Ly hôn vì vợ ngoại tình có thai, có giành được quyền nuôi con?

B. Bình |

(Soha.vn) - Trường hợp này sẽ được giải quyết theo quy định tại khoản 1, Điều 92, Luật Hôn nhân và gia đình.

Tôi là lái xe với thu nhập 3triệu/tháng. Tôi và vợ tôi có 1 đứa con trai 1 tuổi.

Trong những ngày đi làm xa tôi đã phát hiện vợ tôi ngoại tình với trưởng phòng cùng cơ quan và từng đi phá thai. Cô ấy cũng đã thừa nhận.

Sắp tới chúng tôi sẽ ra Tòa để làm thủ tục ly hôn. Thu nhập của vợ tôi khá hơn tôi. Vậy tôi có thể trình bày lý do vợ ngoại tình để giành quyền nuôi con trước tòa không? (Nguyễn Minh Hiệp - Hà Tây)

Ths. Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty Luật hợp danh Hồng Bách trả lời:

Căn cứ vào những dữ liệu mà khách hàng đã cung cấp, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:

Thứ nhất, về Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn:

Điều 85, Luật Hôn nhân gia đình 2000, quy định về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn như sau:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

2. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.

Đối chiếu với quy định trên, anh xác định xem cháu bé con trai anh đã đủ 12 tháng tuổi chưa, nếu cháu đủ 12 tháng tuổi thì anh chị có thể thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn của mình.

Thứ hai, về căn cứ Tòa án giải quyết việc ly hôn:

Khoản 1, Điều 89, Luật Hôn nhân gia đình quy định về căn cứ cho ly hôn:

1. Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn.

Trong trường hợp của anh, khi phát hiện vợ ngoại tình và chị ấy cũng đã thừa nhận, anh hoàn toàn có đủ căn cứ để được Tòa án giải quyết cho ly hôn. Bởi lẽ, chị ấy đã không thực hiện nghĩa vụ chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững của một cặp vợ chồng. (Điều 18, Luật Hôn nhân gia đình) và mục đích hôn nhân không đạt được.

Thứ ba, về việc xác định người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

Khoản 1, Điều 92, Luật Hôn nhân gia đình về Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì:

“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.”

Như vậy, dẫn chiếu vào trường hợp của anh, do cháu bé chỉ mới 1 tuổi nên về nguyên tắc cháu sẽ được giao cho mẹ cháu trực tiếp nuôi dưỡng, nếu anh chị không có thỏa thuận khác. Bên cạnh đó, mức thu nhập của vợ anh cao hơn mức thu nhập của anh, anh làm nghề lái xe phải đi làm xa không có nhiều thời gian để chăm sóc cháu. Về lý thuyết, nếu cháu sống với mẹ thì cháu sẽ có thể được chăm sóc tốt hơn. Do đó, khả năng vợ anh sẽ giành được quyền trực tiếp nuôi con là rất cao.

Việc đưa ra dẫn chứng vợ anh ngoại tình chỉ có thể là căn cứ để Tòa cho anh giành quyền nuôi con khi anh chứng minh được rằng vì ngoại tình mà quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục… của cháu bé không được đảm bảo.

Tuy nhiên, sau khi Tòa án ra quyết định xác định người trực tiếp nuôi con thì vì lợi ích của con, anh vẫn có thể yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con:

“Điều 93. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.”

Nếu sau khi ly hôn tòa án quyết định cho vợ anh là người trực tiếp nuôi con thì anh vẫn có thể yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có các căn cứ cho thấy việc chị ấy nuôi con không đảm bảo quyền lợi chính đáng của cháu.

Như vậy việc ngoại tình không là căn cứ để Tòa án cho anh quyền trực tiếp nuôi con, căn cứ xác định người trực tiếp nuôi con bên cạnh việc theo quy định của pháp luật (khoản 1, Điều 92) và các căn cứ thực tế đảm bảo cho quyền và lợi ích của con được đảm bảo tốt nhất.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách có nhiều năm kinh nghiệm trong việc bào chữa, tranh tụng, giải quyết các vấn đề liên quan tới tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự có đội ngũ cố vấn là tiến sỹ, các chuyên viên cao cấp đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu và các trường Đại học.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại