Trong một động thái mau lẹ, quyết đoán, chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi chiếc máy bay trinh sát IL-20 của Nga bị tên lửa Syria vô tình bắn hạ trên biển Địa Trung Hải khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng, Moscow đã rất nhanh chóng vận chuyển hệ thống phòng không S-300 tới căn cứ Khmeimim ở Syria.
Chiếc máy bay vận tải Antonov An-124 phải mất ít nhất 7 chuyến bay, cất cánh từ thành phố Murmansk, di chuyển theo hành trình từ Nga qua không phận Iran, Iraq để mang các tổ hợp S-300 tới Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo về việc S-300 đã tiếp đất Syria hôm thứ Ba (2/10), đồng thời cho biết tổ hợp này sẽ được tích hợp với các hệ thống mà Nga đã bố trí sẵn ở đây vào ngày 20/10 tới và các kíp chiến đấu của Syria sẽ được huấn luyện vận hành trong thời gian 3 tháng.
Ý đồ tung S-300 tới Syria của Nga là gì?
Mặc dầu vậy, vẫn còn một danh sách dài những câu hỏi mà giới phân tích quân sự Nga chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Liệu đây có phải là những tổ hợp S-300 tối tân nhất?
Bởi sự khác biệt về các phiên bản radar và tên lửa có thể sẽ đem đến những tác động to lớn đối với các lực lượng không quân đang hoạt động trong khu vực. Thực tế, đã có bao nhiêu giàn phóng được Nga chuyển tới Syria?
Vì chính Nga đã và đang vận hành S-400, hệ thống phòng không tiên tiến hơn ở Khmeimim, nên liệu rằng tổ hợp mới đến này đơn giản chỉ là để tích hợp thành một mạng lưới phòng không hợp nhất, gia tăng tầm bao phủ của radar và mang đến nhiều lựa chọn hơn trong việc bám bắt và đánh chặn các mục tiêu tấn công?
Hay mục tiêu cuối cùng là trang bị cho Tổng thống Syria Bashar Assad một hệ thống nâng cấp, độc lập?
Máy bay trinh sát IL-20 của Nga. Ảnh: Ynet
Ngay tiến trình chuyển giao diễn ra ngắn ngủi một cách đáng ngạc nhiên cũng khiến người ta phải đặt ra nhiều câu hỏi. Vì ngay cả những cường quốc quân sự hùng mạnh như Nga cũng không dễ bề "thừa mứa" các hệ thống dạng này.
Nên thật khó có thể tưởng tượng nổi là Nga đã lấy ra từ một tiểu đoàn phòng không đang hoạt động nào đó ở tiền phương, vì thế, những tổ hợp này, hoặc được lấy từ kho cất trữ hoặc chúng đã được vận hành gần đây và có thể đang trong quá trình thay thế bằng các hệ thống mới hơn. Mọi việc diễn ra rất kịp thời.
Thách thức bất cứ thế lực nào xâm phạm lãnh thổ Syria
Trước đây, Nga đã từng tuyên bố về khả năng trang bị cho đồng minh Syria các tên lửa S-300 nhưng lần này, khi quyết định đưa ra ngày sau vụ chiếc Ilyushin Il-20 bị bắn hạ, được ngầm hiểu là bước đi sẽ khiến không quân Israel phải gặp nhiều khó khăn hơn khi hoạt động ở Syria.
Nga từng đổ lỗi cho Israel đã thực hiện hành động khiêu khích khiến chiếc máy bay bị bắn rơi khi thực hiện vụ tấn công cơ sở sản xuất tên lửa của Iran ở gần Latakia. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, lời lẽ mang tính chống lại Israel đã hạ nhiệt và ông Shoigu khi thông báo về việc hoàn tất chuyển giao S-300 cho Syria cũng không đề cập tới Israel.
Liệu đây có phải chỉ là động thái đáp trả sự cố Ilyushin? Hay nó thuần túy là một cái cớ cho sự thay đổi lớn hơn trong chiến lược của Nga ở Syria?
Cứ cho giả thuyết này là đúng, tức thuần túy chỉ là một cái cớ. S-300 không thể ngăn cản được Israel tấn công các mục tiêu Iran ở Syria. Nhưng nó sẽ thay đổi tham số hoạt động và có nghĩa là Israel sẽ phải quay trở lại tần xuất ít hơn.
Hệ thống phòng không S-300 phóng tên lửa tại Hội thao Quân sự Quốc tế 2017. Ảnh: Reuters
Israel có kiến thức, kinh nghiệm và thiết bị để trốn tránh S-300. Nhưng việc bổ sung thêm nhiều hệ thống phòng không tới Syria và do chính người Nga điều khiển thì sẽ cần tới sự cẩn trọng lớn hơn.
Hệ thống tiên tiến hơn cũng sẽ giúp Nga và Syria tránh được thảm kịch khác tương tự, ngăn chặn nguy cơ lặp lại sự cố Syria dùng chính tên lửa đo Nga chế tạo bắn vào máy bay Nga.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những lựa chọn khác cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngày 3/10, ông Putin nói rằng ông muốn tất cả các lực lượng nước ngoài phải rút khỏi Syria. Như thế, ông có thể tiến tới thời khắc tuyên bố "nhiệm vụ đã hoàn thành" với việc ông Assad nắm quyền trở lại phần lớn lãnh thổ Syria. Vậy tạo sao phải đặt lính Nga vào nhiều rủi ro hơn nữa?
Ông Putin đã nói điều tương tự trong quá khứ và người Nga vẫn ở lại, nhưng nếu hoạt động từng bước rút bớt các lực lượng Nga ở Syria sớm diễn ra thì việc nâng cấp hệ thống phòng không cho chính quyền Assad từ những thiết bị từ thời Liên Xô rõ ràng hàm chứa nhiều ý nghĩa.
Nhưng đây là Tổng thống Putin, ông thích có càng nhiều giải pháp thay thế càng tốt. Ông ấy khó có khả năng sớm rút quân.
Tổng thống Assad có thể tương đối an toàn ở Damascus và đã giành được quyền kiểm soát gần như tất cả các thành phố chính của Syria nhưng các cuộc chiến song song khác ở Syria còn lâu mới đến hồi kết.
Ảnh chup từ video Nga vận chuyển S-300 tới Syria. Ảnh: Ynet
Đó không chỉ là cái bóng của cuộc chiến giữa Israel và Iran. Thổ Nhĩ Kỳ đã gây sức ép để Nga và chính quyền Syria từ bỏ các kế hoạch tiến công thành trì cuối cùng của khủng bố ở Idlib nhưng trận chiến đó sẽ chưa kết thúc.
Tại phía Đông Syria, trên vùng biên giới với Iraq, nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tái lập. Chúng có thể đã mất các thành trì ở Mosul và Raqqa, nhưng tổ chức này hiện vẫn còn khoảng 30.000 tay súng đang hoạt động ở cả hai nước.
Tháng 8/2018, Mỹ đã đảo ngược quyết định rút các đơn vị đặc nhiệm hiện đang hợp tác với Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo ở bờ Đông sông Euphrates.
Putin, người đã rất tài nghệ tận dụng khoảng trống mà cựu Tổng thống Barack Obama để lại ở Syria để cứu vớt chính quyền Assad, hiện nay sẽ khó có thể phạm phải sai lầm tương tự.
Hệ quả của một khoảng trống như vậy đã biểu hiện rất rõ đêm thứ Hai (1/10) khi Iran phóng tên lửa tấn công các mục tiêu ở phía Đông Syria, với tuyên bố trả đũa những kẻ đã lên kế hoạch tấn công cuộc diễu binh quân sự ở Ahvaz tuần trước.
Hiện tại, Iran có thể là đồng minh của Nga nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh vai trò ảnh hưởng với Moscow ở khu vực Trung Đông. Hai thành viên NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang có các lực lượng bộ binh ở Syria, trong khi Pháp và Anh vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc không kích chống IS ở đây.
Như vậy, việc chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 cho Syria, ẩn chứa hàm ý hơn bất cứ điều gì khác, là một tín hiệu cho thấy, ông Putin đang xây dựng một chiến lược dài hại cho nước Nga, và sẵn sàng thách thức bất cứ quốc gia nào dám xâm phạm vào nơi mà hiện ông coi là lãnh địa của chính mình.
An-124 Ruslan vận chuyển S-300 tới Syria