Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu

Ngọc anh |

Sự phân biệt của người bản địa không những không làm thui chột suy nghĩ tích cực của Hương mà còn hun đúc trong cô một tinh thần lạc quan, vui sống. Bằng nhiều cách, cô đã khẳng định tên tuổi nơi xứ người, trở thành người kiến tạo "hộ chiếu xanh" và có hạnh phúc viên mãn bên người chồng ngoại quốc…

Profile: Hồ Thu Hương (1988 - quốc tịch Việt và Séc)

- Tác giả và đồng tác giả 3 cuốn sách xuất bản tại Việt Nam: Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới - Những bước để trở thành công dân toàn cầu; Hộ Chiếu Xanh: Hành Trang Của Những Công Dân Toàn Cầu – Hành Trình Ra Biển Lớn; Chìa Khóa Để Trở Thành Người Đa Ngôn Ngữ.

- Đồng tác giả cuốn "Alone Together: Tales of Sisterhood and Solitude in Latin America" xuất bản tại Colombia. - Đồng tác giả cuốn "A Mile in Our Shoes: Personal stories of global journeys" xuất bản tại Đan Mạch.

- Quản lý dự án "A Mile in Our Shoes" với mục đích trở thành một nền tảng chia sẻ các câu chuyện và giao lưu của phụ nữ trên khắp thế giới.

- Đồng sáng lập cộng đồng công dân toàn cầu Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới với trên 29 nghìn lượt theo dõi. - Thành thạo 5 ngôn ngữ gồm: tiếng Việt, Anh, Séc, Pháp và Tây Ban Nha.

Lên 9 tuổi, Hương cùng mẹ và em trai sang Cộng hòa Séc sinh sống. Tại đây, cô đã trải qua một tuổi thơ vô cùng dữ dội, với những tháng ngày phải sống trong sự miệt thị của việc phân biệt chủng tộc.

Tuổi thơ bị kỳ thị nơi xứ người

Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu - Ảnh 2.

Chân dung Hồ Thu Hương.

Cô nhớ lại: "Khi mới đến Séc, mình sống cùng gia đình tại một thành phố nhỏ giáp Ba Lan và Slovakia. Hồi đó, người dân trong thành phố chưa quen với việc nhìn thấy người da màu. Trong lớp, mình là người da màu duy nhất.

Các bạn lớp mình rất hòa đồng, nhưng các bạn trong trường thì không vậy. Thấy mình trên sân trường là họ liền trêu chọc.

Những người đi trên đường phố thì nhại lại giọng mình, làm mắt xếch bằng ngón tay để đùa cợt.

Có người còn ném đá, cành cây, tuyết hoặc đấm vào đầu mình. Nhiều người nhìn thấy nhưng họ không can thiệp. Khi đó, mình im lặng và không nói với ai, kể cả bố mẹ. Vì mình sợ mọi người lo lắng".

Rồi một lần, cô bé ấy đã dũng cảm "lên tiếng" về vấn đề phân biệt chủng tộc. Cô đã viết một bài văn về vấn nạn đó rồi gửi cho cuộc thi Văn toàn quốc.

Và cô đã nhận được giải đặc biệt cho bài viết đó. Nhưng hôm đi nhận giải, khi MC bắt đầu đọc bài văn cho khán giả nghe thì cô đã bỏ ra ngoài.

Hương bảo, lúc ấy, cô thực sự không hề muốn mọi người thương hại hoặc coi mình là nạn nhân.

Cô kể ra câu chuyện đó đơn giản chỉ để chia sẻ với các bạn đang bị rơi vào hoản cảnh như cô hoặc những ai đang bị kỳ thị vì sự khác biệt nào đó trên cơ thể.

Cô muốn truyền thông điệp tới mọi người rằng: chớ coi bản thân là thấp kém hơn những người khác khi bị phân biệt.

Hãy coi những lời nói xấu của người khác là động lực để các bạn vươn lên. Rồi đến một ngày, các bạn sẽ thấy mình tiến lên phía trước còn họ đã ở lại phía sau.

Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu - Ảnh 3.

Sự kiên cường trong tính cách đã giúp cô bé 9 tuổi ấy vượt qua những thử thách khó khăn nhất nơi đất khách quê người.

Thu Hương thổ lộ: "Nhờ trải qua những tháng ngày đó mà mình đã trưởng thành và chín chắn hơn.

Mình đã tự học tiếng Séc, tự cố gắng để theo kịp bạn bè trong lớp, tự lên kế hoạch và đưa ra những quyết định cho cuộc sống mới".

Khi đã bắt đầu hiểu và sử dụng thành thạo tiếng Séc, cô luôn là một trong những học sinh đứng đầu lớp với bảng điểm và các thành tích cao.

Cô đã tự mình tham gia tất cả các cuộc thi về tiếng Séc, Văn học, tiếng Anh, tiếng Pháp, Toán, kiến thức… và đã nhận được 23 giải thưởng cấp trường, thành phố, vùng miền, quốc gia và quốc tế trong những năm học trung học.

Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu - Ảnh 4.
Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu - Ảnh 5.

Người thân, bạn bè đến chúc mừng trong lễ ra mắt sách của Hương.

Cô bảo: "Khi lựa chọn con đường dễ và khó, mình luôn chọn con đường khó khăn để đi. Bởi mình hiểu môi trường càng nhiều thách thức, sẽ càng nhiều cơ hội mở ra. Hơn nữa, mình luôn biết mình là ai và mình cần làm những gì.

Chính vì thế, để tìm lại sự tự tin bị tổn thương qua những tháng ngày bị phân biệt, khi bạn bè cùng trang lứa đi chơi, tụ tập để nói chuyện, ăn uống, thử nghiệm những điều mới mẻ của tuổi trẻ thì mình tập trung chuẩn bị cho những kỳ thi đấu, viết lách hoặc lên kế hoạch để thực hiện những ước mơ bay bổng".

Kiến tạo hộ chiếu xanh cho công dân toàn cầu

Không dừng lại ở vành đai đất Séc, Thu Hương đã tự mình tìm kiếm các cơ hội học tập và làm việc ở rất nhiều đất nước và châu lục khác nhau. Và mỗi nơi đã mang tới cho cô những cơ hội sống thích hợp với giá trị của bản thân.

Hương đi như một nhà thám hiểm, ở đâu cô cũng cố gắng kết bạn với người bản địa và tham gia những hoạt động địa phương mà những người du lịch có thể không quan tâm để hiểu về phong tục tập quán, văn hóa của quốc gia đó.

Cô thường không bị sốc bởi những khác biệt văn hóa vì cô đi với trái tim rộng mở, chào đón tất cả những điều mới mẻ.

Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu - Ảnh 6.

Cô gái trẻ ở Montréal.

Cô kể lại: "Trong khi theo học ngành Thương mại quốc tế tại ĐH Kinh tế Praha, mình đã nhận được học bổng sang Argentina du học. Những tháng ngày ở đây đã cho mình thẩm thấu rất nhiều điều thú vị về văn hóa truyền thống của xứ Mỹ Latinh.

Mình cũng đã có một khóa thực tập ở Canada và theo học thạc sĩ tại Pháp. Việc sống trong môi trường đa quốc gia trong suốt tuổi thanh xuân đó đã cho mình nhiều trải nghiệm vô giá.

Thế nên, vào tháng 8/2015, khi sắp từ Canada chuyển sang Hoa Kỳ sinh sống, mình đã quyết định cùng hai người bạn thân thành lập fanpage "Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới" nhằm truyền tải thông tin cho các bạn trẻ Việt Nam, tạo cho các bạn động lực để thực hiện những ước mơ và trở thành những công dân toàn cầu".

Dự án này không mang lại cho cô lương bổng, lợi nhuận nhưng lại mở ra cho cô vô vàn cơ hội lý thú. Cô có cơ hội kết bạn với nhiều người tài giỏi trên khắp thế giới. Cô có thể duy trì và cải thiện vốn tiếng Việt của mình.

Cô đã tìm ra được niềm đam mê thực sự của bản thân và đã tạo cho mình cơ hội đóng góp cho quê hương, theo một cách khác biệt.

Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu - Ảnh 7.

Thu Hương đến ngắm Stohenge ở Anh.

"Điều thúc đẩy mình làm dự án Hộ chiếu xanh là mong muốn đóng góp một phần vào việc định hướng cho giới trẻ Việt Nam sống một cách tích cực, làm việc có năng lực và niềm tin vào bản thân, đối xử với người khác một cách công bằng và chân thành.

Mình muốn nhìn thấy các bạn trẻ Việt Nam tài năng có thể phát triển năng lực ở những vùng đất khác trên thế giới, từng bước vững tin trở thành công dân toàn cầu" - Thu Hương vui vẻ chia sẻ.

… đến hạnh phúc viên mãn bên người chồng ngoại quốc

Cũng chính vì những chuyến dịch chuyển qua 4 châu lục như vậy mà Hương đã tìm được nửa kia của cuộc đời.

Chuyện tình của cô ngọt ngào như những bài hát Việt và đầy đam mê như những vũ điệu Latinh. Cô tâm sự: "Mình và chồng gặp nhau tại Vancouver, Canada vào cuối tháng 9/2012 khi mình sang thực tập tại Quỹ Châu Á Thái Bình Dương.

Lúc ấy, anh Miguel đang theo học bậc tiến sĩ ngành Kỹ thuật điện tại ĐH British Columbia. Trong thời gian tại đây, anh đã trở thành người bạn tốt nhất và cũng là người thầy dạy mình nhảy salsa. Anh hướng dẫn mình về rất nhiều mảng khác nhau của cuộc sống".

Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu - Ảnh 8.

Thu Hương và chồng.

Sự thông thái, vui tính, chân thật và thấu hiểu người khác của chàng trai Mexico đã đánh gục trái tim cô gái Việt. Còn Miguel cũng bị sự dịu dàng, xinh đẹp, thông minh, lạc quan của Hương chinh phục.

Kỷ niệm tình yêu không thể nào quên của cặp đôi Mexico – Việt Nam là "sự kiện" về chung một nhà.

Họ đã quyết định đăng ký kết hôn chỉ một tuần trước khi Thu Hương quay về châu Âu để học cao học. Buổi lễ đó diễn ra vô cùng ấm cúng và giản dị, chỉ vỏn vẹn trong vòng 20 phút và có 6 người tham dự.

Yêu nhanh chóng, kết hôn ngắn gọn, thế nhưng tình yêu của họ vượt qua cả khoảng cách không gian, sự khác biệt về văn hóa và hơn hết là cái tôi cá nhân.

Thu Hương cho biết: "Sau khi kết hôn, chúng mình quyết định sang Hoa Kỳ sinh sống. Vì đang trong quá trình đăng ký để nhận thẻ cư trú vĩnh viễn tại đây nên mình phải nghỉ việc trong thời gian dài.

Đối với một người tham công tiếc việc như mình thì việc phải ở nhà làm "bà nội trợ" là một điều không thể tưởng tượng được. Nhưng mình đã chấp nhận vì ước mơ của anh và tương lai của cả hai.

Và bởi vì mình luôn biết cách tìm ra điều tích cực trong những tình huống khó khăn nhất. Mình tin rằng khi một cánh cửa khép lại, cánh cửa khác sẽ được mở ra".

Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu - Ảnh 9.

Vợ chồng Hương đi xem Opera.

Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu - Ảnh 10.

2 người cùng đi nhảy Salsa.

Cô thấy mình may mắn vì gia đình phóng khoáng, không quan trọng việc con cái lấy chồng người nước ngoài, miễn sao cô hạnh phúc.

Giống như cô, anh Miguel cũng là một người đã từng sống tại nhiều quốc gia khác nhau. Gia đình cô coi trọng những nét văn hóa của những quốc gia quê hương.

Cặp đôi vừa đón Noel, vừa ăn Tết cổ truyền, vừa chuẩn bị mâm cỗ cho ngày "Día de los muertos" ("Ngày của những người chết" của Mexico).

Chồng cô lúc nào cũng cố gắng trở về nhà sớm nhất và với cô, việc tiễn và vẫy chào anh đi làm và đứng ở cửa đón anh về là những phút giây ngọt ngào nhất.

Khi ở nhà cả hai cố gắng dành mọi khoảnh khắc cho nhau. Có lúc cô dạy anh tiếng Việt, có khi đi nhảy salsa hoặc học nhảy tango, thỉnh thoảng cùng nhau đọc sách, có khi lại ngồi xem phim.

Từ cô bé người Việt bị phân biệt chủng tộc ở châu Âu đến người định hướng trở thành công dân toàn cầu - Ảnh 11.

Thu Hương ở San Diego (Hoa Kỳ).

Từ bé, cô luôn là người đa nhiệm nên việc cùng lúc làm nhiều điều khác nhau không phải là quá khó khăn. Cô không coi những công việc mình làm là "trách nhiệm" hoặc "nhiệm vụ phải làm" nữa, mà coi chúng như niềm vui trong ngày.

Khi trả lời email, cô mỉm cười. Khi nấu ăn, cô mỉm cười. Khi trả lời phỏng vấn, cô cũng mỉm cười.

Vì cô biết rằng cuộc sống hiện giờ, với chừng ấy khó khăn và chông gai, là cuộc sống mà cô đã luôn mơ ước có được. Đó là cuộc sống tràn đầy tình yêu và niềm hạnh phúc xung quanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại