Từ vụ tiệm vàng bị khám xét, thu giữ tài sản: Khi nào công an được quyền khám xét nhà dân?

PV |

Khi khám xét xong và lập biên bản thì người dân đọc kỹ biên bản, không hài lòng về điều gì cũng yêu cầu ghi vào biên bản và giữ một bản.

Vào lúc 11h15 ngày 30/1/2018 vừa qua, lực lượng phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang ông Lê Hồng Lực, giám đốc Công ty TNHH MTV Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (nằm trên đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), đang thu mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê (ngụ quận Ninh Kiều) với giá 2.260.000 đồng. 

Lúc này, ông Lực không xuất trình được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Từ vụ tiệm vàng bị khám xét, thu giữ tài sản: Khi nào công an được quyền khám xét nhà dân? - Ảnh 1.

Chiếc tủ nơi ông Lực nói rằng đã cất 20 viên kim cương bị sung công. Ảnh: PL.TPHCM

Khi có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm, công an TP trình chủ tịch UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với anh Rê là 90 triệu đồng, chủ cơ sở nhận đổi 100 USD bị phạt 180 triệu đồng. 

Doanh nghiệp này còn bị phạt thêm một số vi phạm khác trong kinh doanh, sản xuất với tổng số tiền 295 triệu đồng.

Cơ quan chức năng còn tịch thu của tiệm vàng 20 viên kim cương, gần 19.910 viên đá tổng trị giá hơn 548 triệu đồng.

Vụ việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận và nhiều người đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan đến khám xét nhà, tịch thu tài sản được quy định như thế nào.

Ai được ra lệnh khám xét nhà và khám xét khi nào?

Trả lời về vấn đề này trên báo VnExpress, Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cho biết:

Theo khoản 1 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được quy định như sau:

"Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án... 

Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã".

Như vậy, khi có đủ các căn cứ theo quy định vừa trích dẫn ở trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói chung và cơ quan công an nói riêng được phép khám xét chỗ ở của công dân.

Việc khám xét phải tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:

Về thẩm quyền ra lệnh khám xét

Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật tố tụng hình sự, những người sau đây có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp:

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

- Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Trong trường hợp không thể trì hoãn, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng có quyền ra lệnh khám xét. 

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Trình tự, thủ tục khám xét

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 143 của Bộ luật tố tụng hình sự, việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được tiến hành theo quy định tại các Điều 140, 141 và 142. 

Theo đó, khi bắt đầu khám chỗ ở, người khám xét phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó; giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ. Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám.

- Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.

- Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

- Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.

"Việc thực thi công vụ cần phải cẩn trọng hết sức"

Liên quan đến những quy định của pháp luật về việc khám xét nhà dân, ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM) cho biết trên báo Tuổi trẻ:

Về nguyên tắc, tài sản của dân được pháp luật công nhận và bảo vệ nên không thể bỗng dưng mà sung công tài sản thu giữ chỉ vì nó không chứng minh được nguồn gốc. 

Hiện nay, trong rất nhiều gia đình, người dân luôn giữ vàng như một thứ tài sản và đương nhiên không phải món nào cũng có hóa đơn mua bán của tiệm vàng, nhất là vàng lá được truyền từ đời trước đến đời sau. 

Nếu chỉ vì không truy xuất được nguồn gốc mà thu thì chắc 80% tài sản là vàng trong dân cũng bị thu.

Pháp luật luôn bảo vệ quyền tài sản của người dân, nếu đó không phải là tài sản do phạm pháp mà có thì không thể thu giữ hay sung công quỹ.

Trước đây TP.HCM cũng đã có vụ khám xét thu giữ tài sản của tiệm vàng sau đó phải trả lại. Bởi vậy, việc thực thi công vụ cần phải cẩn trọng hết sức trước khi mang một cái lệnh để khám xét hay thu giữ tài sản.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại