Từ vụ tàu TQ chặn tàu Mỹ: Chuyên gia nhận định về nguy cơ "chiến tranh nóng" Trung-Mỹ ở Biển Đông

Hồng Anh |

Theo chuyên gia Collin Koh, cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa sẵn sàng đối đầu quân sự trực diện. Tuy nhiên ta không thể loại trừ nguy cơ ấy, nhất là trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

* Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia Collin Koh, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Hàng hải tại trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore.

---

Nguy cơ Trung-Mỹ đối đầu quân sự trên Biển Đông

Chiến dịch tự do hàng hải gần đây của tàu khu trục USS Decatur và cuộc chạm trán "nguy hiểm" với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông - khi hai tàu tiếp cận ở khoảng cách 41m - đã khiến căng thẳng giữa hai nước tiếp tục bị đẩy lên mức cao trào mới.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vốn đã ở trong tình trạng rất tồi tệ, khi hai bên liên tục tung ra những đòn đau nhằm vào đối phương.

Động thái gần đây nhất của Mỹ là lệnh trừng phạt nhằm vào một đơn vị của quân đội Trung Quốc (do đơn vị này mua vũ khí từ Nga), cũng như tuyên bố về thương vụ bán vũ khí 330 triệu USD giữa Mỹ và Đài Loan.

Phía Bắc Kinh cũng không chịu kém cạnh khi lập tức tung những đòn "trả miếng" như từ chối cho tàu Mỹ cập cảng Hồng Kông, hay việc hủy các cuộc đàm phán an ninh cấp cao giữa hai nước.

Những động thái "ăn miếng, trả miếng" trên đã khiến mối quan hệ hiện nay của hai nước Trung-Mỹ thêm phần chua chát.

Tuy nhiên cuộc chiến thương mại chỉ là một phần lí do; bởi trước đó hai 'ông lớn' này đã nhiều lần xung đột với nhau vì một số vấn đề chính trị-quân sự, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Ví dụ, năm nay, Mỹ đã đáp trả động thái quân sự hóa và bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông bằng cách loại trừ Bắc Kinh khỏi cuộc diễn tập quân sự RIMPAC, được tổ chức ngoài khơi đảo Hawaii.

(ND: Nhằm đáp trả quyết định trên của Mỹ, Trung Quốc đã điều tàu do thám đến neo đậu ở gần khu vực đảo này trong thời gian tiến hành diễn tập.)

Do đó, động thái chặn đầu tàu Mỹ được cho là "cực nguy hiểm" vừa qua của Trung Quốc có thể được hiểu là hành động trả đũa nhằm thể hiện thái độ không bằng lòng của họ. Nhưng cũng có thể hiểu đó là động thái đe dọa nhằm ngăn căng thẳng giữa hai bên bị đẩy đến mức đỉnh điểm và dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực diện.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa sẵn sàng cho một cuộc "chiến tranh nóng" như vậy. Chỉ cần tưởng tượng thôi, cũng có thể thấy hậu quả tiềm tàng của cuộc chiến ấy, về cả chính trị và kinh tế, là quá lớn với cả hai nước.

Từ vụ tàu TQ chặn tàu Mỹ: Chuyên gia nhận định về nguy cơ chiến tranh nóng Trung-Mỹ ở Biển Đông - Ảnh 2.

Một đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters.

Toan tính của Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông

Về phần mình, Mỹ luôn bày tỏ thái độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông - khu vực được coi là vùng biển quốc tế, và rộng hơn nữa, đây là nơi Mỹ thể hiện uy tín siêu cường thế giới của mình khi đảm bảo an ninh trong khu vực.

Trái lại, Trung Quốc không hề giấu giếm tham vọng của mình và thường xuyên có các động thái gây hấn về quân sự trên Biển Đông. Bắc Kinh đã nhiều lần thách thức các máy bay quân sự nước ngoài gần khu vực đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc, và gần đây nhất là cuộc chạm trán ngoài khơi với tàu USS Decatur.

Do đó, nhiều khả năng Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tiến hành những hoạt động hiện nay trên Biển Đông. Phía Mỹ sẽ tiếp tục triển khai những chiến dịch hiện diện và phô diễn sức mạnh quân sự, bao gồm các cuộc diễn tập tàu chiến và chiến đấu cơ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong khi đó, phía Bắc Kinh được dự đoán sẽ tiếp tục ngang nhiên quân sự hóa và bồi đắp trái phép trên biển Đông, bất chấp sự phản đối của Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chính vì lí do này, các quốc gia đồng minh của Mỹ như Australia, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh đã bắt đầu tăng cường hiện diện và thực hiện nhiệm vụ tuần tra hàng hải trên Biển Đông.

Như vậy, liệu kịch bản đối đầu quân sự giữa Trung - Mỹ có xảy ra hay không? Trong thời điểm hiện tại, thì chủ yếu hai bên vẫn chỉ đang 'đấu trí' với nhau. 

Không ai trong số các bên liên quan (gồm Trung Quốc, Mỹ và ASEAN) muốn trở thành người đầu tiên khai hỏa, để rồi mang tiếng là "kẻ gây rối" và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực.

Do đó, các biện pháp tăng cường hiện diện và phô trương sức mạnh quân sự vẫn sẽ được các bên liên quan tiếp tục tiến hành, và tất nhiên là họ sẽ cố gắng kiềm chế không động binh hay khai hỏa trong thời gian trước mắt, nhằm tránh kịch bản đối đầu quân sự.

Có thể những căng thẳng trên Biển Đông giữa hai nước Trung-Mỹ sẽ không dẫn đến đối đầu quân sự, nhưng hai bên sẽ tiếp tục tiến hành những động thái mang tính chất "ăn miếng, trả miếng".

Việc hai bên chuyển sang trạng thái thù địch chắc chắn sẽ không diễn ra nhanh chóng trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, những va chạm "tình cờ" xảy ra cũng có khả năng khiến căng thẳng leo thang đến mức đỉnh điểm mà không hề có sự thông báo hay chuẩn bị từ trước.

Do đó, các cơ chế và thỏa thuận xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan, cùng với sự chuyên nghiệp của lực lượng quân sự tại các điểm nóng xung đột sẽ trở thành những công cụ đắc lực nhằm ngăn chặn những kịch bản đối đầu khủng khiếp xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại