Những năm gần đây, một khái niệm mới trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng ra đời, đó là "du lịch tâm linh". Đây là loại hình vừa đáp ứng nhu cầu thờ tự, tín ngưỡng lại vừa giúp mọi người có cơ hội đi thưởng ngoạn, ngắm cảnh.
Kết quả là không ít khu du lịch tâm linh được các doanh nghiệp đổ hàng nghìn tỷ đồng vào đầu tư. Có thể kể đến Đại Nam Quốc Tự - khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), chùa Bái Đính - quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) hay quần thể chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất thế giới, nằm trong khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam).
Khác với các khu đền chùa, di tích truyền thống, đặc điểm chung của những quần thể này là quy mô lớn, gây ấn tượng mạnh với du khách bởi thiết kế công phu, bề thế.
Các quần thể di tích quy mô
Đại Nam Quốc Tự - Khu du lịch Đại Nam
Là một khu du lịch tọa lạc tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Khu du lịch Đại Nam là công trình du lịch thuộc loại quy mô với tổng kinh phí khoảng 6.000 tỉ đồng, chủ đầu tư là công ty cổ phần Đại Nam, do ông Huỳnh Uy Dũng làm chủ tịch.
Khởi công từ năm 1999, ròng rã xây dựng trong chín năm, đến năm 2008, khu du lịch mới mở cửa đón những du khách đầu tiên. Với tổng diện tích giai đoạn 1 là 261ha, giai đoạn 2 là 450ha (sau đó rút lại còn 250ha), khu du lịch Đại Nam có đủ cả biển, hồ, sông núi và tường thành, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là Đại Nam Quốc Tự và dãy Núi Bảo Sơn.
Điểm dừng chân đầu tiên của mọi du khách tới Đại Nam luôn là khu du lịch tâm linh, rộng 40 héc ta, đặt ở trung tâm quần thể du lịch quy mô này. Quần thể du lịch tâm linh gồm nhiều đền thờ. Lớn nhất, tốn nhiều thời gian xây dựng và ngốn tiền bạc nhất của ông chủ Đại Nam là Kim Điện: nhiều pho tượng, phù điêu, linh vật thờ cúng được các nghệ nhân chạm trổ tinh vi, dát vàng; hai xá lợi thỉnh từ Ấn Độ, bộ sưu tầm 1.068 dòng họ của 54 dân tộc Việt Nam... Nhiều ngôi chùa trong quần thể này vẫn đang tiếp tục được xây dựng.
Chùa Bái Đính - Quần thể danh thắng Tràng An
Quần thể danh thắng Tràng An đặt tại Ninh Bình là một địa danh du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới do UNESCO công nhận. Trước đó, nhiều di tích danh thắng nơi đây đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư... Liên kết giữa các khu vực này là hệ sinh thái rừng đặc dụng Hoa Lư trên núi đá vôi, đất ngập nước và hệ thống sông, hồ, đầm với diện tích 12.252 ha.
Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 1700 ha bao gồm khu chùa Bái Đính cổ, khu chùa Bái Đính mới và các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh...
Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông, Tượng phật Di Lặc và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp, Tam quan ngoại, Tam quan nội... được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
Đây là một trong những "siêu dự án" tâm linh của Công ty Xây dựng Xuân Trường (có trụ sở tại Ninh Bình).
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao
Theo quy hoạch, khu du lịch quốc gia Tam Chúc sẽ có diện tích vùng lõi là 4.000 ha. Khu du lịch sẽ phát triển 6 khu chức năng gồm khu trung tâm đón tiếp, khu văn hóa tâm linh Tam Chúc, khu bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại Thị trấn Ba Sao.
Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh. Chùa Tam Chúc mới hiện nay được xây dựng với các hạng mục điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan âm, cổng Tam Quan. Chùa nằm ở phía Tây và nhìn ra hồ Tam Chúc.
Quần thể chùa Tam Chúc tại thị trấn Ba Sao, tỉnh Hà Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Để hoàn thành dự án này, nhà đầu tư dự kiến phải mất thêm 30 năm nữa. Khi đó, chùa Tam Chúc sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới với diện tích quần thể lên tới 5.000 ha.Ngôi chùa này còn được tạc 1.200 bức tượng bằng dung nham núi lửa và sở hữu nhiều báu vật trên thế giới.
Các du lịch tâm linh nói trên đang đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp đầu tư. Có thể kể đến hai nguồn thu chính của doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này:
Thu phí thăm quan
Dễ nhận thấy khoản thu đầu tiên của các khu du lịch tâm linh đến từ phí thăm quan. Với quy mô lớn, các điểm du lịch này có thể đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách mỗi ngày, hàng triệu khách mỗi năm.
Theo số liệu của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017 Việt Nam đón gần 13 triệu khách du lịch quốc tế, 74 triệu lượt khách trong nước, thì riêng Đại Nam đón khoảng 2 triệu lượt khách viếng thăm, chủ yếu là khách trong nước, theo tự bạch của Chủ tịch Công ty Đại Nam Huỳnh Uy Dũng với Forbes Việt Nam.
Theo chia sẻ của ông Dũng, trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) đã thu hút hơn 140.000 lượt du khách trong vòng 4 ngày từ Mùng 1 đến Mùng 4 tết (ngày 16 đến 19-2-2018), bình quân mỗi ngày đón hơn 35.000 lượt người, tăng gấp gần 7 lần so với những ngày thường.
Ông chủ Đại Nam không tiết lộ con số nhưng cho biết doanh thu từ khu du lịch đủ sức trả lương 1.200 nhân viên, kinh phí duy tu bảo dưỡng khu du lịch và tiếp tục đầu tư mở rộng. Hiện tại giá vé vào cổng của Đại Nam là 100 ngàn với người lớn và 50 ngàn cho trẻ em.
Với quần thể danh thắng Tràng An, năm 2017, điểm du lịch này đã đón hơn 6,1 triệu lượt khách cả trong nước lẫn quốc tế. Với giá vé khoảng 200.000 đồng/lượt cho người lớn và 100.000 đồng/trẻ em (đã bao gồm chi phí đi thuyền), ước tính doanh thu từ bán vé có thể đạt trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm.
Dù chỉ bắt đầu mở cửa, bán vé tham quan từ ngày mồng Một Tết Kỷ Hợi nhưng trung bình mỗi ngày khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao bán ra trên 2.000 vé. Giá vé đi xe điện tham quan là 30.000 đồng/người/lượt với người lớn, còn 20.000 đồng/người/lượt với trẻ trên 6 tuổi. Tạm tính đến chiều 9/2 (tức ngày mồng 5 Tết), số vé xuất ra lên đến 10.000 vé, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đầu tư (công ty Xuân Trường) có thể thu về ít nhất là 200 triệu đồng chỉ trong 5 ngày.
Phát triển các loại hình dịch vụ đi kèm
Với quỹ đất rộng, các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình du lịch tâm linh hoàn toàn có đủ điều kiện để phát triển các dịch vụ đi kèm từ ăn uống, nghỉ ngơi đến thư giãn, giải trí.
Tại khu du lịch Đại Nam, ngoài khu di tích tâm linh gồm chùa và các đền thờ, còn có khu vui chơi trò chơi mạo hiểm, biển nhân tạo, khu vườn thú, trường đua.... Bên cạnh chi phí vé vào cổng, khách tham quan có thể phải chi vé tham gia trọn gói các trò chơi khoảng 500 ngàn (du khách mất khoảng một ngày mới trải nghiệm hết).
Bên cạnh đó mới đây Đại Nam còn có nguồn thu sau khi xây dựng trường đua phức hợp lớn nhất Việt Nam, với tổng diện tích trường đua lên tới 60ha, dài 1.600 m, tích hợp 5 thể loại: Đua ngựa, đua chó, đua xe Mô-tô, đua xe GoKart, biểu diễn Mô-tô nước. Khán đài của trường đua trong giai đoạn 1 có sức chứa 20.000 chỗ ngồi, sẽ được nâng cấp lên đến 60.000 chỗ trong các giai đoạn tiếp theo.
Một đơn vị tư vấn tài chính của Đại Nam cho biết doanh thu từ kinh doanh của khu du lịch khoảng 300 – 350 tỉ đồng/năm, phù hợp với số lượng du khách tới Đại Nam mà ông Dũng đề cập.
Ngoài doanh thu bán vé, Đại Nam còn có nguồn thu khác từ yến sào. Sau khi ông Dũng dựng núi, tạo ra sơn động chim yến bay về làm tổ. Sản lượng khai thác mỗi năm tăng thêm khoảng 25% và hiện tại đã đạt một tấn.
Đối với khu di tích Tràng An - Bái Đính, doanh nghiệp Xuân Trường được phép sử dụng 450 ha đất, nhưng diện tích xây chùa chỉ chiếm 1/5. Phần diện tích đất còn lại doanh nghiệp này được toàn quyền khai thác để làm khu dịch vụ đón tiếp (108 ha), xây dựng khu trung tâm đón tiếp, khu ẩm thực, khách sạn 5 sao, bến xe điện, khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino…
Tương tự như vậy, với khu du lịch tâm linh Tam Chúc, ngoài chùa Tam Chúc, nơi đăng cai Đại lễ Vesak năm 2019 (Đại hội Phật giáo thế giới), nhà đầu tư còn tập trung vào các dịch vụ đi kèm, phát triển thành từng khu chức năng riêng như khu trung tâm đón tiếp, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc; khu sân golf Kim Bảng, trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch,…
Ngoài những loại hình kể trên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thêm một nguồn thu không nhỏ từ phí trông giữ xe, phí cho thuê các kiosk dịch vụ,...
Mặc dù đem lại khoản thu lớn cho doanh nghiệp, tạo thêm thêm nguồn thu ngân sách cũng như việc làm cho nhiều địa phương nhưng đang có nhiều ý kiến trái chiều về sự phát triển ồ ạt và thương mại hóa tại các khu du lịch tâm linh như hiện nay. Quan trọng hơn là câu chuyện rạch ròi giữa phần doanh thu doanh nghiệp được hưởng và doanh thu thuộc về các tổ chức tôn giáo, để các khu du lịch "tâm linh" không bị hiểu nhầm là khu du lịch "kinh doanh dựa vào tâm linh".