Từ điều kỳ diệu mang tên U19 Việt Nam đến giấc mơ xuất ngoại

Bát Vân |

Sau vẻ hào nhoáng của bóng đá Anh là một thực tế nghiệt ngã, và đó cũng là điều mà các cầu thủ U19 Việt Nam cũng như những Công Phượng, Xuân Trường đang và sẽ phải đối mặt.

1. Chỉ vài giờ trước khi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn hạ đẹp chủ nhà U19 Bahrain để hiện thực hóa giấc mơ VCK U20 thế giới, một "cựu U19", Lương Xuân Trường đã có màn trình diễn ấn tượng trong chiến thắng 2-0 của Incheon trước Gwangju.

Đá chính và chơi gần 70 phút, Xuân Trường cầm trịch tuyến giữa tốt đến mức khiến không ít tờ báo tại quê nhà "việt vị" khi nhầm tưởng Trường là Cầu thủ xuất sắc nhất trận chứ không phải người đồng đội Kim Yong Hwan.

Nhưng sự xuất sắc của Xuân Trường là không thể phủ nhận, vì không chỉ góp công lớn giúp đội nhà nuôi hy vọng trụ hạng, mà với Trường trong đội hình, Incheon còn xóa dớp 5 trận chỉ biết hòa và thua trước Gwangju.

Từ điều kỳ diệu mang tên U19 Việt Nam đến giấc mơ xuất ngoại - Ảnh 1.

Việc được tu nghiệp ở nước ngoài đang khiến Xuân Trường tiến bộ vượt bậc.

Cũng không đâu xa, hồi đầu tháng 10, Xuân Trường cùng Tuấn Anh là hai nhân vật chính trong chiến thắng hủy diệt 5-2 của đội tuyển Việt Nam trước Triều Tiên. Trận đó, Xuân Trường và Tuấn Anh mỗi người ghi một bàn, và đó đều là những pha lập công mà chúng ta chỉ thường được thấy ở những ngôi sao tầm cỡ thế giới.

Không khó để nhận ra, việc tu nghiệp ở những môi trường đỉnh cao và khắc nghiệt giúp những cầu thủ trẻ như Xuân Trường và Tuấn Anh trưởng thành nhanh ra sao.

2. Trận cầu "đinh" vòng 9 Ngoại hạng Anh cuối tuần qua có cái kết quá nhàm chán khi Man United của Jose Mourinho chỉ biết nằm im chịu trận và để Chelsea nã vào lưới tới 4 lần.

Về khía cạnh chiến thuật chả có gì đáng để bàn. Nhưng dưới góc độ con người, những nhà hoạch định bóng đá Anh hẳn rất đau đầu.

Có lý nào trận đấu đỉnh cao giữa hai đại gia xứ sương mù nhưng số cầu thủ bản địa ra sân không quá một bàn tay. Nghịch lý nhưng lại là sự thật.

Từ điều kỳ diệu mang tên U19 Việt Nam đến giấc mơ xuất ngoại - Ảnh 2.

Rooney còn chẳng có tên trong danh sách dự bị cuối tuần rồi.

Tổng cộng 26 cầu thủ Chelsea và Man United được vào sân, chỉ vỏn vẹn 5 người là dân Anh. Và 3 trong số đó, gồm Smalling, Rashford và Cahill góp mặt trong trận thua Iceland tại VCK EURO 2016, trận thua bị coi là nhục nhã nhất của Tam sư trong lịch sử.

Người Anh duy nhất ghi bàn trận đó, cũng là người đang giữ băng đội trưởng của tuyển Anh và Man United, Wayne Rooney thậm chí còn không có một chân trên ghế dự bị dù hoàn toàn khỏe mạnh. Trớ trêu thay.

3. Bóng đá Việt Nam trước thời điểm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thi đấu ở nước ngoài có không ít trường hợp từng xuất ngoại. Nhưng như nhiều người vẫn nói vui rằng Huỳnh Đức sang Trung Quốc bán xe máy, hay Công Vinh đi tiếp thị bia, những cầu thủ Việt ra nước ngoài nếu không vì dính "phốt" thì cũng là phải gánh theo trách nhiệm ngoài chuyên môn.

Người Anh vẫn vỗ ngực tự hào sở hữu giải VĐQG cạnh tranh nhất thế giới. Nhưng tư tưởng bảo thủ và trên hết là nỗi sợ thất bại đã giam hãm họ chỉ quanh quẩn nơi "tổ ấm" chứ chẳng dám bước chân ra ngoài thi thố. Và đó cũng là nguyên nhân cốt lõi khiến một nền bóng đá với cả "rổ" thần đồng và hàng tá những siêu sao được ca ngợi lên mây xanh vẫn trắng tay suốt 50 năm qua.

16 năm kể từ ngày gắn cái mác chuyên nghiệp, một thời gian rất dài chúng ta đã từng tự huyễn hoặc mình là giải đấu số 1 khu vực. Để rồi sau hàng loạt thất bại trắng mặt, chúng ta mới giật mình nhận ra không chỉ người Thái mà ngay người Sing, người Mã cũng đã vượt mặt chúng ta bằng sự cầu thị và quyết tâm cải tổ mạnh mẽ.

Từ điều kỳ diệu mang tên U19 Việt Nam đến giấc mơ xuất ngoại - Ảnh 3.

Công Phượng chưa "đủ trình" để cạnh tranh sòng phẳng ở Nhật.

Bầu Đức với "phát pháo" mở màn là Học viện HA.GL Arsenal JMG đã giúp cả nền bóng đá nhận ra triết lý đi lên từ gốc. Chưa bao giờ trong lịch sử, các tuyến trẻ Việt Nam lại khiến người hâm mộ có cảm giác phấn khích như 5 năm trở lại đây.

U19 Việt Nam đã làm được một điều kì diệu và rất có thể câu chuyện cổ tích vẫn sẽ còn được viết tiếp, nhưng để giải trẻ thế giới trở thành World Cup thì chẳng có phép màu nào hết.

Hãy biết mình và biết thế giới. Và cũng đừng mơ mộng về điều gì đó như derby Việt Nam trên đất Nhật chẳng hạn, cho đến khi các cầu thủ trẻ đủ tài năng và sự chuyên nghiệp để bước ra ngoài khỏi một V-League nhỏ bé, bằng chính đôi chân của mình, chứ chẳng phải bằng những bản hợp đồng sặc mùi thương mại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại