Tin giả
Bắt nguồn từ một nguồn tin giấu tên của CNN nói rằng ông Kim đang bệnh nặng, một làn sóng thông tin về tình trạng sức khỏe nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bùng nổ nhanh chóng, lấn át cả các tin tức về Covid-19.
Dù chưa có bằng chứng xác thực nhưng nhiều chuyên gia bình luận đã sớm "cầm đèn chạy trước ô tô" khi bắt đầu dự đoán ai sẽ là người thay thế cho ông Kim trong tương lai.
Không chỉ là các báo cáo trên truyền thông, hai nhân vật đào tẩu của Triều Tiên, Ji Sung-ho và Thae Young-ho cũng một mực cho rằng ông Kim đang trong tình trạng sức khỏe rất tồi tệ sau ca phẫu thuật tim.
Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng sức khỏe của giới lãnh đạo Triều Tiên bị đồn đại sai lệch.
Trong quá khứ, đã có hàng loạt các bản tin cho rằng cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành hay cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha đẻ của ông Kim Jong-un từng bị ám sát trong quá khứ. Tuy nhiên, đã chẳng hề có chuyện gì xảy ra.
Chính CNN cũng từng trích dẫn nguồn tin từ một người đào tẩu Triều Tiên cho rằng ông Kim đã xử tử người dì Kim Kyung-hee nhưng rồi bà vẫn xuất hiện bình thường vào tháng 1/2020.
Cảm tính
Cơ sở để những người đào tẩu tự tin cho rằng ông Kim gặp vấn đề sức khỏe là do ông đã không xuất hiện tại một sự kiện quốc gia quan trọng là ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành, cũng như lễ kỷ niệm ngày thành lập lực lượng vũ trang Triều Tiên và một cuộc thử nghiệm tên lửa.
Baek Jin-kyung, một nhà nghiên cứu tại Viện Đông Á của Seoul - cho biết, những người đào tẩu Triều Tiên am hiểu thông tin và duy trì các nguồn tin ở biên giới. Nhưng, họ thường rất hay phê phán quê hương cũ của mình, áp đặt cảm tính lên những báo cáo không chính xác cho truyền thông.
Sự khép kín của Triều Tiên đã trở thành đề tài cho những kẻ tung tin bịa đặt.
Lợi dụng danh nghĩa là người từ Triều Tiên đào tẩu, họ khiến cho phía Hàn Quốc nhiều lần khốn đốn khi tin vào những tin tức giả mạo.
"Triều Tiên sẽ cười vào những tuyên bố của họ. Thật đáng xấu hổ", Jeong Se-hyung, Phó Chủ tịch điều hành của Hội đồng tư vấn thống nhất quốc gia nói với Asia Times.
Trong phản ứng của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra không tin vào tin đồn sức khỏe của ông Kim Jong-un, trong khi Chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố họ không có bất kỳ tin tức đáng ngờ nào từ Triều Tiên.
Nhưng, bất chấp sự sai sót đáng xấu hổ đó, những báo cáo sai về Triều Tiên của truyền thông thế giới rất có thể sẽ lặp lại.
"Tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra một lần nữa. Triều Tiên là nơi bí ẩn và là nơi đáp ứng vai trò lý giải của truyền thông", Michael Breen, một nhà báo kì cựu phương Tây cho hay.
Với việc Triều Tiên là một trong những quốc gia khép mình nhất trên trái đất, có rất nhiều sự tò mò của công chúng đối với nơi đây, bao gồm cả về cuộc sống của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tất cả điều này làm cho Triều Tiên thường xuyên trở thành đề tài trên các tạp chí toàn cầu từ uy tín cho đến những tờ báo lá cải.
Thêm vào đó, truyền thông Triều Tiên cũng rất kín tiếng khi không đưa tin gì về sự vắng mặt kéo dài ba tuần của ông Kim. Các hãng tin phương Tây cũng không có phóng viên thường trú ở Triều Tiên và thậm chí nếu có cũng không thể khai thác được gì nhiều. Chính vì vậy, các bản tin về Triều Tiên chỉ luôn là suy đoán.
Cung cầu
Tin tức về Triều Tiên luôn đứng hàng đầu trong dàn các tin tức nóng hổi nhất. Do đó, việc đăng tải các thông tin chính thức về Triều Tiên là không đủ. Thông thường, các nguồn chính thức như KCNA thường đưa trễ hoặc đơn giản là không bình luận về các vấn đề mà thế giới quan tâm. Chính bởi vậy, nhiều tin tức về Triều Tiên thường phụ thuộc vào các nguồn tin không đầy đủ và thiếu khách quan.
Do nhu cầu của công chúng về tin tức vượt xa nguồn cung cấp thông tin tối thiểu, các kênh truyền thông thường đưa tin ồ ạt, sai lệch, đôi khi là đi trước cả thực tế. Ví dụ, tin tức về ông Kim Jong-un nhậm chức còn được bàn luận trên truyền thông Hàn Quốc sớm hơn cả truyền thông Triều Tiên.
Nhưng đôi khi, các báo cáo sai lệch cũng vô tình may mắn đoán trước được sự kiện xảy ra trong tương lai.
Vào ngày 17/9/2004, hãng tin Yonhap Hàn Quốc thông báo về một vụ nổ lớn có địa chấn và một đám mây hình nấm xuất hiện gần một căn cứ quân sự dưới lòng đất ở đông bắc Triều Tiên. Điều này đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao toàn cầu trong bối cảnh lo ngại rằng Triều Tiên đã kích nổ một thiết bị hạt nhân.
Tuy nhiên, Triều Tiên trả lời rằng họ đang thực hiện các vụ nổ thông thường trong dự án xây dựng đập. Trên thực tế, không có ghi nhận phóng xạ nào và nỗi sợ hãi đã lắng xuống.
Chưa đầy hai năm sau, vào ngày 4/10/2016, Triều Tiên đã kích nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên ở phía đông bắc.
Dù không muốn nhưng Triều Tiên đã và đang trở thành quốc gia bị tin tức giả bôi nhọ nhiều lần và điều này sẽ không dễ dừng lại trong tương lai.