Phiên tòa đòi nợ giữa một Việt kiều từ Mỹ với cô gái trẻ hôm ấy với kết quả thật bất ngờ, dù rằng trước đó tôi đã từng cảm thấy buồn phiền vì nghĩ rằng mình sắp sửa phải tuyên một bản án bất công.
Nguyên đơn, anh Việt kiều từ Mỹ là một trung niên khá điển trai, ăn mặc đúng mốt, sang trọng với đôi kính đầy vẻ trí thức, đòi mười ngàn Mỹ kim do chuyển tiền cho cô gái trẻ đẹp mà anh ta nói rằng trước đây cho cô ấy mượn.
Chứng cứ của anh Việt kiều là những giấy chuyển nhận tiền với tên người gửi là anh ta, tên người nhận là cô gái.
Bị đơn, cô gái ấy thừa nhận chữ ký của mình trong các giấy nhận tiền chuyển từ anh ta gửi về cho cô.
Tôi hỏi: “Tại sao mượn tiền của người khác mà cô không trả?” Nước mắt vắn, nước mắt dài, cô gái đẹp trình bày: “Anh ấy là người yêu của tôi, mỗi lần về VN anh ấy đều hứa hẹn sẽ lấy tôi làm vợ và bảo lãnh cho tôi qua Mỹ.
Anh ấy đã giúp tôi và gia đình những khoản tiền này mà anh ta từng nói là cho tôi để phụ giúp gia đình của tôi.
Nay anh ấy đã chán tôi nên đòi lại, tôi làm sao có tiền để trả!” Tôi hỏi tiếp: “Trong giấy nhận tiền không hề có nội dung viết là gửi để cho cô, vậy cô có gì chứng minh là anh ta đã cho cô?”
Vẫn những giọt nước mắt vắn dài rơi trên đôi má hồng ngây thơ mà cô ấy không thể nào biện minh được cuộc đời con gái mình đã trao, nhưng tiền vẫn phải trả lại cho người từng đầu ấp tay gối, ngỡ sẽ là nơi nương tựa cả đời.
Tôi hỏi nguyên đơn: “Bên Mỹ hiện nay anh có vợ con không?”
- Có!
-Lần này anh về Việt Nam có đi cùng với vợ của anh không?
- Có!”.
Trước tình huống này, tôi chốt lại: “Bây giờ có thể Tòa sẽ tạm hoãn phiên tòa để triệu tập vợ của anh, là người đồng sở hữu với số tiền mười ngàn Mỹ kim này đến cùng dự phiên tòa, phiên tòa sẽ được mở lại vào tuần sau!”
Nghe đến đây, anh nguyên đơn Việt kiều hốt hoảng: “Không, xin Tòa đừng mời bà ấy đến. Tôi xin rút đơn khởi kiện, không đòi tiền cô ấy nữa!”.
Cựu Thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út