Từ Washington DC: Ai có thể khống chế quyền lực của Tổng thống Mỹ?

Hiệu Minh |

Sau 3 tuần, nhát kiếm đầu tiên của thần Công lý đã giáng xuống Nhà Trắng.

Khi nói chuyện với một đồng nghiệp cũ làm việc ở World Bank về tình hình của nước Mỹ, nhất là những gì đang xảy ra trong Nhà Trắng, cách tòa nhà World Bank đúng một phố, anh bảo tôi, Mỹ có hệ thống tam quyền phân lập, và báo chí là quyền lực thứ tư, nên Tổng thống không thể làm mưa làm gió.

Cho dù ngả nghiêng, nhưng hệ thống kiểm chứng và cân bằng (check and balance) sẽ giúp các bên tự điều chỉnh.

Có luật pháp, có dư luận, người ta chỉ đợi Tổng thống sai sót để ra đòn khống chế. Quả thật, sau 3 tuần, nhát kiếm đầu tiên của thần Công lý đã giáng xuống Nhà Trắng.

Như tin vừa cho hay, Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ ở San Francisco chiều 9-2 (giờ Mỹ) ra phán quyết với tỷ số 3:0 (cả ba thẩm phán liên bang đều đồng ý) tiếp tục đình chỉ lệnh cấm di trú của Tổng thống Donald Trump.

Từ Washington DC: Ai có thể khống chế quyền lực của Tổng thống Mỹ? - Ảnh 1.

Tòa phúc thẩm khu vực Tư pháp số 9, nơi vừa ra quyết định tiếp tục đình chỉ sắc lệnh cấm di trú của Trump. Ảnh: AP

Từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump ký hàng loạt sắc lệnh gây tranh cãi, bỏ Obamacare mà không có giải pháp mới, xây tường biên giới Mexico 15 tỷ đôla chưa biết kiếm ở đâu ra…

Sắc lệnh cấm di trú gây tranh cãi nhất vì cấm người tị nạn Syria, tạm thời ngưng nhận người tị nạn, và cấm có thời hạn công dân nhập cảnh Hoa Kỳ đến từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Trong vài giờ sau khi lệnh này được đưa ra, hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng, bỏ chuyến bay, bị ách lại biên giới. Khắp thế giới hoang mang về giá trị Mỹ.

Tuy nhiên, sắc lệnh của Trump đã bị một thẩm phán liên bang bác bỏ vì cho rằng vi hiến do phân biệt đối xử. Phán quyết này có tác dụng cho toàn quốc.

Thế là người có visa tiếp tục đổ vào Mỹ dù họ từ 7 nước có lệnh cấm nhập cư. Phía Nhà Trắng mà đại diện là bộ Tư Pháp đang kiện ngược với ý kiến cho rằng, sắc lệnh của Tổng thống là hợp hiến vì lý do an ninh quốc gia.

Tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm đã đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống Trump. Cuộc chiến sẽ lên tới tòa Thượng thẩm. Tới đây sẽ còn nhiều diễn biến thú vị về sắc lệnh này.

Từ thời lập nước, Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ đã nói rõ, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Bình đẳng ở đây là cơ hội, được mưu cầu hạnh phúc và bình đẳng trước pháp luật.

Dựa trên nguyên tắc đó, chính quyền liên bang Mỹ được thiết lập theo mô hình tam quyền phân lập. Quốc hội nắm quyền lập pháp. Tổng thống nắm quyền hành pháp còn tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới nắm quyền tư pháp.

Ba nhánh quyền lực này khống chế lẫn nhau và không cho phép ai có quyền tối thượng, ngồi trên pháp luật, kể cả tổng thống hay chủ tịch quốc hội.

Lập pháp là biểu hiện ý chí chung của quốc gia. Nó thuộc về toàn thể nhân dân, được trao cho hội nghị đại biểu nhân dân, đó chính là quốc hội.

Hành pháp thuộc về chính phủ chịu trách nhiệm điều hành đất nước dựa trên luật pháp đã được thiết lập do quốc hội thông qua.

Tư pháp là tòa án nhằm trừng trị tội phạm và giải quyết sự xung đột giữa các cá nhân, các tổ chức. Các thẩm phán được lựa chọn từ dân và xử án chỉ tuân theo pháp luật mà không bị bất kỳ thế lực nào thao túng.

Những người lập nước Hoa Kỳ cũng nghĩ đến chuyện ba nhánh quyền lực kia thông đồng với nhau để thao túng quốc gia nên đã để báo chí tự do và đây được gọi là quyền lực thứ tư thuộc về nhân dân.

Trong những ngày đầu cầm quyền trong Nhà Trắng, Tổng thống Trump ra nhiều sắc lệnh, họp báo phát biểu vượt quá chừng mực so với vị trí một người có quyền lực nhất thế giới.

Từ Washington DC: Ai có thể khống chế quyền lực của Tổng thống Mỹ? - Ảnh 2.

Báo giới không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào, kể từ việc ông Trump chế giễu lệnh tòa án như học sinh trung học, gọi thẩm phán là "cái người mang danh thẩm phán", coi thường NATO, có dịp là chê báo chí cho dù chẳng có chứng cứ nào… Truyền thông đã làm đúng vai trò chỉ ra những sai sót của chính phủ.

Nhưng tới lệnh cấm di trú thì báo chí và biểu tình chưa đủ. Giới luật lên tiếng và tòa án phải vào cuộc. Mọi đúng sai phải dựa trên Hiến pháp do Quốc hội thông qua. Tiếng nói tại tòa khác với tiếng hò reo trên đường phố.

Cuộc chiến pháp lý sẽ còn dài nhưng tới thời điểm này thì Tổng thống - tỷ phú Trump có thể đã hiểu ra một điều, lãnh đạo một công ty khác với lãnh đạo quốc gia. Làm ở công ty thì Giám đốc có quyền quyết mọi việc vì ông ta có tiền. Nhưng tầm quốc gia, ông ta dùng tiền thuế của dân thì phải thực hiện theo hiến định.

Hy vọng, sau vụ lệnh cấm di trú này, Tổng thống Trump sẽ hiểu thế nào là Tam quyền phân lập như đồng nghiệp World Bank nói với tôi. To chức nhất thế giới cũng bị quyền lực khác khống chế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại