington DC mưa lạnh, trời mù mịt, nhưng cuộc sống vẫn như bao ngày khác ở đất nước này. Mọi dịch vụ vẫn bình thường, không thấy cờ phướn phấp phới, dù poster trên phố ủng hộ ứng viên có nhiều hơn.

Cả Tổng thống Trump lẫn cựu Tổng thống Obama có những giờ cuối cùng để kêu gọi dân chúng đi bỏ phiếu và khi màn đêm buông xuống chẳng còn cử tri nào băn khoăn ngày mai ủng hộ bên nào trong số 35 ghế Thượng viện và 435 ghế Hạ viện sẽ được bầu lại.

Hiện đảng Cộng hòa đang chiếm quyền kiểm soát cả ba nơi: Thượng viện, Hạ viện và Nhà Trắng. Cử tri thấy một đảng có quá nhiều quyền và bị lạm dụng thì họ sẽ thay đổi cán cân bằng lá phiếu phổ thông. Đó là cách nhân dân cân bằng quyền lực, đưa nước Mỹ thành siêu cường.

Sau hai năm ngồi ghế trong Nhà Trắng, giờ là lúc dân chúng đánh giá vai trò của đảng lãnh đạo và Tổng thống thể hiện qua lá phiếu bầu cử.

Từ Washington DC: Nước Mỹ vài tiếng trước giờ G, Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho mất mát? - Ảnh 2.

Nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ 2018. Ảnh: Hiệu Minh

Trong lịch sử nước Mỹ, bầu cử giữa kỳ không được vui cho tổng thống của đảng đang nắm quyền. Trung bình mỗi lần bầu giữa kỳ , đảng có tổng thống ngồi trong Nhà Trắng mất 30 ghế ở Hạ viện và Thượng viện.

Đối với Tổng thống Trump sau hai năm ngồi ghế quyền lực, cuộc bầu cử này được coi là thước đo đánh giá "tín nhiệm cao thấp" như ông vừa thừa nhận.

Chỉ có vài ngoại lệ, còn hầu hết các kỳ bầu cử giữa kỳ kết thúc không hay cho tổng thống đương nhiệm và đảng của ông nếu hai năm trước đó tổng thống thắng tuyệt đối hoặc do các đại cử tri thắng "ăn theo – coattail effect" do tổng thống thắng lớn.

Tưởng "ăn theo" là hay nhưng giữa kỳ là lúc cử tri bỗng nhận ra ngày xưa mình đã lầm. Trong kỳ bầu cử 2016 có tới hơn 50 triệu cử tri ngồi nhà đợi kết quả, không ít số đó nhận ra sai lầm thì quá muộn.

Nếu cách hành xử của đảng Cộng hòa và tổng thống đương nhiệm làm cử tri không hài lòng, họ sẽ đi bỏ phiếu phế truất. Càng đông người giận dữ thì càng làm cho cán cân nghiêng về phía yếu thế lần trước, năm nay là đảng Dân chủ.

Trên CNN vừa có quảng cáo của tỷ phú Bloomberg. Ông nói từng không đứng về Cộng hòa hay Dân chủ, mà ủng hộ nước Mỹ đoàn kết. Nhưng vào phút chót trước bầu cử đúng một ngày thì ông nói, Washington chả làm được gì mà chỉ chia rẽ nước Mỹ, vì thế ông kêu gọi hãy ủng hộ cho đảng Dân chủ.

Từ Washington DC: Nước Mỹ vài tiếng trước giờ G, Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho mất mát? - Ảnh 4.

Kể từ năm 1934, trong 21 lần bầu cử giữa kỳ chỉ có hai lần đảng của tổng thống cầm quyền thêm ghế trong cả hai viện. Đó là thời của Franklin Delano Roosevelt và George W. Bush. Ba lần khác thêm ghế Hạ viện và một lần gỡ hòa.

Còn lại thường là thảm họa cho tổng thống và đảng đương quyền. Năm 2010, sau chiến thắng vang dội của Tổng thống Obama thì 2 năm sau đó đảng Dân chủ mất 69 ghế trong đó 63 ghế Hạ viện và 6 ghế Thượng viện, biến Tổng thống Obama thành "vịt què" vì nhiều chính sách của ông đều bị đảng Cộng hòa phủ quyết.

Từ Washington DC: Nước Mỹ vài tiếng trước giờ G, Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho mất mát? - Ảnh 5.

Tổng thống Obama thành "vịt què" sau khi đảng Dân chủ để mất 69 ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010. Ảnh: AP

Thời của G. W. Bush, Cộng hòa mất 36 ghế, 30 ghế Hạ viện và 6 ghế Thượng viện, trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006 vì cử tri căm thù sao Mỹ lại dính vào chiến tranh Iraq dù giữa kỳ năm 2002 ông được thêm ghế do xử lý tuyệt vời vụ khủng bố 11-9.

Năm 1994, đảng Dân chủ mất 60 ghế ở hai viện trong lúc Bill Clinton đang ngồi trong Nhà Trắng. Đây được coi là cuộc cách mạng lật đổ tổng thống của đảng Cộng hòa.

Vào năm 1974 trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc 1 năm, thêm vụ Watergate của Tổng thống Nixon làm ông này phải từ chức, Gerald Ford lên thay cũng quá muộn. Cử tri đã "phế truất uy tín" tổng thống bằng cách lấy 63 lá phiếu ở hai viện của Cộng hòa "gửi tặng" cho Dân chủ.

Từ Washington DC: Nước Mỹ vài tiếng trước giờ G, Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho mất mát? - Ảnh 6.

Theo cách suy luận thông thường, vào ngày mai đảng Cộng hòa của ông Trump đang có nguy cơ thất bại, và nhiều thăm dò cũng nghiêng về kết quả này.

Hiện nay đã có hơn 31 triệu cử tri đi bầu sớm, một kỷ lục chưa từng có ở nước Mỹ. Con số này năm 2014 chỉ là 22 triệu (theo CNN). Cuộc bầu cử giữa kỳ năm đó cũng chỉ có 83 triệu phiếu trong cả nước, rất thấp vì chỉ đạt 36 % so với chuẩn chung giữa kỳ.

Chưa ai đoán kỳ này liệu có đạt được lượng cử tri như năm 2016 (137,5 triệu – tương đương với 60%) hay không. Tuy nhiên, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều nói, trên 50% cử tri của họ sẽ đi bầu cho đảng của mình, một kỷ lục chưa từng thấy từ những năm 1960 do chiến tranh Lạnh, chiến tranh Việt Nam, vấn đề da màu và dân chủ đang tự điều chỉnh.

Cho đến thời điểm này, Tổng thống Trump chỉ còn nói, đảng Cộng hòa sẽ tuyệt vời ở Thượng viện, còn Hạ viện thì đông quá, khó nói. Đây là chỉ dấu cho biết, giữ được ghế ở Thượng viện đã là may cho ông chủ Nhà Trắng.

Nhà kinh tế Jeffrey Sachs nổi tiếng từng đùa, nước Mỹ có hai chú Lừa và Voi chuyên đá nhau. Anh Lừa (Dân chủ) có mỗi một từ "Stimulus – Kích cầu" và anh Voi (Cộng hòa) có một từ "Cut – Cắt", cắt chi tiêu và giảm thuế. Cứ thế trong Quốc hội tha hồ cãi nhau, bỏ phiếu, chế giễu lẫn nhau, bầu cử giữa kỳ cũng vậy.

Từ Washington DC: Nước Mỹ vài tiếng trước giờ G, Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho mất mát? - Ảnh 7.

Nhưng lần này thì họ thêm từ Healthcare – Y tế và Immigration – Nhập cư. Healthcare của Dân chủ là đòn tấn công vào Tổng thống Trump vì đã đòi bỏ Obamacare làm hàng chục triệu người có nguy cơ không được bảo hiểm. Đảng Cộng hòa dùng thông điệp dọa dẫm, nước Mỹ đang bị nhập cư tấn công thay vì nói về kinh tế mà chính quyền ông cũng có nhiều thành tựu.

Cho dù thế nào thì Cut, Stimulus, Healthcare, Immigration đã ở trong đầu của mỗi cử tri. Vào giờ này thì mọi lời kêu gọi không còn thay đổi được nhiều.

Các cố vấn trong Nhà Trắng đang khuyên Tổng thống Trump chuẩn bị cho việc "lost House – mất Hạ viện". Thăm dò CNN vừa cho hay, cứ 7 trong 10 cử tri được hỏi thì họ nói sẽ gửi cho Tổng thống Trump một thông điệp.

Có giời mới biết thông điệp cử tri gửi là tốt hay xấu cho ông chủ Nhà Trắng. Đợi 24 giờ tới mới biết. Bây giờ ngoài đường vẫn mưa, trời tốt mịt, dân chúng đang vội về nhà, poster bị gió mưa đổ nghiêng ngả, chắc không còn ai để ý.

Đúng lúc ấy, hai ông con đi học về và thông báo, ngày mai được nghỉ học, vui ơi là vui.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại