Trong vài năm trở lại đây, Nga đã nỗ lực để trở thành cường quốc vượt trội ở Trung Đông, qua mặt Mỹ và các quốc gia lớn trong khu vực, chuyên gia về quan hệ quốc tế Shay Attias nhận định trên Jewish News Syndicate.
Điều này được thể hiện thông qua việc Moscow triển khai sự hiện diện quân sự ở Syria, tăng cường quan hệ đối tác sâu sắc với Iran trong các mục tiêu chung, đồng thời nâng cao quan hệ với các nước láng giềng Ả Rập.
Sự gắn kết hiện tại của Moscow với Taliban, Syria, Iran và Israel là một chiến lược mang tầm vóc thực sự. Không đi theo định nghĩa về "quyền lực mềm" truyền thống, Nga đã phát triển một phiên bản quyền lực mềm ngoại giao mới và đã có được một số thành công.
Theo chuyên gia Attias, Moscow chưa bao giờ lấy lại được sức ảnh hưởng mạnh mẽ mà họ có được từ trước thời Liên Xô sụp đổ. Do đó, Tổng thống Pu tin đang làm hết sức mình để thay đổi điều này, chủ yếu thông qua sức mạnh mềm.
Số lượng các dự án ngoại giao công chúng thúc đẩy hình ảnh toàn cầu của Nga về chính trị, thể thao, văn hóa, kinh tế và khoa học đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Trong khi đó, sự suy giảm vị thế của Mỹ tại Trung Đông lại vô tình góp phần nâng cao vị thế của Nga như một nhà môi giới hòa bình trong khu vực.
Cây bút Attias cho rằng, ông Putin đã nâng vị thế của Nga trở nên vượt trội trong khu vực thông qua công cụ "sức mạnh cứng" truyền thống như công chúng thấy ở Syria, đồng thời nói chuyện bằng "sức mạnh mềm" ở nhiều nơi khác, như với Taliban, Israel.
Đây không phải là một thành công ngẫu nhiên. Ngay từ năm 2012, Tổng thống Putin đã từng nói về định hướng của nước Nga giữa bối cảnh thế giới đang dần thay đổi từng ngày.
Theo định nghĩa của ông, sức mạnh mềm của Nga có thể được hiểu là mang đến những giá trị tích cực nhằm lấn át những cái tiêu cực. Ông chủ Điện Kremlin đã rất rõ ràng về các mục tiêu quyền lực mềm của Moscow:
"Nga có cơ hội không chỉ bảo tồn văn hóa mà còn sử dụng nó như một lực lượng mạnh mẽ cho những bước tiến trên trường quốc tế. Ngôn ngữ Nga được sử dụng ở hầu hết các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và ở một phần quan trọng của Đông Âu. Nó không còn là vấn đề liên quan đến đế chế khi xưa, mà là tiến trình văn hóa.
Xuất khẩu giáo dục và văn hóa sẽ giúp thúc đẩy hàng hóa, dịch vụ và ý tưởng của Nga; trong khi sự áp đặt của súng ống và chính trị sẽ không làm được điều đó. Chúng ta phải nỗ lực để mở rộng sự hiện diện về giáo dục và văn hóa của Nga trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia nơi một bộ phận đáng kể dân số nói hoặc hiểu tiếng Nga".
RT đang trở thành một kênh truyền thông lớn trên toàn cầu.
Những nỗ lực ngoại giao với Taliban hay Israel chỉ là một trong những ví dụ về quyết tâm trở thành một siêu cường quyền lực mềm thời hiện đại của Nga. Mới đây, Nga cũng đã xây dựng kênh truyền thông quốc tế RT - trước đây gọi là Russia Today – trở nên phổ biến hơn trong giới truyền thông toàn cầu, từng bước mang tiếng nói của Nga trở nên rõ ràng hơn tại nhiều khu vực.
Thời gian qua, RT đang đạt được những bước phát triển lớn đối với kênh tiếng Ả Rập của mình. Theo đó, RT Arabic đang là một trong những mạng truyền hình lớn nhất trong khu vực (cùng với Al Jazeera).
Dù bị Mỹ coi là "công cụ tuyên truyền", RT về cơ bản đang làm rất tốt trong việc thúc đẩy quan điểm của Nga trong khu vực. Những con số không nói dối. Hiện tại, RT Arabic đang có 6,3 triệu người dùng hàng tháng tại sáu quốc gia nói tiếng Ả Rập, bao gồm: Ai Cập, Morocco, UAE, Saudi Arabia, Iraq và Jordan.
Một nỗ lực ấn tượng khác của Nga là thành lập Cơ quan Liên bang Rossotrudnichestvo (một phiên bản giống với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ). Đây là cơ quan điều hành Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga ở Jordan, Lebanon, Syria, Ai Cập, Morocco, Tunisia và các khu vực của Palestine.
Khát vọng của Nga trong việc trở thành một nhà "siêu môi giới quyền lực mềm" khu vực đang dần thành hiện thực. Điều đó thể hiện ở mọi nơi khác nhau, từ Kabul cho đến các vùng lãnh thổ do Israel, Palestinian kiểm soát; ở Libya và các quốc gia vùng Vịnh.
Nếu một cuộc chiến quyền lực mềm giữa Nga và Mỹ ở Trung Đông được ghi nhận bằng số liệu thực tế, hầu hết các thông số sẽ cho thấy Moscow đang là bên có bước tiến mạnh hơn.
Hai cuộc thăm dò khu vực gần đây cho thấy những người Ả Rập trẻ tuổi (trong độ tuổi 18-24) ngày càng coi Nga là đồng minh nhiều hơn, trong khi đánh giá Mỹ là quốc gia không đáng tin cậy hoặc tồi tệ.
Tỷ lệ người Ả Rập trẻ tuổi coi Mỹ là đồng minh đã giảm từ 63% vào năm 2016 xuống còn 35% vào năm ngoái. Nga ngày càng được coi là một đồng minh "phi Ả Rập" hàng đầu đối với những người trẻ tuổi ở Trung Đông, với 20% coi đây là người bạn tốt nhất của khu vực bên ngoài Trung Đông và Bắc Phi.
Nếu Tổng thống Trump vẫn tin rằng Mỹ nên trở thành "cảnh sát trưởng của thế giới", ông sẽ phải chống lại sự thúc đẩy quyền lực mềm của người đồng cấp Putin. Nếu không, Washington sẽ thấy mình sẽ thất bại trong cuộc chiến ngoại giao với Nga trong khu vực.