Từ "bún chửi" Hà Nội đến văn hóa dịch vụ và cả sự nghịch lý

Hexe |

Chuyện "bún chửi" Hà Nội, nó đáng bị lên án vì sự thiếu văn minh nhưng ngược lại, có một số đông vẫn lên tiếng bênh vực cho rằng đó là "một nét văn hóa ẩm thực" của người Việt.

1. Nói về văn hóa thì khá đa dạng. Người Eskimo sống ở các vùng tuyết phủ tại Canada cho rằng "xì hơi" là bày tỏ sự cảm kích về bữa ăn no và ngon. Người Ấn thì bốc ăn, thậm chí có thể ngồi xổm giữa nơi công cộng bốc ăn.

Thế nên khác biệt văn hóa và kém văn minh là 2 điều khó phân định. Tuy nhiên chuyện của người Eskimo vẫn thuộc phạm trù mang tính "tự nhiên", là sinh học cơ thể của con người. Chuyện người Ấn ăn bốc dựa trên một phần tôn giáo. 

Còn "ăn" và "chửi nhau" thì có vẻ hơi không liên quan, nhất là khi người chửi là người nhận tiền của người bị chửi để cung cấp dịch vụ.

Bạn nghĩ sao khi Italia nổi tiếng với những chiếc bánh Pizza, Đức được nhắc tới với những chiếc xúc xích, Hongkong được ca ngợi bởi món vịt quay, còn Việt Nam chúng ta thì "tự hào" về "bún chửi" lên sóng CNN? 

Từ bún chửi Hà Nội đến văn hóa dịch vụ và cả sự nghịch lý - Ảnh 1.

Ẩm thực Hà Nội đã từng "kiêu ngạo" với những món như bánh mì, phở, bánh cuốn...

Ẩm thực Việt Nam vốn đa dạng, nhiều màu sắc. Bánh mì thịt, bánh tráng, bánh cuốn, phở…những món ăn truyền thống của ta đều được báo chí quốc tế nhắc đến rất nhiều. 

Trong khi phở đã trở thành quốc hồn của dân tộc, thu hút rất nhiều thực khách từ khắp nơi trên thế giới hàng thập kỷ qua thì bánh mì của chúng ta mới đây còn được xếp hạng vào danh sách những món ăn đường phố ngon nhất của nhiều tờ báo về ẩm thực.

Vậy tại sao cuối cùng Anthony và ekip làm chương trình này lại chọn "bún chửi" làm hình ảnh đại diện của ẩm thực Việt Nam trong khi chính bản thân ông là người am hiểu văn hóa nước ta rất tường.

Vì có lẽ người đầu bếp nổi tiếng này đã từng thưởng thức ẩm thực ở nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa bao giờ "kinh qua" trải nghiệm vừa ăn vừa nghe chửi. Có thể ông ta thấy thú vị, tò mò như rất nhiều người khác vẫn hàng ngày ghé qua quán bún đó ăn. Chửi thì cứ chửi, ăn thì cứ ăn.

2. Hồi mùa xuân, tôi có chuyến đi 10 ngày tới Sri Lanka, một nước nghèo nằm gần Ấn Độ sát Ấn Độ Dương, nơi mà những chiếc smartphone vẫn là vật gì đó khá là hiếm hoi và xa xỉ, nơi một người bình thường không phải ăn xin cũng có thể lại gần… xin đồ ăn của tôi. 

Tôi cũng thưởng thức hầu hết các loại hình dịch vụ ẩm thực của đất nước này, từ khách sạn 5 sao cho đến những nhà hàng trông rất đơn sơ nếu không muốn nói là tồi tàn về mặt hình thức. 

Nhưng đi đến đâu, họ đều gọi tôi là "Madame" và người đi cùng tôi là "Sir". Cho dù có những người bồi bàn phải đáng tuổi bố tôi rồi, họ vẫn tự nhiên hỏi chúng tôi kiểu :"Thưa quý ông và quý bà dùng gì ạ?"

Những người lái xe tuk tuk, taxi, bán hàng rong cũng gọi chúng tôi như thế với thái độ rất kính cẩn và…lễ phép.

Nhưng ở nước mình, ngay cả khi bạn vào một nhà hàng khá tử tế thì việc nhân viên phục vụ có thái độ không niềm nở tiếp đón, mặt nặng mày nhẹ với bạn cũng có thể xảy ra như cơm bữa. 

Chuyện bạn phải vừa ăn vừa…nịnh chủ quán cũng không xa lạ. Và bây giờ, vừa ăn vừa bị chửi đã trở nên nổi tiếng toàn cầu.

Đó là chưa bàn tới cách phục vụ của những nước văn minh như Đức, Pháp, Thụy Điển… mà tôi đã đi qua, nơi mọi thứ phải sạch bong, sáng loáng khi bạn bước chân tới bàn ăn. 

Trên mặt bàn lúc nào cũng phải có một lọ hoa to hoặc nhỏ, một cây nến dùng cho buổi tối, những chiếc dao dĩa được để ngay ngắn trên một tờ giấy ăn gấp vuông vắn, thơm dịu nhẹ. 

Người phục vụ sẽ ra hỏi tận tình, ngay cả khi bạn đang ăn, họ cũng lại gần 2, 3 bận để hỏi xem mọi thứ có ổn không và họ có thể giúp gì bạn không? Kết thúc bữa ăn, họ sẽ chúc bạn một ngày tốt lành và hy vọng bạn cảm thấy ngon miệng.

Thế nên, sau một bữa ăn, bạn cảm thấy mình thực sự là "Thượng Đế" để sẵn sang bỏ thêm 1 tới 2 euro tiền tip cho người phục vụ.

Từ bún chửi Hà Nội đến văn hóa dịch vụ và cả sự nghịch lý - Ảnh 2.

"Trời đánh còn tránh miếng ăn", vậy sao chúng ta đang ăn lại phải nghe chửi?

Lòng tự trọng để ở đâu khi không cho phép mình có cơ hội để thực sự là "Thượng Đế" khi đi ăn hàng mà chấp nhận làm "nô lệ" cho những lời mắng chửi vô lối? Đi ăn chứ đâu phải đi đày?

Dù sao tôi vẫn tin và hy vọng rằng những thứ "văn hóa" lệch lạc, vô minh ấy sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải với thế hệ trẻ hiện nay. 

Tôi vẫn luôn mong rằng khi nhắc tới ẩm thực Việt Nam, bạn bè quốc tế sẽ nói về những chiếc bánh mì thịt nóng hổi, những bát phở đậm đà, những người bán hàng hiền lành, chân chất.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại