"Công nhân môi trường" không lương
Thời gian qua, câu chuyện anh chàng James Joseph Kendall, (34 tuổi, người Mỹ) lội xuống một mương nước bẩn ở Hà Nội để cùng bạn bè dọn sạch rác gây ấn tượng mạnh với nhiều người Việt Nam.
Nhiều người thích thú với việc làm của James Joseph Kendall và kêu gọi nhau cùng chung tay với ông Tây này để làm sạch môi trường.
Từ chuyện của James, chúng tôi nghĩ ngay đến một cụ ông đã quá tuổi thất thập hơn 6 năm qua âm thầm dọn sạch rác ở bãi biển Nam Ô (quận Liên Chiểu) với chiều dài hơn 7 km.
Đó là cụ ông Trần Xuân Mạo (SN 1945, trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Người dân sống ở ven biển Nam Ô đã quá quen với hình ảnh cụ ông râu tóc bạc phơ, tay cầm một túi to bao ni lông đi dọc bờ biển mỗi sáng sớm. Cụ Mạo tay cầm túi, mắt nhìn khắp bãi biển để tìm rác thải trôi dạt vào bờ. Hễ có một mẩu rác dù là nhỏ nhất, cụ cũng cúi xuống nhặt rồi bỏ vào túi.
Cụ Mạo đã 71 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đi thu dọn rác làm sạch biển Đà Nẵng
"Cụ Mạo dậy rất sớm, khoảng 5 giờ sáng là đã đi dọc bãi biển lượm rác rồi.
Tôi nhớ cụ bắt đầu làm công việc vác tù và hàng tổng như thế này từ năm 2010. Hầu như ngày nào cụ cũng đi dọc biển hai lần sáng, chiều. Chỉ những ngày giông bão hay khi ốm đau, cụ mới chịu ở nhà.
Bãi biển Nam Ô là khu vực cuối của bãi biển đường Nguyễn Tất Thành nên rác tập trung rất nhiều.
Trước đây, bà con chúng tôi ở đây thấy vậy thì cũng mặc kệ. Nhưng từ ngày thấy cụ Mạo cặm cụi nhặt rác cho sạch bãi biển, chúng tôi cũng tự thấy xấu hổ nên học theo cụ. Ai thấy rác từ biển trôi vào bờ là cúi xuống nhặt ngay", anh Lê Đình Thái, trú tổ 14, phường Hòa Hiệp Bắc nói.
Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho hay, việc làm của cụ Mạo luôn được UBND phường ghi nhận. UBND TP Đà Nẵng, quận và phường đã nhiều lần tặng bằng khen để ghi nhận về thành tích bảo vệ môi trường của cụ Mạo.
Cụ Mạo bên tấm bằng khen của UBND phường Hòa Hiệp Bắc nhờ thành tích làm sạch bờ biển
"Chúng tôi gọi cụ Mạo là công nhân môi trường không lương. Cụ Mạo giờ đã già, bệnh tật nên khá yếu nhưng vẫn tâm huyết với việc làm sạch môi trường biển. Nhờ việc làm suốt 6 năm trời của cụ mà biển Nam Ô ngày một sạch đẹp.
UBND phường cũng đã có đơn vị làm nhiệm vụ thu gom rác hàng ngày trên bãi biển. Họ làm việc theo giờ giấc nên không thể làm sạch biển mọi lúc. May mà có cụ Mạo giúp sức", ông Việt nức nở khen cụ Mạo.
"Tôi chỉ làm sạch nơi mình ở"
Ở tuổi 71, cụ Mạo sống cùng con cháu trong căn nhà nhỏ ven biển Nam Ô. Cụ kể, quê nhà ở tỉnh Hà Tĩnh và chỉ mới chuyển đến sống tại Đà Nẵng 6 năm nay.
"Con cháu đều ở Đà Nẵng còn tôi sống một mình ở quê nên bọn chúng đưa vào đây để chăm sóc cho tiện.
Ở quê tôi không có biển nên nhìn thấy là tôi rất thích. Ngày nào tôi cũng ra biển từ sớm để tập thể dục tăng cường sức khỏe.
Tôi thấy rác trên bờ biển rất nhiều nên cứ tiện tay thu gom lại tiêu hủy để bờ biển được sạch sẽ hơn. Tôi chỉ làm sạch nơi mình ở, chứ không có suy nghĩ gì cao siêu", cụ Mạo chia sẻ.
Thu gom rác là công việc tự nguyện mỗi ngày của cụ Mạo
Cụ Mạo cho hay, do tuổi cao nên cụ mắc chứng khó ngủ. Cứ 4 giờ sáng hàng ngày cụ lại thức giấc chuẩn bị đi tập thể dục và nhặt rác trên biển.
Vợ con cụ ban đầu cũng có ngăn cản vì lo cho sức khỏe của cụ. Tuy nhiên, cụ vẫn không từ bỏ việc làm của mình.
Rác thải trôi dạt vào bờ biển có đủ loại như bao ni lông, rong rêu, cây cối gãy mục, xác cá, động vật chết đã phân hủy… Cụ Mạo không hề ngại ngần mà thu gom tất cả rồi phân loại để đốt hoặc chôn lấp.
Theo cụ Mạo, rác loại nào thì xử lý theo loại đó vì xử lý không đúng cách thì gây ô nhiễm lần 2.
Cụ Mạo tiếc mình không còn trẻ và sức khỏe để làm nhiều việc có ích hơn cho môi trường
"Tôi mới bị ốm nặng dậy nên mấy tháng ni chỉ ra biển gom rác vào buổi sáng. Nhiều người thấy tôi già cả mà đi làm việc bao đồng nên cũng bảo tôi gàn dở.
Thật ra mình già rồi, sống cũng chẳng được bao nhiêu nữa nên làm được gì thấy vui thì cứ làm. Vừa đi tập thể dục, vừa nhặt rác là đã giúp mình nâng cao sức khỏe để vui vầy với con cháu rồi!
Tiếc là tôi ở với biển khi đã già, chứ nếu còn có đủ sức khỏe thì tôi tình nguyện dọn sạch cả bờ biển Đà Nẵng chứ không riêng ở Nam Ô", cụ Mạo tâm sự.