Từ Washington DC: Không cờ hoa, không khẩu hiệu, người Mỹ chán ứng cử viên già

Hiệu Minh |

Trước bầu cử 4 ngày, tiểu bang Virginia hầu như vẫn không thấy có không khí gì của một sự kiện trọng đại.

Sau chuyến bay nửa vòng trái đất lại bị trái giờ tới 12 tiếng, ngày ngủ đêm thức, sợ tiếp tục như thế sẽ mệt, tôi đi dạo quanh đường Lee Highway và xem dân Mỹ hân hoan vụ bầu cử thế nào.

Không có khẩu hiệu, không cờ phướn, thỉnh thoảng có biển ủng hộ một ứng viên nào đó. Tiểu bang Virginia vẫn như bao ngày khác.

Từ Washington DC: Không cờ hoa, không khẩu hiệu, người Mỹ chán ứng cử viên già - Ảnh 1.

Đi quanh các khu phố ở tiểu bang Virginia, thấy rất ít poster của các ứng cử viên... (Ảnh: Hiệu Minh)

So với năm 2008 và 2012 dường như tính sôi động đã giảm đi nhiều. Thời đó khẩu hiệu của Barack Obama "The change we need - Chúng ta phải thay đổi" đã đánh động đến giới trẻ.

Hình ảnh thượng nghị sĩ Obama da màu từ Chicago mới 47 tuổi, tay nhoay nhoáy Blackberry nhắn tin, nói năng lưu loát, đi vào nhiều vấn đề thiết thực của cuộc sống như việc làm, chống suy thoái kinh tế, thay đổi bảo hiểm y tế để giúp người nghèo, hứa sẽ kết thúc chiến tranh hao người tốn của ở Iraq, đã lôi nhiều người ra hòm phiếu.

Trẻ trung năng động, Obama đứng bên cạnh Thượng nghị sĩ John McCain khi đó đã 72 tuổi già nua chậm chạp, dù có "chiến tích" ngồi tù ở Hilton Hà Nội 6 năm do máy bay của ông bị bắn cháy trong Chiến tranh Việt Nam, cử tri trẻ vẫn mê người thạo công nghệ của thế kỷ 21.

Năm 1993, Bill Clinton vào Nhà Trắng lúc 47 tuổi, sau đó là George W. Bush (Bush con) 55 tuổi, và Obama 47 tuổi lên làm Tổng thống, người Mỹ đã quen hình ảnh ứng viên trẻ trên tivi đối đáp suốt hơn 20 năm qua.

Kinh tế thời Bush suy thoái tới đáy, rời khỏi Nhà Trắng, sa lầy vào mấy cuộc chiến, di sản là cuộc chiến Iraq không thể thắng, 15% dân số trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, thị trường chứng khoán luôn chao đảo, việc lựa chọn sự thay đổi của Obama là tất nhiên.

Tám năm tại vị, Obama đã giúp giảm được thất nghiệp từ 15% xuống 5%, một kỳ tích. Kinh tế đã qua thời suy thoái. Nhưng về đối ngoại chẳng có cuộc chiến nào như thời Bush con.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc và lấn lướt của Nga, Hoa Kỳ dường như yếu đuối dưới thời Obama, không thể chấp nhận với người Mỹ. Và sự thay đổi bắt buộc phải có để nước Mỹ mạnh hơn.

Khi cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ 2016-2020 bắt đầu, cử tri Mỹ chán ngán với dàn ứng cử viên lứa tuổi dao động từ 45 đến 70, nói năng lúng búng, không có kinh nghiệm như thế hệ Mit Romney hay John McCain.

Nổi lên là tỷ phú Donald Trump ăn nói bặm trợn, biết dùng truyền thông cho việc PR bản thân, đòi Mexico bỏ tiền xây tường chống người buôn lậu vào Mỹ, khen Putin, thích Trung Quốc vì người giàu xứ này mua bất động sản của ông.

Ông từng ủng hộ tiền bạc cho McCain và Romney nhưng hai "cụ" này chẳng làm nên trò trống gì nên Trump tức, tự ứng cử và "thế nào cũng thắng."

Tuy vậy, Trump đã 70 tuổi, thuộc thế hệ già, dù khẩu hiệu "Make America great again - Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại", nhưng không có một chương trình cụ thể nào.

Đảng Dân chủ không hơn gì nhưng vì có Hillary Clinton, một chính trị gia lão luyện, từng đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sĩ New York, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Tuy thế, hai ứng viên tuổi trên dưới 70 là hai "cụ" Sanders và Clinton không làm cho dàn ứng viên của đảng này sáng giá hơn.

Cuối cùng còn lại hai người, Hillary Clinton 68 tuổi, Donald Trump 70 tuổi, tự nhiên làm cho nước Mỹ dường như đã yếu, nay lại càng yếu thêm. Cử tri thở dài, chưa bao giờ bầu cử Tổng thống chán như lần này.

Chưa kể các màn công kích cá nhân trực tiếp trên truyền hình, lôi toàn cái xấu của nhau ra bôi bác, thế giới truyền thông bắt đầu đặt câu hỏi về dân chủ Mỹ.

Dẫu vậy những câu hỏi trong tranh luận luôn là tương lai nước Mỹ đi về đâu, ở thế kỷ và thậm chí ở thế kỷ sau. Người Mỹ vốn thực tế, không viển vông với các lý tưởng xa vời.

Hôm qua lang thang trong khu vực, đi bộ hơn một tiếng, cố tìm xem các poster (bảng hiệu ủng hộ ứng viên) thuộc phe Trump hay Clinton có số lượng như nhau không. Suốt mấy dãy phố không thấy một poster có Trump và Pence, lác đác vài cái ủng hộ Clinton.

So với thời Obama năm 2008, các poster tràn ngập khắp phố, người thích Obama-Biden, hàng xóm mê McCain và Palin. Nhiệt độ bầu cử dường như thấp hẳn.

Từ Washington DC: Không cờ hoa, không khẩu hiệu, người Mỹ chán ứng cử viên già - Ảnh 2.

... hay thậm chí là không có poster nào. (Ảnh: Hiệu Minh)

Gặp một bà đã luống tuổi dắt hai con chó đi dạo, tôi chào làm quen và bà rất niềm nở. Thấy tôi đeo máy ảnh, bà hỏi chụp gì, tôi bảo, thích lá vàng mùa thu nên chụp gửi cho bạn ở châu Á.

Bà vui lắm, khoe khu nhà bà ở sạch sẽ, an ninh tốt, mọi năm đẹp vì lá vàng, không hiểu sao năm nay khí hậu thất thường, không vàng rực như mỗi độ thu về. Bà còn chỉ cho tôi mấy cây phong đỏ khuất nẻo.

Từ hoa lá, chó mèo, tôi hỏi bà, sao ở khu này không có poster bầu cử. Bà bảo, trong một số khu nhà cấm không được cắm poster vì cộng đồng. Có nơi thì thoải mái. Nếu là nhà riêng tha hồ trưng ảnh các ứng viên.

Nhân tiện tôi hỏi bà về Trump và Clinton, bà buồn hẳn, chưa bao giờ nước Mỹ như thế này, hai người già tranh cử. Và bà bảo, bà không bầu ai cả. Và sợ rằng số người đi bầu sẽ rất ít.

Nhưng bà nói thêm, những người không nói gì, không poster trước cửa mới là nguy hiểm. Họ sẽ lên tiếng lúc cần thiết. Anh đi tìm thống kê về số poster chưa chắc đã đúng.

Nghĩ bụng xin phép chụp ảnh bà và hai con chó, nhưng trông bà cũng khó nên đành thôi.

Trên đường về, tôi ngẫm nghĩ mãi về nền dân chủ Mỹ và cách thức họ bầu lãnh đạo của mình.

Ai muốn thành chính trị gia chuyên nghiệp phải học hành tử tế, giữ mình cho trong sạch, không vi phạm pháp luật.

Từ Washington DC: Không cờ hoa, không khẩu hiệu, người Mỹ chán ứng cử viên già - Ảnh 3.

Tham gia vào chính trường sẽ bị báo chí quyền lực thứ tư lôi ra mọi ưu nhược điểm. Ngày này, tháng này, anh chị nói thế này, làm thế kia đều bị soi tới từng sợi tóc.

Trump né thuế, sàm sỡ phụ nữ, Clinton dùng email bất cẩn đều bị lôi ra mổ xẻ một cách công bằng và gọi thẳng tên. Nếu vượt qua sát hạch của dân chúng và được bầu thì xứng đáng làm chủ Nhà Trắng.

Tuyên ngôn độc lập do Jefferson đã viết "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…", mấy trăm năm sau luôn thực hiện ngoài đời.

Một người sinh ra tại nước Mỹ, tuổi 35 trở lên và không giới hạn tuổi già, nếu thu thập đủ 100.000 chữ ký và nộp 5.000 USD là có thể tranh cử Tổng thống. Vì thế không thể nói Trump hay Clinton quá tuổi mà thời thế xứ cờ hoa đã chọn họ.

Vui hay không, vào tối 8-11 tại Hoa Kỳ, 320 triệu dân Mỹ sẽ biết tỷ phú hay phụ nữ làm tổng thống. Có một điều chắc chắn họ có một vị lãnh đạo ở tuổi thất thập, sinh ở thế kỷ 20, nhưng tư duy của thế kỷ 21 và biết tư duy thế kỷ 22 cho quốc gia.

Nhất định ở Mỹ không có chuyện, dân chúng nói với chính quyền bằng công nghệ thế kỷ 21, chính quyền nghe bằng công nghệ thế kỷ 20 và trả lời họ bằng tư tưởng thế kỷ 19.

HM. 5-11-2016

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại