Sáng 1/9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đông (SN 1966, trú xã Hồng Hà, Đan Phương, Hà Nội) cầm dao truy sát gia đình người em ruột là ông Nguyễn Văn Hải (SN 1968) ở cùng thôn khiến 4 người tử vong. Kết quả điều tra xác định, nguyên nhân thảm án xuất phát từ việc mâu thuẫn đất đai giữa hai gia đình.
Gần nửa tháng sau, vào ngày 14/9, ông Bùi Xuân Hồng (SN 1956, trú phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái nguyên) đi xe đạp sang nhà em gái ruột Bùi Thị Hà (SN 1959, trú phường Chùa Hang) rồi rút dao đâm túi bụi khiến bà Hà tử vong, hai người khác bị thương.
Cảnh sát cho hay, vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn về khoản nợ hơn 3 tỷ đồng mẹ con bà Hà vay của ông Hồng nhưng không trả.
Thủ phạm Bùi Xuân Hồng bị công an bắt giữ sau khi gây án.
Mâu thuẫn tích tụ lâu không lối thoát khiến người ta ôm hận thù
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nêu quan điểm, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ thảm án "huynh đệ tương tàn" như ở Đan Phượng (Hà Nội) hay ở Thái Nguyên đều có một nguyên nhân chung là do tranh chấp đất đai, tài sản hoặc tiền bạc.
Đối tượng gây án là người có nhân thân tốt, thậm chí có học thức, có địa vị xã hội, tuổi đời không còn nông nổi như đối tượng côn đồ hung hãn, bất chấp pháp luật.
Luật sư Cường phân tích, đối với hai vụ án lớn vừa xảy, "nguyên nhân mâu thuẫn kéo dài" đã hình thành suy nghĩ tiêu cực khiến đối tượng nảy sinh ý định trả thù.
Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, những suy nghĩ tiêu cực được tích tụ ấy gặp tình huống có vấn đề dẫn đến cảm xúc bùng nổ, từ đó, một "người hiền lành" bỗng biến thành "quỷ dữ", sẵn sàng ra tay sát hại bất cứ ai, kể cả anh em ruột thịt.
Và khi đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sẽ không nghĩ ngợi gì, không phân biệt tình lý, không nể nang, chỉ có thù hận và quyết tâm trả thù. Họ hành động rất quyết liệt, cuối cùng nghĩ sẽ chọn cái kết bằng cách tự vẫn.
"Từ các yếu tố trên có thể thấy, nếu mâu thuẫn trong nhà không được giải quyết đúng đắn, kịp thời thì hoàn toàn có thể trở thành những bi kịch hết sức đau lòng. Vì khi mâu thuẫn tích tụ quá lâu, không lối thoát con người ta dễ mù quáng, bế tắc mà ôm hận thù", luật sư Cường nói.
Hậu quả mỗi vụ án để lại nỗi đau cho người thân. Ảnh: Hoàng An.
Người nhân cách, giáo dục tốt nhưng khí chất nóng vẫn có thể thành tội phạm !
Ông phân tích thêm, thông thường, hành vi phạm tội ở mỗi con người chịu sự tác động của 3 yếu tố cơ bản là: Nhân cách, cảm xúc và thực tại khách quan (sự tương tác giữa đối tượng phạm tội với hoàn cảnh, môi trường xã hội).
Đặc điểm giáo dục, hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội trong suốt thời kỳ tuổi trẻ sẽ hình thành nên nhân cách, nhưng không phải tất cả những người có nhân cách tốt, được giáo dục tốt sẽ không trở thành tội phạm.
"Có những người nếu khí chất nóng, ưu tư, trong một tình huống, một khoảnh khắc nào đó mà không kiềm chế được cảm xúc bản thân, để cảm xúc chi phối lý trí hoặc khi gặp phải những hoàn cảnh xã hội tác động thì vẫn có thể thực hiện các hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật và trở thành người phạm tội.
Bởi vậy mới có những người lớn tuổi, có học, có địa vị xã hội nhưng lại có những hành động không khác gì một kẻ côn đồ", luật sư Đặng Văn Cường nói.
Khoảng 18h00 ngày 14/9, ông Bùi Xuân Hồng (SN 1956, trú tổ 2, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái nguyên) cầm dao nhọn, súng và một chai đựng xăng rồi đi xe đạp sang nhà em gái ruột là bà Bùi Thị Hà (SN 1959, trú tổ 14, phường Chùa Hang) tìm gặp anh Nguyễn Thành Vương (SN 1981, là con rể của bà Hồng) giải quyết mâu thuẫn về việc anh này vay ông khoản tiền 3 tỷ đồng nhưng không trả.
Tại nhà bà Hà, ông Hồng đã gặp anh Vương và hai bên xảy ra xô sát, ông Hồng dùng dao bấm đâm hai nhát vào ngực anh Vương làm anh ngã ra đất.
Ông Nguyễn Văn Thành (SN 1954, chồng bà Hà) chứng kiến vụ việc đã lao vào đẩy ông Hồng ngã xuống đất, còn bà Hà cùng con gái là chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1983) chạy đến giữ tay ông Hồng.
Trong lúc giãy dụa, ông Hồng rút được tay đang cầm dao ra và đâm túi bụi. Hậu quả bà Hà tử vong trước khi đưa đi cấp cứu. Còn ông Thành, anh Vương bị đa chấn thương với nhiều vết ở đầu, ngực, vùng bụng, tay.