Từ bãi rác cho tới bữa ăn trong những khu ổ chuột Philippines: Khi thịt thừa cũng thành "cao lương mỹ vị" cho người nghèo

Skye |

Với nhiều người Philippines, họ biết món ăn đó đến từ đâu và chúng được chế biến như thế nào. Tuy nhiên, đó là lựa chọn duy nhất của họ, với số tiền ít ỏi kiếm được từ những công việc lao động chân tay.

Nếu có ai từng đến Philippines, họ sẽ phải thốt lên những lời khen tấm tắc cho ẩm thực nơi đây; nhiều món ăn đường phố của Philippines đã thực sự vang tầm thế giới và được đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, có một món ăn nổi tiếng mà không phải ai cũng dám thử. Chẳng phải balut - món trứng vịt lộn trứ danh, hay nem cuốn Lumpia.

Nó có tên là "Pagpag". Hiểu nôm na, đó là món ăn được chế biến từ những thực phẩm thừa. Thịt gà thừa từ đĩa ăn của ai đó trong các cửa hàng đồ ăn nhanh?

Những tưởng bãi rác là điểm cuối của cuộc hành trình rồi nhưng không, nó sẽ tiếp tục được "tái chế" và thành món ăn cho người nghèo tại vùng đô thị Manila.

Từ bãi rác cho tới bữa ăn trong những khu ổ chuột Philippines: Khi thịt thừa cũng thành cao lương mỹ vị cho người nghèo - Ảnh 1.

"Pagpag" - món ăn từ những bãi rác của người nghèo Philippines.

Câu chuyện một: Thịt được tái chế và bán cho người nghèo

Theo chân các nhà làm phim BBC, người xem có thể thấy quy trình những đĩa thịt được đưa từ bãi rác ra tới nhà hàng như thế nào.

Bạn có dám ăn những món bỏ đi như này?

4 giờ sáng: bãi rác "Happyland", Manila

Anh Renato Navarro Conde, một người đã làm công việc đi thu gom đồ ăn thừa tại bãi rác được hơn 5 tháng này lại lụi cụi, tìm kiếm trong đống rác những miếng thịt gà, thịt lợn còn thừa.

Quần quật làm việc từ 12h trưa và cho tới tận bây giờ, anh cho biết mình thường kiếm được khoảng 6 USD/tuần (132 nghìn đồng). Còn với một túi thịt "pagpag", nó được bán với giá 50 cent (khoảng 11 nghìn đồng).

Ai là người mua nó? Tất nhiên sẽ là những người chủ nhà hàng thường xuyên bán đồ ăn cho người nghèo như ông Norberto Lucion.

6 giờ sáng: Thịt đã "yên phận" trong các nhà hàng.

Ông Norberto lại tất bật cho một buổi chợ, đi mua nguyên liệu để về chế biến. Thứ thịt pagpag kia sẽ được lóc xương, rửa sạch, chế biến tẩm ướp với gia vị để bớt đi những thứ mùi, thứ màu "kinh khủng".

Chế biến xong, nhìn nó lại như một món ăn đẳng cấp nhà hàng, mà chỉ có giá vài nghìn đồng/đĩa.

Từ bãi rác cho tới bữa ăn trong những khu ổ chuột Philippines: Khi thịt thừa cũng thành cao lương mỹ vị cho người nghèo - Ảnh 3.

Những người dân nghèo không có sự lựa chọn nào khác.

"Tôi ăn "pagpag" bởi vì nó rất ngon. Nhà hàng này làm pagpag rất sạch nên nhiều người tới đây để thưởng thức. Bạn có phải có một cái bụng khỏe. Người dân ở đây ư? Chúng tôi quen với nó rồi", Nonoy Moralos, một người giao đá chia sẻ.

"Mọi chuyện là như vậy đấy. Đây là những thứ vừa túi tiền với người nghèo chúng tôi. Chừng nào còn ở đây, chúng tôi vẫn sẽ ăn "pagpag".

Từ bãi rác cho tới bữa ăn trong những khu ổ chuột Philippines: Khi thịt thừa cũng thành cao lương mỹ vị cho người nghèo - Ảnh 4.

Câu chuyện hai: Nhà hàng đồ ăn nhanh bên ngoài Manila

Felipa Fabon đợi bên ngoài một nhà hàng bán đồ ăn nhanh - chủ yếu là gà rán, tại Manila. Đứng bên cạnh những thùng rác, cô chẳng tới đây để gặp bạn bè cho bữa tối mà để tìm cho mình một bữa ăn từ những thùng rác.

"Tôi đang phân loại rác, cố gắng tìm cho ra pagpag", cô nói.

Trên thực tế, trong tiếng Tagalog, "pagpag" có nghĩa lại bụi giũ ra từ quần áo hay thảm. Nhưng với những người nghèo, "pagpag" là thứ thịt thừa từ thùng rác.

Nó là một sản phẩm của hệ thống thực phẩm "ngầm" cho người nghèo tại các đô thị mà tầng lớp trung lưu chẳng bao giờ biết tới.

Từ bãi rác cho tới bữa ăn trong những khu ổ chuột Philippines: Khi thịt thừa cũng thành cao lương mỹ vị cho người nghèo - Ảnh 5.

Cô Felipa Fabon đang nhặt thịt gà từ những túi rác.

Trong ánh đèn đường lờ mờ, cô cầm một nửa ức gà mà ai đó ăn dở.

"Đây này, đây là thịt này", cô nói. "Giờ việc của chúng tôi là rửa sạch chúng, cho vào túi nilon và bán nó vào sáng sớm. Dễ bán lắm vì nó rẻ mà, hàng xóm tôi ai cũng muốn đồ ăn rẻ. Chỉ tầm 20 peso - tương đương với 11 nghìn, một túi".

Sau đó, người phụ nữ này quay về Tondo - một khu vực nổi tiếng tại Philippines. Chẳng phải vì cái gì đẹp đẽ cả mà nơi đây là một trong những khu vực nghèo nhất của thủ đô Manila".

Vào khoảng 6 giờ sáng, Felipa Fabon bắt đầu chia đống pagpag vào những chiếc túi và bán cho mọi người. Cô thấy hơi thất vọng vì hôm nay chỉ có 5 túi. Vừa đi quanh xóm, cô vừa giao.

"Pagpag đây", tiếng chào mời vang khắp con ngõ hẹp.

Morena Sumanda, bà mẹ 27 tuổi là khách hàng đầu tiên. Cô không có 20 peso để trả cho Felipa Fabon luôn, phải chờ tới khi chồng cô về cơ.

Với chồng cô, 20 peso là bằng cả ngày lương rồi. Đứa con của Sumanda ngồi nhìn trong khi bà mẹ đang rửa thịt gà, bắc bếp và thêm một chút gia vị vào để nấu ăn.

"Đôi khi, nó đến từ bãi rác", cô nói khi đưa chiếc cánh gà cho con trai mình.

Từ bãi rác cho tới bữa ăn trong những khu ổ chuột Philippines: Khi thịt thừa cũng thành cao lương mỹ vị cho người nghèo - Ảnh 6.

Chị Morena Sumanda đưa thức ăn cho con.

Sumanda và những người khác như cô không có sự lựa chọn nào khác ngoài ăn pagpag, Melissa Alipalo - một nhân viên phát triển xã hội tại Quỹ Cộng Đồng Philippines (PCF) cho biết.

"Đấy là một nỗi nhục đầy riêng tư của những người nghèo khi phải ăn thừa thức ăn của người khác. Tuy nhiên, nó là cơ chế sinh tồn cho những người nghèo", cô cho biết.

"Kể cả khi họ nấu chín, dịch bệnh vẫn còn ở đó", Maria Theresa Sarmiento, quản lý sức khỏe và dinh dưỡng của PCF cho biết.

Sarmiento nói rằng các bậc phụ huynh đều biết về sự nguy hiểm của pagpag và đây không phải nguồn thức ăn tốt cho lũ trẻ nhưng họ không có lựa chọn nào khác.

"Họ bị ép phải làm thế vì họ không có tiền để mua thức ăn tốt hơn", cô chia sẻ. Với Sumanda, đó là tất cả những gì cô có thể chi trả.

"Với chúng tôi, như vậy là đủ rồi", cô nói.

(Nguồn: BBC, CNN)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại