Tối 5/4, một "hố tử thần" với đường kính 10m đã xuất hiện ngay trước cửa nhà một người dân ở Quảng Ninh. Mặc dù không gây thiệt hại nào về người, nhưng nó cũng khiến người dân lo lắng. Vậy "hố tử thần" là gì?, và tại sao nó lại xuất hiện?
Hình minh hoạ. Hố tử thần xuất hiện ở Quảng Ninh. Ảnh: Facebook May Cô Dương)
"Hố tử thần" (hay còn gọi là hố sụt) là hố được sinh ra do hiện tượng sụt lún địa chất, do lớp đất phía dưới bề mặt bị rỗng nên không có khả năng chống đỡ lớp đất trên bề mặt. Kết quả là có thể tạo ra những hố sâu có khả năng "nuốt chửng" người, xe cộ và nhà cửa...
Trên thế giới, hiện tượng "hố tử thần" không phải là hiếm, thường xảy ra ở những khu vực có cấu trúc địa chất đặc biệt như nền đất mềm như đá vôi hoặc thạch cao, hay có độ rỗng trong lòng đất.
Trong đó, hố tử thần tự nhiên lớn nhất thế giới là Qattara Depression ở Cairo (Ai Cập), với chiều dài 80 km, rộng 120 km và sâu tới 133 m.
Hố tử thần lớn nhất thế giới ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: Buzzfeed
Ở Việt Nam, "hố tử thần" thường xuất hiện ở những vùng núi đá vôi. Tuy nhiên, nó cũng có thể xuất hiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Hố tử thần rộng gần 4m, sâu 2m xuất hiện ở đường phố Sài Gòn sau một cơn mưa lớn.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân sinh ra hố tử thần, ví dụ như dư chấn từ các trận động đất, hay mưa lớn khiến lớp đất đá bị tan rã dưới lòng đất, gây nên hiện tượng sụt lún bất ngờ.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do dòng chảy của nước ngầm. Khi nước ngầm chảy qua khu vực có đất mềm, dễ hòa tan như đá vôi, carbonate, muối... sẽ làm xói mòn lớp đất dưới bề mặt, tạo ra nhiều hố và các khoang ngầm trong lòng đất. Dần dần, các hố sâu được hình thành, kéo lớp đất trên bề mặt sụp đổ vào trong.
Xem video:
Thí nghiệm về cơ chế hình thành hố tử thần
Quá trình xói mòn trong lòng đất có thể diễn ra trong vài năm. Tuy nhiên, đến khi sụt lún thì nó sẽ diễn ra rất nhanh và bất ngờ, nên con người thường không kịp phản ứng.
Bên cạnh nguyên nhân tự nhiên, hố tử thần cũng có thể được sinh ra do hoạt động của con người như xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu cống, khai thác mỏ.
Ví dụ như: xây dựng đường xá, nhà cửa quá nhiều, làm tăng tải trọng lớp đất đá bên trên, hay xây dựng hệ thống thoát nước không hiệu quả, khiến nước mưa ngấm xuống không thoát được, dần dần sẽ ăn mòn lớp đất đá, gây ra tình trạng sụt lún.
Tham khảo nhiều nguồn