Từ vụ nữ bác sĩ gác chân lên ghế: Văn minh và hoang dã

Bác sĩ Võ Xuân Sơn |

Dư luận và ngay cả cơ quan chủ quản về y tế, cũng không có động thái nào tìm hiểu nguyên nhân, tại sao vị bác sĩ đó lại gác chân lên ghế. Kỷ luật ngay và luôn!

Bộ Y tế yêu cầu kỷ luật người bác sĩ gác chân lên ghế khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân trong một clip được tung lên mạng gần đây, nhưng liệu đã có ai tìm hiểu câu chuyện phía sau đoạn video gác chân đó là gì; và những người nhân danh "văn minh" để lên án hành vì "khiếm nhã" của vị bác sĩ nọ, họ có thật sự "văn minh"?

Việc quay phim, chụp hình ai đó mà không có sự đồng ý của người ấy, là một hành vi khiếm nhã theo những khái niệm của một xã hội văn minh.

Ở Việt Nam, nhiều người, bao gồm cả người có học thức, quan chức... coi chuyện ai đó chĩa smart phone hay máy quay phim vào các bác sĩ, vào các anh công an, khi họ đang làm việc, hoặc đang tranh luận với người quay phim, dù không có sự đồng ý của họ, là bình thường.

Những clip được cắt xén, không phản ảnh hết toàn bộ sự việc được đưa lên mạng luôn chỉ là những phản ánh một chiều. 

Nhưng khi nó được chia sẻ như vũ bão, thì nó trở thành chân lý, đến nỗi mà nhân vật chính trong clip không thể nào mở miệng để cung cấp những điều bị che khuất sau ống kính, hoặc giải thích thêm những điều đã bị cắt xén. Trên góc độ đó, quyết định yêu cầu kỷ luật nữ bác sĩ trong clip nêu trên của Bộ Y tế là quá vội vàng và không thấu đáo.

Chúng ta vẫn chưa có những chuẩn mực cụ thể cho hành vi của nhân viên y tế. Những qui định trong các nội quy, quy chế, thậm chí trong 12 điều y đức mà Bộ Y tế ban hành vẫn chỉ là rất chung chung. 

Nếu chiếu theo các quy định trên thì việc một bác sĩ ngồi gác chân lên ghế khi tiếp bệnh nhân có thể được xem là chuyện bình thường, hay xem là hành vi không nghiêm túc, chỉ phụ thuộc vào cảm tính của người nhận xét.

Chiếu theo các quan niệm về ngành y ở các nước phát triển, bác sĩ là những người có học vấn và thuộc tầng lớp cao, nên phong thái tiếp bệnh nhân của họ phải thể hiện một văn hóa cao. 

Hành vi gác chân lên ghế, thậm chí lên bàn có thể có tùy theo mối quan hệ và thời điểm, nhưng theo logic mà xét thì rất khó có chuyện bác sĩ chủ động chọn một tư thế không nghiêm túc để nói chuyện với chính bệnh nhân đang khiếu nại việc làm của mình.

Từ vụ nữ bác sĩ gác chân lên ghế: Văn minh và hoang dã - Ảnh 1.

Trong clip được đưa lên mạng có hình ảnh người nữ bác sĩ gác chân lên ghế, câu chuyện nổi bật là người nói giọng đàn ông nhất quyết yêu cầu bác sĩ phải khám lại cho người nhà anh ta, chỉ vì anh nghe vợ nói, bác sĩ chỉ vạch mắt bệnh nhân ra xem chứ không dùng máy móc gì. 

Đây là một yêu cầu hết sức vô lý và xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của các bác sĩ. 

Ở một xứ sở văn minh, những yêu cầu loại này có thể sẽ dẫn đến chuyện người yêu cầu bị mời ra khỏi bệnh viện.

Tuy nhiên, ở nơi người ta cho rằng việc chĩa smart phone hay máy quay phim vào người đang làm việc mà không được sự đồng ý của người đó là bình thường, thì việc một người không có chuyên môn y khoa ra lệnh cho bác sĩ phải khám bệnh bằng cái gì, như thế nào, cũng là chuyện bình thường. 

Không biết điều này có liên quan gì đến những trường hợp trước đây thường xảy ra là hội chẩn bệnh với lãnh đạo đảng ủy cơ sở, mà phần lớn họ là những người không có chuyên môn, nhưng lại nắm quyền quyết định.

Tôi chú ý đọc nhiều comment xung quanh câu chuyện người nữ bác sĩ gác chân lên ghế khi tiếp bệnh nhân nhưng không thấy ai đặt vấn đề, xem bác sĩ ấy có bị bệnh gì không. Tuy nhiên khi nhìn hình ảnh ấy, tôi liên tưởng ngay đến căn bệnh suy van tĩnh mạch chi dưới mà bác sĩ ấy có thể mắc.

Từ vụ nữ bác sĩ gác chân lên ghế: Văn minh và hoang dã - Ảnh 2.

Ảnh cắt từ clip sự việc

Vấn đề tôi muốn nói ở đây không phải là bác sĩ đó có bị bệnh gì hay không, mà là dư luận và ngay cả cơ quan chủ quản về y tế, cũng không có động thái nào tìm hiểu nguyên nhân, tại sao vị bác sĩ đó lại gác chân lên ghế. Kỷ luật ngay và luôn!

Học tập các nước văn minh, khi thành lập phòng khám, chúng tôi huấn luyện và quy định cụ thể cách thức giao tiếp của bác sĩ và cả các nhân viên khác. Chúng tôi cũng quy định không được làm việc riêng, đặc biệt không được ăn, không được nói chuyện riêng, không được làm việc riêng, không được dùng điện thoại riêng... khi có mặt khách hàng.

Chúng tôi cũng lập những khu vực dành riêng cho bác sĩ và nhân viên nghỉ ngơi khi bị mệt, hoặc giải quyết việc riêng gấp. Tương tự vậy, khi yêu cầu nhân viên ăn mặc sạch sẽ, không được để người có mùi hôi, chúng tôi phải tính toán may đủ số lượng đồng phục để họ thay đổi kịp thời, đồng thời phải có phòng tắm ngay tại nơi làm việc.

Về góc độ quản lý, nếu các nhà quản lý đòi hỏi bác sĩ và nhân viên y tế phải cư xử chuẩn mực, thì họ cần tổ chức huấn luyện, ra quy chế cụ thể, có phương án xử lý tình huống đặc biệt và có đủ phương tiện để nhân viên thực hiện những qui định đề ra. Ngoài ra, phải bảo đảm người thầy thuốc không bị quá tải, và môi trường làm việc đủ an toàn.

Chúng ta không thể áp dụng tiêu chuẩn kép khi bắt buộc người bác sĩ phải xử sự theo những tiêu chuẩn của xã hội văn minh, nhưng lại chấp nhận, thông cảm, hoặc thậm chí cổ súy cho những hành vi hoang dã nhắm vào họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại