Tự đóng tàu tàng hình tối tân, quốc gia nghèo này khiến nhiều nước ĐNÁ phải kính nể

Nam Đồng |

Bangladesh là một quốc gia nghèo nằm tại khu vực Nam Á, tuy nhiên thời gian gần đây họ đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong mọi mặt đời sống xã hội.

Một trong những thành tích và cũng là niềm tự hào của Bangladesh chính là nền công nghiệp quốc phòng của họ đã vượt qua ranh giới nước chậm phát triển, bằng chứng rõ ràng nhất là việc đóng thành công tàu tên lửa tàng hình tiên tiến lớp Durjoy trong thời gian khá ngắn.

Durjoy là lớp tàu tuần tra cỡ lớn (LPC) phục vụ trong Hải quân Bangladesh, tổng cộng 8 chiếc được lên kế hoạch đóng mới trong đó 2 tàu đã hoạt động từ năm 2013.

Về cơ bản, Durjoy được xem như phiên bản thu nhỏ của tàu hộ vệ tên lửa Type 056 lớp Jiangdao của Hải quân Trung Quốc. Theo hợp đồng ký năm 2009, Nhà máy đóng tàu Vũ Xương, Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm xây dựng 2 chiếc đầu tiên.

Tự đóng tàu tàng hình tối tân, quốc gia nghèo này khiến nhiều nước ĐNÁ phải kính nể - Ảnh 1.

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình 1.500 tấn Type 056 lớp Jiangdao - Nguyên mẫu thiết kế của Durjoy

Ngày 26/8/2012, tàu BNS Durjoy (P811) đã được hạ thủy; trong khi chiếc thứ hai, tàu BNS Nirmul (P813) hạ thủy 1 tháng sau đó, vào ngày 27/9/2012; cả hai tàu chính thức vào biên chế Hải quân Bangladesh ngày 29/8/2013.

Tiếp theo, phía Bangladesh đã tự đóng mới chiếc thứ ba tại xưởng đóng tàu Khulna theo điều khoản của hợp đồng ký ngày 30/6/2014. Chiếc P814 Durgam làm lễ đặt ky (sống chính của tàu) ngày 6/9/2015 và được hạ thủy ngày 29/12/2016. Chiếc tiếp theo mang số hiệu P815 với tên gọi Nishan đang trong quá trình thi công.

Tự đóng tàu tàng hình tối tân, quốc gia nghèo này khiến nhiều nước ĐNÁ phải kính nể - Ảnh 2.

Tàu tên lửa BNS Nirmul số hiệu P813 lớp Durjoy của Hải quân Bangladesh

Thông số kỹ thuật cơ bản của tàu tên lửa tàng hình lớp Durjoy: Lượng giãn nước 648 tấn; chiều dài 64,2 m; chiều rộng ~9 m; mớn nước ~4 m; thủy thủ đoàn 60 người.

Tàu được trang bị 2 động cơ diesel (chưa rõ công suất tổng) cho tốc độ tối đa 28 hải lý/h (52 km/h); tầm hoạt động 2.500 hải lý (4.600 km); thời gian tuần tra liên tục trên biển đạt 15 ngày.

Hệ thống điện tử của Durjoy gồm radar trinh sát về mặt SR60 (phiên bản của Type 360) làm việc trên băng tần E/F; radar trinh sát bề mặt và kiểm soát hỏa lực tên lửa chống hạm Type 352 hoạt động trên băng tần I; radar Type 347G (Rice Bowl) điều khiển bắn cho khẩu pháo 20 mm; radar MR-123-02/76 của pháo 76,2 mm và sonar gắn liền thân loại ESS-3 tầm trinh sát 35 km.

Vũ khí của tàu khá mạnh, bao gồm pháo hạm H/PJ-26 cỡ 76,2 mm; 2 pháo cao tốc Oerlikon 20 mm; 4 tên lửa hành trình chống hạm tầm ngắn C-704 (tầm bắn 35 km, mang theo đầu đạn trọng lượng 130 kg) cùng với 12 ống phóng rocket chống ngầm EDS-25A cỡ 250 mm.

Tự đóng tàu tàng hình tối tân, quốc gia nghèo này khiến nhiều nước ĐNÁ phải kính nể - Ảnh 3.

Tàu tên lửa P814 Durgam do Khulna Shipyard của Banglsedh thi công đóng mới

Trong khu vực Nam Á, nếu đặt chiếc Durjoy bên cạnh những chiến hạm nội địa cỡ lớn do Ấn Độ hay Pakistan tự đóng thì rõ ràng khoảng cách là rất lớn. Tuy nhiên chiếc tàu tuần tra mang tên lửa chống hạm này vẫn là thành tựu đáng ghi nhận của Bangladesh, đặc biệt khi so sánh với một vài lớp tàu tên lửa tấn công nhanh khác được đóng tại Đông Nam Á.

Kết cấu hiện đại, thiết kế đẹp mắt, tính đa năng cao, thời gian hoàn thành nhanh chóng, Bangladesh đang khiến nhiều người phải thay đổi cách nhìn đối với quốc gia Nam Á này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại