Từ Hồ Tây thèm khát nhìn hồ ở bên... Tây

Nhung Nguyễn |

Đêm trước khi quay trở lại trường ở một đất nước khác, tôi đi đúng một vòng Hồ Tây nữa. Mùi hôi thối của nước là thứ không thể phủ nhận ở rất nhiều đoạn bờ hồ.

Lần về Việt Nam này, tôi nghe nhiều về vụ 200 tấn cá chết ở Hồ Tây. Đó là cái nơi mà trong một trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, tôi ngày ngày đạp xe từ Mễ Trì xuống, rồi đạp đúng một vòng quanh hồ.

Vừa là để giết thời gian, vừa là để lấy lại cân bằng về những gì mình đang trải qua. Đêm trước khi quay trở lại trường ở một đất nước khác, tôi đi đúng một vòng Hồ Tây nữa. Mùi hôi thối của nước là thứ không thể phủ nhận ở rất nhiều đoạn bờ hồ. Lòng tôi không còn đau nữa, nhìn thấy quá nhiều thảm họa môi trường, tự hỏi phải chăng mình đã "nhờn" với những nỗi đau như thế này?

Rồi tôi nghĩ về những cái hồ mà tôi đã đi qua.

Tây Hồ Hàng Châu: Nỗi ám ảnh hữu tình

Không phải chỉ ở Việt Nam mới có hồ Tây. Có khoảng gần 400 cái hồ có tên như vậy ở Trung Quốc, nhưng cái nổi tiếng nhất là ở thành phố Hàng Châu - tỉnh Chiết Giang.

Tác giả Nhung Nguyễn. Sinh viên cao học ngành Khoa học Chính trị tại đại học Ateneo (tại Philippines) và ngành Quản lý có Trách nhiệm và Phát triển Bền vững, Đại học Hòa bình, Liên Hợp Quốc (tại Costa Rica).

Người Trung Quốc có câu "Trên trời có thiên đàng/ Dưới đất có Tô Hàng" (chỉ Tô Châu và Hàng Châu - là hai thành phố đẹp và giàu có từ lâu đời ở vùng Giang Nam, trên đất Trung Hoa cổ). Do vậy, đây cũng là nơi mà bạn sẽ bắt gặp những câu điển tích về chuyện tình Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài trên cây cầu Trường Kiều, hay là sự tích về mộ nàng Ngô Tiểu Tiểu ở đây.

Xứ Hàng Châu cũng là nơi Nguyễn Du sang ở mấy năm, nghe chuyện nàng và sau đó viết truyện Kiều. Tôi có hỏi người địa phương có ai biết Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài nhân không. Câu trả lời phần lớn là không? Tôi lại hỏi tiếp, thế có ai biết là Nàng Kiều không? Câu trả lời cũng không. Vì câu chuyện bán mình chuộc cha mà họ biết đến là của người con gái ở vùng này.

Đó là chuyện muôn thuở của văn thơ, của thứ này nổi tiếng xứ này, thứ kia nổi tiếng xứ khác. Điều tôi muốn bàn chính ở đây là cách người ta bảo vệ cái hồ trứ danh này.

Hãy nhớ rằng, đây là một trong những thành phố giàu có hạng nhất ở Trung Quốc, thu hút nhiều khách du lịch cũng vào hạng nhất nhì. Ngay bên cạnh hồ có khách sạn năm sao Tây Tử cùng một nhà hàng, nơi ông Tập Cận Bình đãi quốc yến G20.

Từ Hồ Tây thèm khát nhìn hồ ở bên... Tây - Ảnh 3.

Tây Hồ ở Hàng Châu.

Một bữa tiệc ở đây nghe nói có thể tiêu tới cả gia tài, và hình ảnh của nhà hàng này được in lên một trong số đồng tệ của Trung Quốc. Nghĩa là ven hồ người ta cũng có làm dịch vụ, để phục vụ khách. Nhưng chỉ một số loại dịch vụ được "chòi" ra tới bờ hồ thôi. Và giá cả của nó thế nào, thì ai đã vào đây chắc có dịp được kiểm chứng.

Không có chuyện chỉ cần gửi xe, vào gọi vài cốc bia rẻ tiền trên cái chòi lắp đặt trên một đám bè bằng thùng sắt thả nổi trên mặt hồ. Uống bia xong, lại vào cái gọi là nhà vệ sinh để xả cái thứ nước giải khát chưa kịp tiêu hóa hết đó …ra hồ.

Cô hướng dẫn viên du lịch cho hay xung quanh chu vi 15 của cái hồ này, không có nhà vệ sinh nào được xây với khoảng cách dưới 20 mét tính từ mép hồ. Hơn nữa, hệ thống nước thải chảy ngược lại so với hướng bờ hồ.

Chúng tôi được báo nếu có nhu cầu vệ sinh thì phải thực hiện từ trên cạn, trước khi bước xuống thuyền dạo quanh hồ, vì trên thuyền không có nhà vệ sinh để đảm bảo không có chất thải bị xả xuống hồ. Trăm cái thuyền trên bến, cái nào cũng như cái nào. Góc hồ chỉ có lá vàng rơi rụng cảnh đẹp như bồng lai, tuyệt không có rác và không có mùi hôi thối.

Titicaca: Khi hai đất nước chung một cái hồ

Titicaca là một cái hồ lớn, được coi là hồ ở độ cao lớn nhất thế giới so với mực nước biển, nằm ở mức hơn 3.800 mét, tức là cao hơn độ cao của đỉnh Fansifan ở Việt Nam. Chu vi của hồ khoảng 1.1200 km, tức là tương đương khoảng cách đường bộ từ Hà Nội vào tới Pleiku.

Từ Hồ Tây thèm khát nhìn hồ ở bên... Tây - Ảnh 4.

Bên hồ Titicaca

Hồ nằm trên địa phận hai quốc gia láng giếng là Bolivia và Peru. Do nằm trên dãy núi Andes, gần các khu vực có mỏ khoáng sản vào loại giàu có nhất trên thế giới nên việc bảo vệ cái hồ này, nhất là bảo vệ môi trường của nó không hề đơn giản.

Do bản thân hồ nằm trên độ cao lớn, một số đỉnh núi giữa hồ còn được ghi nhận là có băng tuyết quanh năm. Tuy nhiên, đỉnh cuối cùng còn băng hà của hồ là Chacaltaya cũng đã tan hết băng vào năm 2010.

Đó là hậu quả nhãn tiền của biến đổi khí hậu, mà mắt thường của con người có thể quan sát được. Hơn thế nữa, một vấn đề khác của hồ là tình trạng bị ô nhiễm do khai khoáng ở trên núi, nước thải từ các mỏ trên núi chảy xuống hồ, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Từ Hồ Tây thèm khát nhìn hồ ở bên... Tây - Ảnh 5.

Đảo nổi Uros

Một vấn đề khác của hồ là vấn đề đô thị hóa ngày càng tăng của hai quốc gia bên hồ. Từ khắp các thị trấn Puno tới Copacabana, mức độ đô thị hóa chóng mặt đã gây sức ép lên cái hồ vốn hàng ngàn năm chỉ phải nuôi những người Uros sống trên đảo có và vài vạn dân lân cận.

Thêm vào đó, du lịch mang khách khứa từ khắp năm châu tới cũng đặt ra các vấn đề nghiêm trọng về mặt môi trường của hồ này.

Những nỗ lực của hai quốc gia trong việc bảo vệ hồ thực ra không thấm vào đâu so với sức tàn phá của công nghiệp khai khoáng, đô thị hóa và du lịch phổ thông lên tài sản thiên nhiên quý báu này.

Ba nơi mà chúng tôi được đi qua trong chuyến thăm hồ là đảo nổi Uros, đảo Amantani và đảo Taquile. Trong khi đảo nổi Uros là của người dân tộc thiểu số Uros, truyền thuyết kể rằng do một vụ xung đột sắc tộc khiến người Uros bị đuổi ra khỏi đất liền, chạy trốn ra hồ Titicaca sinh sống.

Không có đất đai, họ phải lấy rễ một loại cỏ nhẹ như bấc, buộc chắc vào với nhau và thả xuống làm nền nhà. Hằng năm, nền này sẽ bị lún xuống nên họ cắt một lớp cỏ rải trong nhà và ngoài sân để tôn nền.

Đảo Armantani là nơi ở của người Quechua, nơi có di tích đền cha và đền mẹ (pachamama và pachatata) chỉ bằng xếp chồng các khối đá lên nhau, còn đảo Taquile là nơi định cư của những người Quechua bản địa và người tù dưới chế độ thống trị của người Tây Ban Nha. Đây là nơi chế độ mẫu hệ vẫn đươc thực hành, đàn bà sẽ quản lý nhà cửa, chăm sóc gia đình, còn đàn ông thì thêu thùa để lo kinh tế.

Từ Hồ Tây thèm khát nhìn hồ ở bên... Tây - Ảnh 6.

Từ Hồ Tây thèm khát nhìn hồ ở bên... Tây - Ảnh 7.

Bến thuyền trên đảo Armantani

Trên cả ba khu vực đảo là cảm giác sạch sẽ, không một cọng rác, mặc dù khách du lịch có mặt khắp nơi. Người hướng dẫn cho chúng tôi biết các tiện nghi hiện đại thực ra chủ yếu được dùng để phục vụ khách du lịch. Chúng tôi có thể tìm thấy bữa sáng theo kiểu châu Âu với pan cake, salad, và bơ, cũng như có khoai tây, cơm, và cà chua cho bữa trưa. Còn người bản địa ăn chủ yếu là ngô và quinoa.

Tất cả những thứ mang tính hiện đại để phục vụ khách dụ lịch đều được mang từ bên ngoài đến và đương nhiên rác thải sẽ được thu gom và mang ra khỏi đảo vào một ngày nhất định trong tuần. Trên khắp các hòn đảo, không tìm thấy một mảnh nilon hay một vỏ chai bị vứt ra ngoài. Ý thức bảo vệ môi trường là nghiêm ngặt.

Hồ Tây - chiếc áo quý bị chuột cắn

Sẽ là không công bằng nếu đòi hỏi tách hồ ra khỏi người dân. Chắc chắn sẽ có những phản đối gay gắt, nếu kêu gọi dừng tất cả mọi hoạt động dịch vụ xung quanh và trên hồ. Sẽ có những câu hỏi về mâu thuẫn lợi ích, về quyền của số đông đươc nêu ra nếu các biện pháp gay gắt được áp dụng để bảo vệ hồ.

Nhưng hãy nghĩ về bộ quần áo đẹp nhất mà chúng ta sở hữu. Chúng ta sẽ làm thế nào để bảo vệ nó. Vài người sẽ dành cho nó một vị trí tốt nhất trong ngăn tủ. Vài người sẽ đặt băng phiến. Vài người khác thậm chí còn bọc nilon hoặc túi vải không dệt. Thế nên, cá chết ở Hồ Tây là câu chuyện mà chúng ta phải trả giá cho sự bất cẩn và thiếu tỉ mỉ của chúng ta trong việc giữ gìn tấm áo quý của chính mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại