Nhấp chén chè xuân, Nguyên thong thả kể lại đời mình cho tôi nghe. Tiếng người cựu tử tù lúc trầm, lúc bổng như chính thân phận ngang trái, lỗi lầm làm cho tôi đôi khi gợn cả tóc gáy.
Ba lần vướng vòng lao lý
Sau nhiều lần hẹn, Nguyễn Đức Nguyên bắt xe “con cóc” từ nhà ở khu Chộc Vằng, thị trấn Lộc Bình (Lộc Bình, Lạng Sơn) ra Văn phòng báo Tiền Phong thường trú tại thành phố Lạng Sơn.
Anh ta bảo, rất ngại tiếp xúc với người lạ, nhất là cánh báo chí, tuy nhiên với tôi, Nguyên đồng ý gặp vì cho rằng hai người từng dính dáng đến nghiệp văn chương. Nói vậy, Nguyên vẫn được đánh giá là thân thiện, dễ gần và bộc trực. Theo lời Nguyên, với năm sinh Nhâm Dần (năm 1962) thì người đàn ông như anh sẽ “chữ tài đi với chữ tai một vần”.
Nguyên kể: Ngày cắp sách đến trường, anh có tiếng là học giỏi văn. Năm lớp 7 (1975), anh đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc, trước đó đoạt giải Nhì học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Lớp 10, Nguyên tiếp tục thi giỏi văn miền Bắc nhưng bị hoãn do chiến sự biên giới Việt- Trung nổ ra.
Tháng 3/1979, Nguyên tròn 17 tuổi, viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội. Sau thời gian huấn luyện, Nguyên được biên chế vào bộ phận quân nhu Tiểu đoàn 9 thuộc Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Lộc Bình. Nguyên được giao đảm trách việc thu nhận, cấp phát quân lương. Cũng từ đây, nhiều tai ương đã ập xuống đầu anh.
“Khoảng năm 1985, đơn vị bị mất 24 tấn gạo trong kho. Tôi là một trong những người bị tình nghi. Sau đó họ “mời” tôi đi làm việc, thẩm vấn 2 lần với thời gian dài với 26 tháng.
Tháng 9/1987, tôi trở lại Ban CHQS huyện Lộc Bình tiếp tục công tác, được cử đi làm công tác dân vận ở xã biên giới Tú Mịch”. Trong những lần như vậy, chàng trai trẻ đã vướng vào “lưới tình” của cô gái công tác tại trường mầm non của xã. Sau đó, họ nên duyên vợ chồng.
Ông Nguyễn Đức Nguyên (thứ 2 từ trái sang) với văn nghệ sỹ địa phương.
Gần 10 năm công tác trong quân đội, Nguyên phục viên trở lại địa phương với quân hàm Thượng sỹ. Năm 1989 ở địa phương dấy lên phong trào vượt biên buôn hàng Trung Quốc. Nguyên cũng không ngoại lệ.
Nguyên bàn với vợ đứng tên vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lộc Bình 5 triệu đồng, có vốn làm ăn. Đó là khoản tiền khá lớn (hồi đó giá vàng có 170 nghìn đồng một chỉ).
Nguyên quyết định dốc toàn bộ vốn liếng của vợ chồng và vay mượn thêm của anh em, bạn bè để buôn hàng nông, lâm sản sang Trung Quốc bán. Thời gian đầu, thần tài như mỉm cười với Nguyên, chuyến buôn nào cũng lãi.
Khi chủ Trung Quốc đặt mua mặt hàng mới “xương cọ”, Nguyên lên tận tỉnh Thái Nguyên cử người giao dịch, vận chuyển và thuê nhân công dùng dao tuốt bỏ hết lá, chỉ còn những xương cọ, đem phơi khô, rồi chất xe mang qua Trung Quốc bán.
Những chuyến hàng đầu tiên có lãi cao; Nguyên tuyển thêm nhân công, mua thêm nhiều cánh rừng cọ mở rộng sản xuất. Nhưng rồi; Nguyên đã rơi vào bẫy “dìm giá” của chủ hàng Trung Quốc.
Hàng mấy chục tấn hàng xương cọ mang sang bên đó phải chất đống trong nhà kho, thuê với giá hàng trăm Nhân dân tệ (tiền Trung Quốc) mỗi ngày. Chỉ sau vài tháng, Nguyên phá sản, các chủ nợ săn tìm, thậm chí họ thuê cả đầu gấu đến đòi, buộc anh phải chạy trốn.
Làm ăn thua lỗ, đã vậy lại bị một vài cú lừa từ “trên trời rơi xuống”; số nợ từ 5 triệu đồng; lãi mẹ đẻ lãi con đã trở thành gần 20 triệu đồng.
Ngân hàng xiết nợ. Trong cơn bí bách, Nguyên làm liều xin một người bạn cho cùng đi buôn... heroin. Khoảng tháng 2/1999, mới “đánh quả” đầu tiên, vận chuyển 280 gam ma túy từ vùng biên về khu vực thị trấn Lộc Bình đã bị bắt và bị kết án tử hình vào tháng 12/1999.
“Ánh sáng cuối đường hầm”
Từ đó, Nguyên gần như phó mặc số phận. Sau nhiều lần vợ động viên và cả giám thị trại giam khuyên nhủ, Nguyên mới cầm bút viết đơn xin ân xá, nhờ người mẹ già trình lên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Trong văn bản này, Nguyên rút hết ruột gan, kể tất cả công trạng lẫn lỗi lầm của mình.
Tháng 4/2001, Nguyên được Chủ tịch nước ân xá, miễn tội chết xuống án tù chung thân và thụ án tại trại giam Nam Hà thuộc Bộ Công an. Như vậy từ khi có án đến khi thoát khỏi tử tù, Nguyên đã có hơn 500 ngày đêm trong buồng biệt giam.
Sau này, anh tham gia viết tự truyện hưởng ứng cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” do trại Nam Hà tổ chức kể về tâm trạng của mình, trong đó có đoạn: “Hắn hồi hộp ngóng tiếng xe con vào trại lúc nửa đêm, tiếng chân đi đến phòng giam lúc ba, bốn giờ sáng. Bởi quãng thời gian này, tử tù thường phải đi thi hành án.
Hắn không biết có phải quy luật hay không hay con người ta thường nghĩ bóng tối luôn đồng hành với tội lỗi. Do vậy, người ta muốn kết thúc tội ác từ trong bóng tối, trước khi bình minh đến, khởi đầu một ngày mới trong sáng thanh thiên, không còn cái ác nữa.
Hắn cũng như bao tử tù khác, đều chuẩn bị sẵn sàng cho mình bộ quần áo mới, đôi tất chân, găng tay và cả dầu gội, xà phòng để nếu phải “đi” cũng “đi” cho sạch sẽ, trả hết nợ và rửa sạch tội lỗi mang trên mình...
Và cuối cùng, tiếng kẻng báo thức đã vang lên. Chỉ khi nào nghe tiếng kẻng báo thức ấy, hắn mới biết chắc mình còn được sống thêm một ngày nữa...”.
Khi nhận quyết định chuyển án xuống chung thân, Nguyên vui vẻ về trạm giam Nam Hà chấp hành án lao động cải tạo. Chăm chỉ, chấp hành tốt nội quy và chưa một lần bị quản giáo phê bình, nhắc nhở.
“Tôi gương mẫu trong mọi phong trào nên được giao trọng trách là “Thư ký đội phạm nhân”. Thêm nữa, phát hiện tôi có năng khiếu văn chương nên cấp trên giao cho tôi vào tổ chấm báo tường được tổ chức trong các dịp lễ, tết”, Nguyên nói.
Bỗng dưng thành nhà văn
Có lẽ, bước ngoặt của cuộc đời Nguyên là các cuộc thi viết, trong đó có các cuộc vận động “phạm nhân kể chuyện đời mình” do Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an tổ chức.
Nguyên cùng mọi người tham gia rất nhiệt tình. Năm 2011, trong cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, Nguyên có bài dự thi song do gửi muộn nên không được chấm giải. Trong bài dự thi, Nguyên có đính kèm thư gửi Ban tổ chức đề đạt nguyện vọng xin viết tiểu thuyết.
Thế rồi, không đợi câu trả lời của cấp trên, Nguyên tranh thủ từng ngày, từng giờ để viết cuốn tiểu thuyết mang tên “Núi Mẹ”.
Kể từ đầu tháng 6/2011, Nguyên bắt đầu viết trang bản thảo đầu tiên đến hết năm thì hoàn thành với số lượng khoảng 700 trang kể về cuộc sống của những người con dân tộc trong bản làng Công- Mẫu Sơn hùng vĩ thời kỳ trước cách mạng tháng 8.
Họ đã bị bọn quan lại bóc lột tận xương tủy, cướp hết ruộng vườn, dồn họ tới bước đường cùng phải lên núi xây dựng sơn trại để làm “Lục lâm thảo khấu”. Nhưng nhờ các cách mạng cảm hóa, giáo dục, từ những giặc cướp bất đắc dĩ, họ lột xác trở thành chiến sỹ kiên cường, trở lại đời thường thật đẹp, bình dị.
Ông Nguyên cho biết: đã “thai nghén” tác phẩm này trên 6 năm trời nên viết rất nhanh. “Vả lại tôi được sống tại địa phương đã ghi chép nhiều tư liệu lịch sử quê nhà. Câu chuyện cũng giống như cuộc đời nên chỉ việc chép ra, thêm thắt văn từ.
Có những nhân vật ngoài đời thực cũng được vào tác phẩm, ví như nhân vật Sao Nhi chính là nguyên mẫu từ vợ tôi, một người đàn bà tần tảo, suốt đời hy sinh cho chồng con dù họ có bị vấp ngã”. Ông Nguyên xúc động tiết lộ.
Trong thời gian ở tù, Nguyên còn viết xong tác phẩm “Hoa xương rồng” (truyện dài 300 trang) và trên 100 bài thơ. Tuy nhiên, ông chưa in ở đâu, vì chủ yếu viết thỏa mãn nỗi lòng mình; phần nhiều “tự sự”, để tặng vợ trong những ngày xa cách.
Niềm vui nối tiếp, sau 17 năm 6 tháng ở tù, ngày 31/8/2015, Nguyễn Đức Nguyên được Chủ tịch Trương Tấn Sang ký đặc xá tha tù trở về với gia đình. Bên cạnh niềm vui sướng đoàn tụ cùng người thân, Nguyên còn được mời tham dự Trại sáng tác Văn học “Cây bút vàng lần thứ 2” do Chi hội Nhà văn Công an ND và NXB Công an ND - Bộ Công an tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng (tháng 3/2016).
Tại đây; cuốn tiểu thuyết “Núi Mẹ” được chỉnh sửa, rút gọn từ 700 trang xuống còn 400 trang. Sau đó, quý 3/2017 tiểu thuyết này được NXB Công an Nhân dân xuất bản, lập tức gây sự chú ý của dư luận và bạn đọc.
Mới đây, cuối tháng 10/2017, ông Nguyên còn được Bộ công an mời dự trại sáng tác văn học tại Phú Quốc, Kiên Giang hơn nửa tháng. Tháng 2/2018, ông Nguyễn Đức Nguyên vinh dự được kết nạp là Hội viên Hội VHNT Lạng Sơn.
Giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, khi đang viết dở tập truyện ngắn về đề tài khởi nghĩa Bắc Sơn, ông Nguyễn Đức Nguyên thấy bụng đau dữ dội. Đi khám, bác sỹ kết luận, ông bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Tuy nhiên, ông vẫn dành thời gian, sức lực để hoàn thành tác phẩm này để trả nghĩa cho cuộc đời.