1. Trước khi mùa giải khởi tranh, người ta dự báo cuộc đối đầu giữa Man City và Chelsea hôm nay sẽ là trận chiến quyết định đến cục diện của cả mùa giải Premier League.
Thế nhưng bây giờ, tính chất của một "trận cầu 6 điểm" đã phai nhạt đi ít nhiều. Bởi Man City thì đang băng băng về đích trong khi Chelsea chỉ cố làm sao để giành được suất dự Champions League mùa sau.
Không chỉ gần như đã vô địch, Man City còn hướng đến việc phá kỷ lục về số điểm giành được trong một mùa, vốn thuộc về… Chelsea.
Mùa giải 2004/05, Chelsea của Jose Mourinho kết thúc Premier League với 95 điểm. Năm ngoái, Chelsea của Antonio Conte về đích với 93 điểm. Đấy đều là năm làm việc đầu tiên ở Chelsea của cả hai.
Năm ngoái, Chelsea cán đích Premier League với 93 điểm.
Một trùng hợp thú vị nữa: Mourinho và Conte đều giới thiệu cho bóng đá Anh một sơ đồ chiến thuật hãy còn mới mẻ và vô tình tạo ra một cuộc cách mạng nho nhỏ về lối chơi.
Cả Mourinho và Conte đều khởi đầu mùa giải một cách khá chật vật. Nhưng một điều chỉnh quan trọng về sơ đồ chiến thuật đã bẻ lái vận mệnh của họ lẫn đội bóng của họ. Mourinho tái cấu trúc lại sơ đồ 4-3-3 trong khi Conte giới thiệu 3-4-3. Họ cùng đưa ra một vấn đề nan giải cho 19 đội bóng còn lại.
Về mặt con số, Man City vẫn còn cơ hội để phá vỡ kỷ lục về điểm số. Họ phải giành 21 điểm trong 10 trận còn lại. Đấy là một mục tiêu khả thi bởi trong 10 trận ấy, chỉ có 3 trận là gặp những đội trong "top 6", gồm hai trận sân nhà tiếp Chelsea và Man United, một trận đến sân của Tottenham. Cứ cho như họ thua cả ba trận ấy, thì việc giành 21 điểm tối đa ở 7 trận lại vẫn là trong tầm tay.
Với một Man City đang lao phăm phăm về đích, 21 điểm trong 10 trận còn lại là hoàn toàn khả thi.
Hệ thống chiến thuật của Pep Guardiola cũng là một cuộc cách mạng. Sơ đồ thì không có gì mới, nhưng cách vận hành thì cực kỳ phức tạp, với những tinh tế, tỉ mỉ mà khó có thể phân tích nổi trong thời lượng ngắn. Nhưng một đặc điểm dễ nhận ra nhất: Pep dùng đến hai tiền vệ có vai trò "số 10" là David Silva và Kevin de Bruyne.
Trong cuộc đua về điểm số với hai Chelsea trước đây, Man City có một hành trình ngược lại: họ chơi bốc ngay từ đầu. Với những đúc kết từ mùa giải đầu tiên tại Anh, Pep Guardiola lập tức tăng tốc con tàu Man City ngay khi mùa giải thứ hai khởi tranh.
Và đã có lúc, người ta bàn về việc liệu Man City có thể tái lập kỷ lục bất bại của Arsenal hay không. Cho dù sau đó, Man City thỉnh thoảng có khựng lại một chút, nhưng Pep vẫn rất nhanh chóng mang đội bóng trở lại quỹ đạo.
Chức vô địch Carabao Cup của Man City vô tình "dìm chết" Arsenal của Wenger.
Lấy trận thua Wigan và bị loại ở Cúp FA làm ví dụ, Man City đứng dậy tức thì khi đánh bại Arsenal hai lần, cùng với tỷ số 3-0. Trận đầu giúp họ giành Carabao Cup, danh hiệu đầu tiên của Pep tại Anh. Trận thứ hai giúp họ vững vàng thêm ở đỉnh BXH Premier League và có thể sẽ là khởi đầu cho một kết thúc của chính Arsene Wenger.
2. Man City đáng quý ở chỗ dù thỉnh thoảng bị mất điểm, họ vẫn kiên định với lối chơi duy mỹ của mình. Trong khi đó, Conte và Mourinho đã nửa chừng phải thay đổi chiến thuật, và sự thay đổi ấy mang lại kết quả mỹ mãn. Cả Pep, Conte và Mourinho đều là những chiến lược gia dũng cảm, dù cho họ dũng cảm theo những cách khác nhau.
Sự dũng cảm ấy của Pep đã kéo dài từ khi ông khởi nghiệp ở Barcelona. Trong đầu ông chỉ có một con đường: kiểm soát bóng, tấn công và truy tầm bàn thắng. Còn Chelsea kỷ lục của Mourinho thì giữ trắng lưới đến 25/38 vòng đấu, trừng phạt đối thủ bởi những đòn phản công sắc lẹm. Chelsea ấy thiếu một số 10 thực sự hào hoa và một chân sút có hiệu suất đáng sợ.
Frank Lampard là gương mặt tiêu biểu cho lối chơi của Mourinho. Nhưng anh là biểu trưng của sự hiệu quả hơn là hoa mỹ. Trên tuyến đầu, Didier Drogba hãy còn đang hòa nhập với Premier League, Arjen Robben có ánh nét thiên tài nhưng thường xuyên chấn thương.
Ngay cả Joe Cole, được xem là niềm hy vọng lớn của bóng đá Anh vào lúc đó, cũng phải gột bỏ chất nghệ sĩ mà tăng thêm chất công nhân để được trọng dụng.
Đội bóng của Conte mùa trước dễ xem hơn, vì có một Eden Hazard. Nhưng cầu thủ hay nhất do PFA bình chọn vào cuối mùa lại là… N’Golo Kante, một tiền vệ phòng ngự. Chức vô địch của Conte có công đầu là cặp Kante - Matic quá vững vàng, cùng bộ đôi hậu vệ biên lên công về thủ nhịp nhàng.
Conte đã tại ra được một Kante quá đỗi xuất sắc.
Còn Man City của Pep thì đẹp toàn diện. Các trung vệ của họ cũng chuyền bóng giỏi như tiền vệ. Ederson giỏi điều phối bóng và lao ra vòng cấm không thua gì cản phá. Kun Aguero đang đua Vua phá lưới với Harry Kane và Mohamed Salah dù anh không phải là tiền đạo số một của Pep.
Còn De Bruyne và David Silva thì là hai trong số những cái tên sáng giá cho danh hiệu cầu thủ hay nhất mùa. Còn hai tháng rưỡi nữa, Man City này sẽ trở thành một trong những đội bóng hay nhất lịch sử Premier League. Họ quả thực đã đưa nghệ thuật tấn công lên một tầm vóc mà nước Anh chưa từng thấy trước đó.