Đã bị bắt quả tang ngoại tình.... còn già mồm cãi cố

Không phải lúc nào người ngoại tình cũng cảm thấy xấu hổ khi bị đánh ghen, bị bắt gặp mà còn mong muốn, hả hê khi vợ (chồng) người tình của mình vướng vào vòng lao lý. Nhưng quả báo vẫn nhỡn tiền....

Bị cáo đứng trước vành móng ngựa cố đánh chút phấn son để dấu đi sự tiều tụy trong những ngày bị tạm giữ trong chốn lao lý của mình.

Người bị hại là cô gái trẻ đẹp ngồi hàng ghế phía sau dự khán với vẻ mặt hả hê khi thấy người xúc phạm đến mình đã sa cơ thất thế khi phải chịu sự trừng phạt của luật pháp bằng những tháng ngày tù đày.

Tôi hỏi bị cáo: “Vì sao bị cáo cố tình làm nhục người khác bằng hành động tàn nhẫn như bản cáo trạng đã mô tả thế?

- Vì cô ấy tằng tịu với chồng của bị cáo, bị cáo đã nhiều lần cảnh báo nhưng cô ấy không nghe, cô ta vẫn cố tình lôi kéo chồng của bị cáo ra khỏi trách nhiệm với vợ con và gia đình của bị cáo.

-Nhưng bị cáo vẫn có thể báo chính quyền địa phương, hoặc Hội phụ nữ nơi người bị hại và cả nơi bị cáo cư trú để họ can thiệp giúp đỡ, tại sao bị cáo không chọn cách đó?

-Do bị cáo không có chứng cứ trực tiếp về hành vi ngoại tình của họ nên các cơ quan chức năng chỉ nhận đơn nhưng không giải quyết đến nơi, đến chốn.

-“Dù sao đi nữa thì bị cáo cũng không được xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác. Bị cáo có biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật không?”

- Nhưng người tình hờ của chồng bị cáo cũng không màng đến hành vi lén lút quan hệ với chồng của bị cáo cũng là hành vi vi phạm pháp luật, tại sao pháp luật không ai chịu xử lý cô ta?

-Bị cáo có bằng chứng gì để nói rằng cô ấy và chồng của bị cáo có quan hệ lén lút với nhau?

-Bị cáo có bằng chứng là những tin nhắn giữa cô ta và chồng của bị cáo.

-Tòa đã xem qua các tin nhắn đó có trong hồ sơ, nhưng không hề có bằng chứng xác thực nào để thấy là họ có quan hệ lén lút cả. Bị cáo có bằng chứng nào khác không?

-Chồng bị cáo đã bỏ nhà đi đêm, cùng thời điểm với cô ta cũng không ở nhà của cô ấy trong những đêm bị cáo vắng chồng.

-Có gì để chứng minh mối liên hệ giữa hai sự tình cờ này với nhau?

-Bị cáo có giác quan nhạy bén của người phụ nữ.”

Nếu chỉ như thế thì bị cáo đã vì sự nghi ngờ huyễn hoặc của mình mà đã thực hiện hành vi làm nhục người khác giữa đường để thỏa mãn cơn nóng giận của mình, nạn nhân hoàn toàn không có lỗi, hình phạt dành cho bị cáo sẽ phải hết sức nghiêm khắc.

Ảnh minh họa

Tôi hỏi người bị hại: “Quan hệ giữa chị với vợ chồng bị cáo thế nào?

- Tôi là nhân viên của chồng chị ấy ở cơ quan, còn chị ta thì tôi không có quan hệ gì cả.

-Lý do vì sao chị thường xuyên nhắn tin với chồng của bị cáo vào những lúc đêm khuya với những nội dung không hề liên quan đến công việc ở cơ quan?

- Tôi chỉ nhắn vu vơ cho anh ấy cũng như những người bạn khác của tôi, không hề có tình ý gì cả.

-Tại sao chị lại quan tâm tới việc anh ta đã ngủ chưa, và hỏi có mơ về chị không để làm gì?

Cô gái với vị trí người bị hại gằn giọng, trả lời đanh thép: “Đó là tin nhắn vu vơ chỉ nhằm quan tâm đến sức khỏe thủ trưởng của một nhân viên chứ không hề có tình ý riêng tư gì cả.

Tôi đề nghị tòa xét xử bị cáo theo bản cáo trạng đã được công bố chứ không được truy xét tôi như thế!”

Cố gắng kềm chế sự bực tức của mình trước thái độ bắt lỗi của cô gái, tôi vẫn tiếp tục thẩm vấn cô ta: “ Chị được quyền trả lời hoặc không trả lời câu hỏi của tòa, tòa vẫn cần biết nguyên cớ xảy ra vụ án này.

Tôi hỏi: Chị hãy trả lời tiếp, chị đã có chồng chưa?

Cô gái: Việc có hay chưa có chồng của tôi không hề liên quan đến vụ án này, tôi từ chối trả lời.

Khi cô gái vừa dứt lời, ngay lập tức, một người đàn ông giơ tay xin phát biểu. Tôi hỏi: “Anh muốn trình bày điều gì?”

Anh này nói: “Thưa tòa, tôi là chồng của người bị hại, chúng tôi có làm lễ cưới, có đăng ký kết hôn. Nhưng tôi có biết việc vợ tôi bị làm nhục nên tôi đã âm thầm theo dõi phiên xử này từ đầu. Vợ tôi đã từ chối những câu hỏi của tòa, tôi xin trả lời thay, nếu tòa hỏi…”

Trước ý kiến này, tôi nói: “Anh không phải là người tham gia tố tụng trong vụ án này, không được tòa triệu tập đến để thẩm vấn, cũng không hề được sự ủy quyền của vợ anh để trình bày thay, nên anh chỉ được phép ngồi yên để nghe tòa xét xử mà thôi.”

Anh ta vẫn cố trả lời: “Nếu tòa không cần xem xét các tình tiết khác không nằm trong hồ sơ thì tòa có thể sẽ trở nên vô cảm trước số phận một con người đang phụ thuộc vào phán quyết của tòa.”

Ngần ngừ giây lát để tìm cách xử lý tình huống này, cuối cùng tôi đành hỏi anh ta: “Anh có biết gì về những tình tiết có liên quan đến vụ án này không?”

-“Thưa tòa, tôi biết! Tôi biết rằng bị cáo vì nghi ngờ chồng mình quan hệ bất chính với người phụ nữ khác là vợ của tôi, bà ấy đã manh động xử lý trước khi pháp luật xử lý hành vi vi phạm của người khác.

Còn tôi là chồng của người bị hại, tôi đã rất đau khổ về những lời xì xầm bàn tán từ các đồng nghiệp của vợ tôi với ông thủ trưởng cơ quan của cô ấy.

Vì hạnh phúc gia đình và vì tương lai của đứa con trai tôi, tôi đã bỏ qua ngoài tai những lời đàm tiếu ấy, nhưng tôi đã lẳng lặng tìm hiểu những lần vợ mình đã lấy cớ đi công tác ở tỉnh để không ở nhà. 

Cuối cùng, tôi thấy cô ấy và chồng của bị cáo ở chung một phòng trong một khách sạn sang trọng ở Hà Nội…”

-“Anh có bằng chứng gì không?”

-“Có, tôi đã bất ngờ xuất hiện trong khách sạn ấy khi trong phòng chỉ có hai người.”

-“Anh có báo cho cơ quan công an biết việc này không?”

-“Không. Vì ông ta và vợ tôi cam kết sẽ không tái phạm chuyện mèo chuột này nữa.”

Tôi hỏi người bị hại: “Có đúng là cô đã bị chồng mình bắt quả tang đang ở trong khách sạn với chồng của bị cáo không?”

Cô ta khẳng khái trả lời: “Tòa xử bị cáo tội làm nhục tôi, hay tòa xử tôi về lời khai ngoài vụ án của chồng tôi?”

Một lần nữa tôi phải cố hết sức kềm chế sự bực tức của mình về thái độ có vẻ am tường luật pháp đến mức xem thường hội đồng xét xử như thế.

Tôi vẫn quyết hỏi cho ra lẽ để tìm hiểu đâu là nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo phạm tội để phải đứng trước tòa. Tôi nói chắc như đinh.đóng cột từng lời một: “Một lần nữa tòa yêu cầu chị trả lời vào trọng tâm câu hỏi của tòa!”

Ngần ngừ giây lát, cô ta trả lời với tòa như đang trách móc chồng của cô ấy: “Tôi là một nhân viên bị phụ thuộc vào mối quan hệ hành chính giữa cấp trên với cấp dưới. Nếu tôi không dễ dãi thì tiền đâu tôi nuôi con trong khi chồng tôi luôn thất nghiệp lại bất tài vô dụng.

Để có được vị trí cao hơn trong cơ quan, tiền kiếm sẽ nhiều hơn để nuôi con mà không phải chờ chồng mang tiền về, tôi làm mọi cách để kiếm tiền nuôi con thì tôi có lỗi gì với gia đình của tôi và chính gia đình ông thủ trưởng?

Còn việc bị cáo xử sự tàn nhẫn với tôi bằng cách làm nhục tôi giữa đường thì bị cáo phải bị pháp luật quả báo. Tôi thấy mình không có gì sai cả, yêu cầu tòa không hỏi tôi nữa!”

Bản án hôm ấy chúng tôi đã hết sức cân nhắc về hình phạt đối với bị cáo, vì bị cáo là một nạn nhân của hành vi ngoại tình từ ông chồng với người thứ ba, người bị hại cũng có lỗi do đã vì mục đích vụ lợi cho cá nhân mà bất chấp hạnh phúc gia đình người khác…

Từ đó, chúng tôi quyết định tuyên phạt án giam đối với bị cáo bằng với thời gian bị cáo đã bị tạm giữ và tuyên bố trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.

Vài tháng sau, người bị hại là cô gái ấy lại xuất hiện ở tòa án với tư cách là bị đơn trong vụ án ly hôn với chồng của cô ấy.

Cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út

---

Đón đọc hàng loạt các vụ án dài kỳ ấn tượng, đặc sắc nhất tại chuyên mục KỲ ÁN

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại