Chương trình thẩm định cổ vật ở Trung Quốc được tổ chức thường niên tại nhiều thành phố lớn, với mục đích là sân chơi cho người đam mê đồ cổ, cũng là chốn thử vận của nhiều người ôm khát khao phát tài.
Chương trình mời những vị chuyên gia về đồ cổ am hiểu lịch sử đến để thẩm định thật giả và định giá cho món đồ. Có người vui mừng vì đồ trong tay là cổ vật quý hiếm, giá trị liên thành; có người lại chưng hửng vì mua trúng đồ giả, tiền mất tật mang.
Văn hóa chơi đồ cổ đã xuất hiện từ rất lâu trong đời sống dân gian Trung Quốc. Những món đồ càng lâu đời, đậm chất văn hóa thì càng đắt tiền. Song cũng không ít người mượn điểm này để kinh doanh làm giàu. Nhiều khu chợ đồ cổ mọc lên, người bán thật giả lẫn lộn, người mua đến tìm cho mình món đồ quý về sưu tầm, cũng có người bỏ tiền mua thứ "chưa chắc cổ" về để bán lại với hy vọng mình đã chọn trúng thứ đồ giá trị. Cũng giống như cụ ông hơn 70 tuổi dưới đây.
Cụ ông rất thích chơi đồ cổ, cũng có lượng kiến thức nghiên cứu nhất định. Do đó ông rất tự tin với đôi mắt nhìn vật của mình. Trong một ngày đi dạo ở chợ đồ cổ như thường lệ, ông đã để ý đến một chiếc "quan tài vàng" rất bắt mắt. Sợ người khác mua mất, ông đã chi số tiền không nhỏ, 80.000 NDT (hơn 267 triệu đồng), mua chiếc quan tài mang về nhà trưng.
Bản thân ông biết chắc món đồ này không tầm thường, quan tài mà có thể làm tinh xảo như thế thì hẳn sẽ chứa đựng ý nghĩa nào đó, và đa phần thuộc về quý tộc ngày xưa.
Mang theo sự tự tin này đến chương trình thẩm định, cụ ông muốn chia sẻ món đồ quý của mình đến những ai đam mê đồ cổ, đồng thời cũng muốn chuyên gia cho mình lời khẳng định.
Chuyên gia nhận chiếc quan tài vàng tiến hành kiểm tra. "Thứ này thật tinh xảo, tay nghề của người thợ khá điêu luyện".
Nghe lời này, cụ ông mỉm cười, tỏ vẻ: "Đương nhiên, quan tài này rất có duyên với tôi, vừa nhìn thấy tôi đã thích nó, nên đã chi 80 nghìn tệ mua về".
Cụ ông định nói thêm, nhưng chuyên gia đã ngắt lời: "Tuy nhiên, món đồ này là giả. Hoa văn bên trên không thuộc về bất kỳ thời đại nào, hơn nữa kỹ thuật chạm khắc cũng là của thời hiện đại. Nói đúng hơn, đây chỉ là món đồ trang trí bình thường, có thể đắt tiền, nhưng không có giá trị lịch sử. Ông mua bằng số tiền lớn như vậy là đã bị lừa".
Chuyên gia nói thêm: "Điều quan trọng hơn, quan tài là thứ đồ không cát tường trong quan niệm của người Trung Quốc. Trong lịch sử cũng chưa có thông tin nào thể hiện người ta dùng món đồ hình quan tài để trang trí bao giờ. Vì thời xưa càng cho rằng có quan tài trong nhà sẽ rước về xui xẻo, hiểm họa khôn lường, chỉ dành cho người chết".
Đến đây, cụ ông mới nhận ra sự thiếu hụt trong kiến thức đồ cổ của mình. Ông chia sẻ rằng, thật ra lúc mua chiếc quan tài vàng về, người thân và bạn bè đã ngăn cản, nhưng điều lạ lùng là ông lại rất thích nó, thế là vẫn một mực giữ nó trong nhà.
Chuyên gia lên tiếng khuyên cụ ông: "Thật ra, thời đại ngày càng phát triển, chúng ta cũng nên dung hòa văn hóa, tư duy hiện đại. Có lẽ quan tài này chỉ là đồ trưng bày, song nếu ông xem trọng vấn đề phong thủy và quan niệm truyền thống thì không nên đặt thứ này trong nhà, phải vứt đi ngay. Còn nếu ông thoải mái với tư duy hiện đại, bản thân thích thì cứ việc giữ, mình thấy vui là được".
Cụ ông nói đã hiểu được ý của chuyên gia, rồi mang chiếc quan tài vàng về nhà. Còn về việc tiếp tục giữ nó hay cho đi, bán đi, thậm chí là vứt, hoàn toàn là sự lựa chọn của ông.
Nguồn: Sohu