Tư tưởng kinh tế của ông Tập Cận Bình đưa TQ thành một cường quốc theo con đường nào?

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Trung Quốc tiến hành Hội nghị công tác kinh tế trung ương từ ngày 18 tới 20/12 vừa qua tại Bắc Kinh, lần đầu công bố khái niệm Tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế Xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu kinh tế của Trung Quốc

Tân Hoa Xã ngày 21/12 đưa tin, Hội nghị công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc họp từ 18 tới 20/12 để "xác định trọng tâm công tác kinh tế Trung Quốc thời gian tới". Trong đó, lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra khái niệm mới "Tư tưởng của Tập Cận Bình về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới", coi đây là kim chỉ nam xác định đường lối phát triển kinh tế Trung Quốc thời gian tới.

Dư luận các nước cho rằng đây là một tín hiệu cho thấy chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt tay tiến hành công cuộc cải cách kinh tế, đưa kinh tế nước này có bước chuyển biến mới và thiết thực, nhằm tạo dấu ấn cho "Thời đại Tập Cận Bình".

Trước đây, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng đưa ra “Chương trình xây dựng xã hội khá giả” với 3 bước chiến lược, trong đó Bước thứ 3 tính tới giữa thế kỷ 21, GDP của Trung Quốc tăng gấp 4 lần mức 1.200 tỉ USD của năm 2000, tức đạt xấp xỉ 5000 tỉ USD.

Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc, họp tháng 10/2017, Phần 4 báo cáo chính trị trước Đại hội của ông Tập Cận Bình - “Quyết thắng xây dựng toàn diện xã hội khá giả” - đưa ra mốc thời gian thực hiện mục tiêu kể trên như sau:  

Từ năm 2017 tới năm 2020 xây dựng xong xã hội khá giả toàn diện, thực hiện mục tiêu "100 năm đầu tiên". 

Từ Đại hội 19 tới Đại hội 20 tiếp tục thực hiện mục tiêu “100 năm thứ hai”, trong đó  chia làm hai giai đoạn: Một là 2020-2035, cơ bản thực hiện được hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa. Hai là 2035-2050, xây dựng Trung Quốc thành cường quốc hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, hài hòa hoàn mỹ. 

Như vậy, ông Tập đã cụ thể hóa thêm chương trình trước đây của ông Đặng.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình không đưa cụ thể tiêu chí “tăng gấp hai lần GDP năm 2010” vào năm 2020 như trước đây. 

Ông Dương Vĩ Dân, Phó chủ nhiệm Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo tài chính kinh tế trung ương Trung Quốc, cho biết kinh tế Trung Quốc phát triển vẫn không ổn định và chưa vượt qua được 3 "cửa ải" quan trọng là phương thức tăng trưởng, kết cấu kinh tế và động lực tăng trưởng, trong khi kinh tế thế giới diễn biến bất thường gây tác động mạnh mẽ, nên rất khó đưa ra các chỉ tiêu cụ thể.

Nhưng Hội nghị công tác kinh tế vừa qua đã cụ thể hóa hơn nữa về mục tiêu phát triển do Đại hội 19 Trung Quốc đề ra.

Tư tưởng kinh tế của ông Tập Cận Bình đưa TQ thành một cường quốc theo con đường nào? - Ảnh 1.

Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng trước Hội nghị kinh tế trung ương tại Bắc Kinh, tổ chức từ 18 đến 20/12/2017 (Ảnh: Xinhua)

Tư tưởng kinh tế của ông Tập Cận Bình là gì?

Các nhà phân tích cho rằng thời gian trước đây, Trung Quốc chạy theo tăng trưởng cao với bất kỳ giá nào, như năm 2000, GDP của Trung Quốc đạt 1.211 nghìn tỷ USD. Năm 2010, GDP đạt trên  6.000 tỷ USD, vượt Nhật Bản và trở thành nền kinh tế quy mô số hai thế giới. Năm 2016 đạt 11.200  tỉ USD, chỉ đứng sau Mỹ.

Do tăng trưởng tốc độ cao, những hệ lụy để lại cho nền kinh tế Trung Quốc khá nghiêm trọng và không kịp khắc phục, như cạn kiệt các nguồn tài nguyên, mức độ chênh lệch giàu nghèo gia tăng ở mức hàng đầu thế giới, ô nhiễm môi trường, phát triển không cân đối, kinh tế thường quá nóng phải phanh gấp gây thiệt hại lớn, chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm, hiệu quả kinh tế không cao - nhất là doanh nghiệp quốc doanh - dẫn tới hàng hóa tồn kho lớn, quản lý vĩ mô chưa hiệu quả dẫn tới biến động thị trường chứng khoán, thị trường nhà đất, xảy tình trạng đầu cơ trục lợi, tham nhũng…

Chính vì vậy, Hội nghị kinh tế vừa qua tại Bắc Kinh đưa ra "Tư tưởng của Tập Cận Bình về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" nhằm uốn nắn lại tình trạng trên, đưa kinh tế Trung Quốc vào quỹ đạo phát triển bình thường.

Các nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng đặc trưng "Tư tưởng kinh tế Tập Cận Bình" gồm:

Một là, tiến hành cải cách sâu rộng toàn diện đối với mô hình phát triển trước đây. Báo cáo trước Đại hội 19, ông Tập có 36 lần đề cập khái niệm “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” - được giới phân tích gọi là “Thời đại Tập Cận Bình”, thì trong phát biểu tại Hội nghị kinh tế, ông đã 28 lần nhắc tới “cải cách”. Bởi vậy, “cải cách” là đặc trưng đầu tiên.

Hai là, sẽ không chạy theo tăng trưởng cao với bất kỳ giá nào như trước đây, mà chú trọng phát triển vững chắc, ổn định, hài hòa các mối quan hệ, như với môi trường sinh thái, thu hẹp tỉ lệ chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, nhất là xóa bỏ tình trạng còn hơn 40 triệu người nghèo đói hiện nay, nâng cao thu nhập bình quân cho hơn 1.3 tỉ dân Trung Quốc từ 5.940 USD/người/năm hiện nay lên 8.260 USD, từ vị trí thứ 112 thế giới năm 2012 lên vị trí thứ 93 năm 2016 và sẽ cao hơn nữa. 

Trung Quốc sẽ cáo biệt tình trạng chạy theo tốc độ tăng trưởng cao, trở về mức tăng trưởng vừa phải.

Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế hơn nữa, giải quyết tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa tồn đọng.

Bốn là, hoàn thiện các thị trường nhà đất, thị trường chắng khoán, quản lý chặt chẽ kinh tế vĩ mô, nhất là lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng, tỉ giá…

Năm là, chấn chỉnh lại mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp, giữa cán bộ lãnh đạo với doanh nhân. 

Tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - ngày 20/6/2017 dẫn phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Xung quanh mỗi trung tâm quyền lực, thường tụ tập một số tập đoàn lợi ích để lũng đoạn nguồn tài nguyên, đầu cơ trục lợi. Tầng lớp thương nhân này thông qua người thân thích, vợ con của lãnh đạo để  móc nối, lôi kéo, lợi dụng quyền lực của lãnh đạo tiến hành đầu cơ, trục lợi, tác động xấu tới phát triển kinh tế”.  

Mối quan hệ này được truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là “giao dịch quyền và tiền”. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng tham nhũng ở nước này.

Tư tưởng kinh tế của ông Tập Cận Bình đưa TQ thành một cường quốc theo con đường nào? - Ảnh 2.

Chặng đường phía trước còn gian nan

Dư luận báo chí các nước cho rằng Tư tưởng kinh tế của ông Tập Cận Bình sau Hội nghị kinh tế trung ương lần này sẽ có tác động lớn tới xu hướng phát triển của kinh tế Trung Quốc thời gian tới. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng để xoay chuyển được một thực thể kinh tế khổng lồ thứ hai thế giới không phải dễ dàng. Các nước Mỹ, Nhật vừa qua đã cố gắng tiến hành cải cách kinh tế. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đưa ra cải cách kinh tế theo học thuyết của ông - gọi là Abenomics, nhưng rất gian nan. 

Bởi vậy, thực tế kinh tế Trung Quốc sẽ chuyển biến tới mức độ nào theo “Tư tưởng kinh tế Tập Cận Bình”, hay Xiconomics, thì còn phải chờ kết quả thực tế trả lời./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại