Việc Giám đốc ĐH Giao thông Vận tải - cơ sở II (quận 9, TP.HCM) vừa có quyết định kỷ luật đình chỉ một năm học với ba sinh viên vì có hành vi quấy rối tình dục bạn nữ cùng lớp có nhiều ý kiến trái chiều. Phóng viên có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp để có cái nhìn đúng đắn về sự việc này.
- Theo luật sư thế nào là quấy rồi tình dục? Trong Luật Hình sự Việt Nam chưa có hình phạt cụ thể cho tội quấy rối tình dục, vậy việc Trường ĐH Giao thông vận tải đình chỉ 3 sinh viên nam vì tội quấy rối tình dục có phải là phạm luật không?
- Quấy rối tình dục là một khái niệm phạm tội chưa được đưa ra trong luật hình sự Việt Nam và chưa có hình phạt cụ thể cho tội này. Hành vi này mới chỉ được đưa ra trong Bộ luật lao động với các điều khoản ngăn cấm hành vi.
Trong luật pháp Liên minh châu Âu , xuất phát từ một đề nghị của Ủy ban châu Âu, quấy rối tình dục được định nghĩa như sau: "Khi một thái độ có liên quan đến giới tính thể hiện ở hình thức có từ ngữ, không từ ngữ hay bằng cơ thể có mục đích hay có tác động làm tổn thương đến phẩm giá của một người hay tạo nên một môi trường mang nhiều dọa dẫm, thù địch, hạ thấp, lăng nhục, xúc phạm hay bối rối".
Việc đình chỉ học tập với 3 sinh viên trường ĐH Giao Thông Vận Tải không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Theo khoản c, Điều 20 quy chế Học sinh, sinh viên (HSSV) các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy (Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT ngày 13 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) “Đình chỉ học tập 1 năm học áp dụng đối với những HSSV đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi HSSV không được làm”.
Hành vi quấy rối tình dục bạn bè cùng học đã vi phạm nghiêm trọng các hành vi HSSV không được làm, đây là căn cứ đầy đủ để nhà trường ra quyết định đình chỉ học tập với các sinh viên trên.
- Những hành vi nào được cho là quấy rối tình dục, theo luật nước ngoài tội này xử lý như thế nào?
- Các hành vi quấy rối tình dục được biểu hiện rất đa dạng. Có thể được biểu thị dưới dạng hành động, cử chỉ, lời nói và thậm chí là không bằng lời nói khiến cho “nạn nhân” hết sức bức xúc. Đơn giản có thể chỉ là cái liếc mắt đưa tình, hoặc nhìn chằm chằm vào một bộ phận nào đó trên cơ thể người khác giới hay nói bóng gió, gửi ảnh liên quan đến tình dục.
Nguy hiểm hơn, đó có thể là sự động chạm một cách cố ý, hay có những hành động trên cơ thể người khác mà không được sự đồng ý của họ và tiến tới sẽ là việc đưa ra những “lời đề nghị khiếm nhã” hoặc có những hành động sàm sỡ, táo bạo ở nơi vắng người.
Pháp luật nước ngoài về quấy rối tình dục có khung xử phạt đủ sức răn đe, tại Malaysia, luật Hình sự sửa đổi năm 2006 quy định, Quấy rối tình dục có thể bị xử phạt từ 5 năm tù hoặc bị phạt tiền hoặc cả hai.
Luật bảo hộ lao động năm 1998 của Thái Lan quy định, bất kì người nào quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em sẽ chịu chung hình phạt với mức tiền tối đa là 20.000 baht, tương đương với khoảng 15 triệu VNĐ.
Tại Pakistan, bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2010 quy định quấy rối tình dục ở bất kì đâu, bao gồm cả nơi làm việc là phạm tội. Tội này bị trừng phạt với mức tiền lên đến 500.000 rupee hoặc bị phạt tù lên đến 3 năm hoặc cả hai.
- Tại công sở những hành vi như tán tếu đồng nghiệp nữ, ôm vai, bá cổ, trêu ghẹo có được cho là quấy rối tình dục không?
- Tại công sở, hành vi như tán tếu đồng nghiệp nữ, ôm vai, bá cổ, trêu ghẹo sẽ bị coi là quấy rối tình dục tùy theo thái độ của những người liên quan.
Nếu hành vi trêu đùa này không thái quá, không gây ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ, danh dự của người bị trêu đùa không bị người trêu đùa phản đối thì không bị coi là quấy rối tình dục.
Ngược lại, nếu hành vi này quá giới hạn khiến cho người bị trêu đùa trở nên khó chịu, cảm thấy bị xúc phạm thì sẽ bị coi là quấy rối tình dục.