Cuộc nội chiến Syria bắt đầu từ tháng 3/2011 và vẫn đang tiếp diễn cho tới tận ngày hôm nay. Phiến quân khủng bố IS và Hayat Tahrir al-Sham (HTS, trước đây gọi là Mặt trận Nusra) là những nhóm thánh chiến cuồng tín nhất trong suốt cuộc xung đột đẫm máu ở quốc gia Trung Đông này.
Kể từ tháng 9/2014, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã bắt đầu tấn công các vị trí của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS (hay còn gọi là Daesh/ISIS) ở Syria. Tuy nhiên, chiến dịch này được thực hiện mà không có sự phê chuẩn hay chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay chính quyền Damascus của Tổng thống Syria Assad.
Tới mùa Thu năm 2015, tình hình ở Syria hết sức nguy cấp. Tại thời điểm ngày 30/09/2015, chính phủ của Tổng thống Assad chỉ còn kiểm soát được có 8% diện tích lãnh thổ của nước này.
Quyết định chấn động thế giới của TT Putin
Vào ngày 30/09/2015, ông Sergei Ivanov - Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Nga tuyên bố Tổng thống Syria Bashar Assad đã đề nghị Nga giúp đỡ quân sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu thượng viện Nga nhất trí kế hoạch triển khai lực lượng viễn chinh quân sự và các nhà lập pháp Nga đã không ngại ngần ủng hộ luôn và ngay việc hỗ trợ chính phủ Syria bằng không quân.
Cùng ngày, một nhóm chiến đấu cơ Nga đã được triển khai tới sân bay Khmeimim gần tỉnh Latakia theo quyết định của Tổng thống Putin và bắt đầu thực hiện các đòn không kích chính xác nhằm vào các mục tiêu của khủng bố IS ở Syria.
Dưới sự điều hành của Bộ Quốc phòng Nga mà đứng đầu là Bộ trưởng - Đại tướng Shoigu, Không quân Nga đã bí mật, bất ngờ và thần tốc đưa tới Syria lực lượng máy bay gồm hơn 50 chiếc, từ máy bay ném bom/cường kích Su-24, Su-25 và Su-34 cho tới tiêm kích đa năng chiếm ưu thế trên không Su-30SM và Su-35 cùng các loại trực thăng Mi-24 và Mi-8AMTSH.
Thậm chí các máy bay ném bom siêu âm Tu-22M cũng được phép xuất kích. Đồng thời, Nga cũng bắt đầu sử dụng rộng rãi các vệ tinh và máy bay không người lái trinh sát.
Điều đặc biệt là tình báo phương Tây hoàn toàn mù tịt về kế hoạch cũng như hành động của Nga triển khai một lực lượng máy bay lớn đến như vậy tới Syria. Chỉ khi các chiến đấu cơ tối tân nhất của Nga đồng loạt phơi mình giữa sân bay Khemimim cho vệ tinh trinh sát tha hồ chụp ảnh thì họ mới ngã ngửa ra.
Để phối hợp hoạt động chống khủng bố, các quốc gia Nga, Iraq, Iran và Syria đã thiết lập một trung tâm thông tin ở Thủ đô Baghdad của Iraq. Tại đây, các chuyên gia đã thu thập, xử lý, tổng hợp và phân tích các dữ liệu tinh báo về các diễn biến trong khu vực. Họ cũng cung cấp ngay lập tức các dữ liệu tình báo cho Bộ tham mưu các quốc gia kể trên.
Những vũ khí tối tân của Nga lần lượt giáng đòn sấm sét
Vào ngày 07/10/2015, từ biển Caspia cách Syria hàng nghìn km, các tàu chiến Nga chính thức tham chiến chống khủng bố và đã phóng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt 11 mục tiêu.
Vào ngày 17/11/2015, Nga lần đầu tiên sử dụng các máy bay ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3. Đây được coi là ngày lịch sử bởi trước đó các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95 của Nga chưa từng tham chiến thực sự.
Vào ngày 24/11 cùng năm, một tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ đã phục kích bắn hạ 1 máy bay ném bom Su-24 của Nga trên không phận Syria, sau đó, Tổng thống Putin đã ra lệnh lập tức điều các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới Syria để bảo vệ căn cứ sân bay Khmeimim.
Đại tướng Shoigu, Bộ trưởng BQP Nga trong một chuyến thị sát tới căn cứ sân bay Khmeimim.
Vào ngày 08/12/2015, lần đầu tiên tàu ngầm lớp Kilo mang tên Rostov-on-Don đã phóng tên lửa hành trình Kalibr từ biển Địa Trung Hải tấn công và hủy diệt tất cả các mục tiêu được giao.
Các loại vũ khí có điều khiển chính xác của Nga đã tiêu diệt được nhiều trung tâm và đầu não chỉ huy, phương tiện thông tin liên lạc, các kho cất chứa vũ khí trang bị, nhiên liệu cũng như những cơ sở chế tạo thiết bị nổ, xe bom của khủng bố IS,...
Những đợt không kích ồ ạt và sấm sét này đã khiến phiến quân và khủng bố thiệt hại nặng, buộc chúng phải rút lui và để mất phần lớn vũ khí trang bị ở chiến tuyến.
Dần dần Quân đội Syria, dưới sự yểm trợ hiệu quả của Không quân Nga, đã lật ngược thế cờ, giải phóng được phần lớn các vùng lãnh thổ mà trước đây họ để mất vào tay phiến quân thánh chiến.
Vào ngày 06/12/2017, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng khủng bố IS đã hoàn toàn bị đánh bại ở cả 2 bên bờ sông Euphrates ở Syria. Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga cũng đưa ra thông báo tương tự như vậy.
Rút quân rồi lại tăng quân: Thời cơ đến, cung cấp S-300 cho Syria luôn và ngay
Vào ngày 11/12/2017, Tổng thống Putin đã ra lệnh rút đáng kể binh sĩ và vũ khí Nga khỏi Syria tuy vậy, căn cứ sân bay Khmeimim và quân cảng Tartus vẫn được sử dụng như là các đầu cầu để có thể tái triển khai quân lực bất cứ lúc nào.
Ngày 17/09/2018, một máy bay trinh sát IL-20 của Nga bị bắn hạ cách bờ biển Syria 35 km (21,7 dặm) khi đang trên đường trở về căn cứ sân bay Khmeimim. Cùng lúc này, có tới 4 chiếc tiêm kích F-16 của Israel đang tiến hành tấn công các mục tiêu ở tỉnh Latakia của Syria.
BQP Nga cáo buộc các chiến đấu cơ Israel đã sử dụng máy bay trinh sát Nga như một tấm màn che chắn trước sự phản công của tên lửa phòng không Syria. Chiếc IL-20 đã bị bắn hạ bởi 1 tên lửa S-200 của phòng không Syria.
Tên lửa phòng không S-300 Nga chuyển giao cho Syria.
Cơ hội đến, Moscow tuyên bố trang bị cho phòng không Syria các hệ thống chỉ huy và điều khiển tự động mà trước đó chỉ được vận hành bởi lực lượng Nga, đồng thời Moscow cũng chuyển giao tên lửa phòng không S-300 tối tân cho Syria.
Tới tháng 10/2018, tướng Shoigu thông báo đã có 4 hệ thống S-300 được triển khai ở Syria để bảo vệ các căn cứ và binh sĩ Nga ở Syria, và các kíp chiến đấu Syria sẽ được học chuyển loại trong 3 tháng để vận hành những tổ hợp tên lửa tối tân này.
Tính tới cuối năm 2018, hầu hết các chiến đấu cơ Nga đã rút khỏi Syria cùng với các vũ khí và trang bị không thuộc thành phần cơ hữu và quan trọng của các căn cứ Khmeimim và Tartus.
Kết quả chiến đấu của Quân đội Nga tại Syria
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong 4 năm tác chiến ở Syria, đã có 63.000 lượt quân nhân Nga, bao gồm 434 tướng lĩnh và khoảng 26.000 sĩ quan đã tới thực chiến tại Syria, họ đã thu được những kinh nghiệm chiến đấu hết sức quý giá.
Cũng trong thời gian này, có 231 loại vũ khí hiện đại mới được sản xuất hay nâng cấp đã được thử lửa thực sự. Chỉ có 12 loại vũ khí không chứng minh được uy lực chiến đấu trong quá trình thử nghiệm chiến đấu chống khủng bố ở Syria trong khi 300 loại vũ khí khác đã được nâng cấp.
Không quân Nga đã thực hiện hơn 40.000 phi vụ không kích, trong đó có tới 21.000 phi vụ đánh đêm, trong khi Hải quân Nga đã thực hiện 189 chiến dịch với 86 lượt tàu nổi, 14 lượt tàu ngầm và 83 tàu các loại khác.
Đáng chú ý là lần đầu tiên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov - hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga đã ra trận vào ngày 15/11/2016.
Qua 4 năm tham chiến, các lực lượng viễn chinh Nga đã phá hủy 122.000 mục tiêu khủng bố, giết chết 87.500 tay súng thánh chiến, giúp chính quyền TT Assad giải phóng 1.411 khu dân cư, bao gồm nhiều thành phố quan trọng. Toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc chủ chốt luôn thông suốt.
Chiến dịch chống khủng bố với sự tham gia tích cực của Quân đội Nga đã giúp Quân đội Syria giải phóng được 96,5% diện tích lãnh thổ đất nước so với chỉ 8% kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến.
Hiện tại Nga vẫn tiếp tục giúp đỡ chính quyền của Tổng thống Assad trong những trận chiến cuối cùng nhằm giải phóng hoàn toàn lãnh thổ Syria khỏi khủng bố và phiến quân thánh chiến.