Từ 1-7, khi nào cảnh sát được nổ súng?

NHÂN CHÍNH |

Trừ trường hợp đặc biệt, trước khi nổ súng, người thi hành nhiệm vụ phải cảnh cáo bằng mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên.

Một loạt quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, trong đó Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định những trường hợp công an được nổ súng.

Có trường hợp trước khi nổ súng phải có cảnh báo, song cũng có trường hợp công an được nổ súng tức thì để xử lý tình huống.

Sáu trường hợp phải cảnh báo trước khi bắn

Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng nhưng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng trong các trường hợp sau đây:

• Người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ (THCV) hoặc người khác;

• Người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng, đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;

• Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người THCV hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải , bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm;

Từ 1-7, khi nào cảnh sát được nổ súng? - Ảnh 1.

Cảnh sát hình sự dùng súng khống chế một tên cướp trên đường Ba Tháng Hai, TP.HCM. Ảnh: HTD

• Khi biết rõ trường hợp đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

• Được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa trừ phương tiện của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài, đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người THCV hoặc người khác.

• Được nổ súng khi biết rõ phương tiện do người phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn hoặc đang chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin.

Năm trường hợp được bắn không cần cảnh báo

• Người vi phạm đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;

• Người vi phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;

• Người vi phạm đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

• Trường hợp người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người THCV hoặc người khác; đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người THCV;

• Động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người THCV hoặc người khác.

Ngoài ra, theo quy định mới tại Luật Cảnh vệ 2017, từ ngày 1-7, chiến sĩ cảnh vệ cũng được phép nổ súng trong các trường hợp: Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ…

Tuy nhiên, nguyên tắc của việc nổ súng là chỉ thực hiện khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng vẫn không tuân theo.

Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải cố gắng tối đa để hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí gây ra.

Phải chủ động phục hồi danh dự cho người bị oan

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 68/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ 1-7-2018 là Nhà nước phải chủ động phục hồi danh dự cho người bị oan. Trình tự cụ thể như sau:

• Cơ quan quản lý trực tiếp người THCV gây thiệt hại gửi thông báo văn bản tổ chức phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại.

• Trong thời hạn 10 ngày, người bị thiệt hại có ý kiến trả lời bằng văn bản và gửi cho cơ quan trực tiếp quản lý người THCV gây thiệt hại.

• Nếu người bị thiệt hại trả lời bằng lời nói thì cơ quan trên lập biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của người bị thiệt hại.

• Nếu người bị thiệt hại không trả lời thì việc phục hồi danh sự sẽ được thực hiện khi người bị thiệt hại có yêu cầu bằng văn bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại