1. Hơn 2 ngàn năm trước, Phạm Lãi đã từng để lại cho hậu thế rất nhiều bài học đắt giá về binh pháp, về cách đối nhân xử thế, về con người, về thời thế... Nhưng bài học "đắt giá" nhất mà ông để lại là vào lúc cuối đời, khi ông đáng lẽ được tận hưởng một cuộc sống nhàn tản, vô lo. Bài học ấy phải trả giá bằng mạng sống chính đứa con trai của mình.
Sử ký kể lại rằng, sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, lên ngôi, Phạm Lãi lặng lẽ cùng Tây Thi trốn đi để tránh cái họa "Phi điểu tận, lương cung tàng. Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh", tức "Chim hết rồi thì cất cung đi. Thỏ khôn chết rồi, chó săn bị thịt".
Từ bỏ mọi chức tước, trốn sang nước Tề, ông buôn bán ở đất Đào, thành công và đổi tên thành Đào Chu Công. Con trai thứ của ông phạm tội giết người, bị giam ở nước Sở. Phạm Lãi có quen tướng quốc nước Sở là Trang Sinh, bèn sai người con út mang 1.000 dật vàng sang nhờ người bạn cũ cứu con. Người con cả nhất quyết xin đi, Tây Thi cũng năm lần bảy lượt năn nỉ, ông đành đồng ý.
Rốt cuộc, không những không cứu được em, mà đứa con trai cả của Phạm Lãi còn đẩy em mình vào chỗ chết, chỉ vì tiếc 1.000 dật vàng cha giao cho để cứu em.
Với bóng đá Việt Nam, kỳ SEA Games gần nhất là nỗi tủi hổ đáng quên.
Với người con cả của Phạm Lãi - đứa con lớn lên trong khó khăn, nghèo khổ, số vàng ấy là cả một gia tài. Nó giống như với bóng đá Việt Nam, chức vô địch SEA Games chưa từng đoạt được là cực kỳ quý giá, là đích đến của nhiều thế hệ cầu thủ, là thứ mà người hâm mộ Việt Nam phải thở dài thèm muốn mỗi khi nhắc đến.
Nhưng với đứa con trai út của Phạm Lãi hơn hai nghìn năm trước - đứa con sinh ra trong nhung lụa, chỉ biết cưỡi xe bền, giong ngựa tốt, theo đuổi cầy cáo, nào có biết của cải nhà mình do đâu mà có, sẵn sàng phung phí tiền một cách dẫn dàng, thì số vàng ấy chả là gì so với tính mạng người anh trai ruột thịt của mình.
Nếu so chức vô địch SEA Games với những kỳ tích mà HLV Park Hang-seo cùng các đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt được trong suốt hơn một năm qua, thì thành tích ấy quả tình là bé nhỏ. Làm sao chức vô địch lứa tuổi U22 hay U23 Đông Nam Á lại có cửa so với cúp vàng AFF Cup vừa đoạt được, hay kỳ tích Á quân U23 châu Á, đệ tứ anh hào Asiad...
Chả nhẽ chức vô địch AFF Cup lại không bằng SEA Games?
2. Ngày xưa ấy, đứa con trai cả của Phạm Lãi nghe lời cha đưa số vàng cho Trang Sinh - dẫu cho ông không có ý nhận, để rồi vị tướng quốc này dùng ảnh hưởng của mình khuyên Sở Vương đại xá thiên hạ, gián tiếp "giải nạn" cho người con trai thứ của Phạm Lãi.
Người anh nghe tin, tiếc ngàn vàng, bởi nghĩ rằng em trai mình thoát nạn chẳng phải vì do Trang Sinh giúp, để rồi quay lại đòi, khiến Trang Sinh cực kỳ xấu hổ với chính bản thân mình, dèm pha cùng Sở Vương khiến con trai Phạm Lãi bị giết, trong khi cả thiên hạ vẫn được đại xá.
Phạm Lãi đón xác con về mà bình thản như không, bởi từng cầm binh trải qua trăm trận chiến, từng cùng Việt Vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai định mưu phục quốc, rồi thoát khỏi nanh vuốt của chính quân vương mình từng hết lòng phò tá, ông đã đoán trước được cơ sự. Vàng là quý, nhưng chẳng phải mạng người so với ngàn vàng còn quý hơn gấp bội sao?
Chẳng phải, so với chức vô địch SEA Games "ngàn vàng", sự phát triển của bóng đá Việt Nam quý hơn gấp bội hay sao?
Đây không phải là lần đầu tiên nhà cầm quân người Hàn Quốc này than thở về việc ông bị quá tải. Suốt một năm trời qua, trong quãng thời gian ông phải chứng tỏ thực lực, tài năng của mình, trong quãng thời gian bóng đá Việt Nam cần phải đứng dậy từ chính vũng bùn SEA Games 2017, ông buộc phải căng mình ra như thế. Thế nhưng với tất cả những kỳ tích đã đem về, cớ sao cứ phải ép ông phải căng mình ra chinh phục SEA Games, trong khi trước mắt là nhiệm vụ quan trọng hơn nhiều.
Có ít nhất hai nhiệm vụ quan trọng hơn chức vô địch SEA Games sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Thứ nhất là lặp lại kỳ tích ở giải U23 châu Á, để hướng đến đích ngắm là Olympic Tokyo 2020. Và nhiệm vụ còn lại thậm chí còn quan trọng hơn, là vòng loại World Cup 2022, với đội tuyển quốc gia Việt Nam - bộ mặt và sự khẳng định cho tầm vóc, cũng như tầm nhìn của bóng đá Việt Nam.
Rất có thể với HLV Park Hang-seo, với lứa cầu thủ gồm những Quang Hải, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh... bóng đá Việt Nam sẽ chinh phục được chức vô địch chức vô địch SEA Games, làm thỏa mãn sự khát khao bấy lâu nay. Nhưng chắc chắn, nó sẽ ảnh hưởng không ít tới lộ trình phát triển của bóng đá Việt Nam đang được ông thầy người Hàn Quốc này vạch ra.
Không chỉ bởi nó lấy đi tâm sức của HLV Park Hang-seo, có thể khiến các tuyển thủ ĐTQG về đá SEA Games dính chấn thương, mà quan trọng hơn, nó lấy đi cơ hội được thử lửa của các cầu thủ trẻ - điều mà ông Park Hang-seo từng thổ lộ rằng là điểm yếu nhất khiến bóng đá Việt Nam chưa thể phát triển đúng tầm.
Nhìn đâu xa, rất nhiều các đội bóng tầm cỡ ở châu lục không đưa các cầu thủ đã thành danh, có chân trong ĐTQG tham dự các giải đấu trẻ dù vẫn đủ tuổi, thậm chí còn rất trẻ. Họ tạo cơ hội cho những lứa cầu thủ tiếp theo, đồng thời khiến những tuyển thủ quốc gia trẻ ấy nỗ lực hơn, để với tới những mục tiêu cao hơn, đáng giá hơn.
Năm xưa, Phạm Lãi biết cho con trai cả đi là mất đứa con trai thứ. Nhưng trước đứa con trai đòi tự sát nếu không cứu được em, trước người vợ khăng khăng bênh con, ông đành phải gật đầu, để rồi ngày con trở về, chỉ còn biết ngẩng mặt lên trời mà rằng: "Lẽ đời là thế, có gì đáng thương. Ta ngày đêm vẫn đợi nó đưa tang về".
Hôm nay, dẫu biết rằng đặt gánh nặng SEA Games lên đôi vai của HLV Park Hang-seo là có thể kéo lùi bóng đá Việt Nam lại một bước, nhưng có lẽ VFF rồi cũng sẽ chẳng thể hành xử khác được. Cứ bình thản thôi ông Park ạ, có những thứ phải kinh qua thì mới biết giá trị của nó.
Tiếc cho ông, tiếc cho bóng đá Việt Nam. Giá như chức vô địch SEA Games không phải là giấc mơ diệu vợi với người hâm mộ Việt Nam đến thế...